Thành lập công ty sản xuất tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam ngày càng được các nước phát triển trên thế giới quan tâm do duy trì sự ổn định về kinh tế và chính trị trong nhiều năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư; thường xuyên áp dụng các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế, giảm phí, và hỗ trợ hạ tầng cho các dự án sản xuất. Dù phải đối mặt với những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng nhẹ trong ngành công nghiệp, điều này tạo điều kiện lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất. Theo đó, nhiều nhà máy sản xuất đã được xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô, hoạt động mua bán và sáp nhập các nhà máy sản xuất cũng rất sôi nổi trên thị trường Việt Nam. 

Thành lập công ty sản xuất tại Việt Nam

Để thành lập một công ty hoạt động sản xuất tại Việt Nam, các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài cần phải xin một số giấy phép, chấp thuận theo lộ trình như sau: 

I. Thành lập công ty 

  1. Tìm kiếm đất, nhà xưởng: Mỗi địa phương có một quy hoạch sử dụng đất cụ thể cho hoạt động sản xuất và công nghiệp, các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng quy hoạch các sản phẩm được phép sản xuất trong khu vực. Nhà Đầu Tư cần kiểm tra xem khu vực mình quan tâm có nằm trong khu vực được phép hoạt động sản xuất hay không, đảm bảo rằng hoạt động sản xuất không bị xung đột với quy định pháp luật và bảo vệ môi trường địa phương. Bên cạnh đó, Nhà Đầu Tư cũng phải cân nhắc về tiện ích và hạ tầng, đảm bảo đủ để hỗ trợ hoạt động sản xuất, bao gồm điện, cấp nước và hệ thống thoát nước, cũng như các dịch vụ vận chuyển và giao thông thuận tiện.
  2. Xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư (“IRC”): Trước khi xin cấp IRC, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài cần phải có một dự án đầu tư cụ thể tại Việt Nam. Dự án này phải được đề xuất và cung cấp các thông tin chi tiết về mục tiêu, phương thức thực hiện, vốn đầu tư và các yếu tố khác liên quan. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài xin cấp IRC theo quy định của Luật Đầu Tư tại Ban Quản Lý Các Khu Công Nghiệp hoặc Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư của tỉnh/thành phố nơi có nhà máy sản xuất.
  3. Xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp (“ERC”): Sau khi được cấp IRC, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thành lập Công Ty thông qua việc xin cấp ERC tại Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư của tỉnh/thành phố nơi có nhà máy sản xuất. Công Ty sẽ chịu trách nhiệm triển khai dự án đầu tư theo nội dung đã được chấp thuận trong IRC, bao gồm việc góp vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và thời gian bắt đầu sản xuất ….
  4. Tuân thủ các quy định chung của pháp luật: giống như các công ty khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về thuế, lao động, …

II. Đáp ứng các điều kiện để hoạt động sản xuất

  1. Xây dựng: Trước khi xây dựng nhà xưởng sản xuất mới trên khu đất trống hoặc sửa lại nhà xưởng cũ khác so với thiết kế xây dựng đã được đăng ký trước đó, Công Ty phải chuẩn bị bản vẽ, thiết kế chi tiết của công trình xây dựng và xin cấp Giấy Phép Xây Dựng tại Sở Xây Dựng tại địa phương nơi có dự án.
  2. Môi trường: Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng mà các công ty sản xuất phải quan tâm và tuân thủ đầy đủ. Tuỳ theo tác động tiềm ẩn của dự án đến môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu, khắc phục hoặc bảo vệ môi trường mà Công Ty phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Phép Môi Trường (GPMT), Đánh Giá Tác Động Môi Trường (ĐTM) hoặc Cam Kết Bảo Vệ Môi Trường (CBMT). Ngoài việc tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý, Công Ty cũng cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, như sử dụng công nghệ sạch, tăng cường kiểm soát ô nhiễm, và thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
  3. Phòng cháy chữa cháy: Nhằm bảo vệ con người và tài sản, các công ty sản xuất đều phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng Cháy và Chữa Cháy. Công Ty cần phải lập phương án phòng cháy chữa cháy gồm cài đặt hệ thống báo cháy, cung cấp các thiết bị chữa cháy, tổ chức huấn luyện cho nhân viên, và các biện pháp khác. Công Ty phải nộp phương án này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được phê duyệt và được cấp Giấy Chứng Nhận Đủ Kiều Kiện Phòng Cháy Chữa Cháy trước khi hoạt động.
  4. Giấy phép/Chấp thuận khác: tuỳ vào loại hàng hoá, sản phẩm được sản xuất mà phải đáp ứng các điều kiện và xin cấp các giấy phép/chấp thuận khác nhau. Ví dụ trường hợp nhà máy sản xuất thức ăn, Công Ty phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm xuyên suốt quá trình sản xuất và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng Nhận Cơ Sở Đủ Điều Kiện An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm.

III. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh việc các điều kiện cần thiết để vận hành nhà xưởng sản xuất, Công Ty cần chú trọng đến việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù là một “tài sản vô hình” nhưng giúp nâng cao giá trị, sức hút của Công Ty đối với các dự án đầu tư, mua bán, sáp nhập sau này. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, khi áp dụng đối với các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, đối tượng thường được quan tâm, chú trọng nhất là quyền sở hữu công nghiệp. Các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại và bí mật kinh doanh.  

  1. Tên thương mại: tên thương mại đóng vai trò nòng cốt mang lại giá trị lớn trong hoạt động phát triển Công Ty, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ của Công Ty một cách nhanh chóng, chính xác. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại được bảo hộ khi có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Vì vậy, Công Ty nếu đáp ứng điều kiện được bảo hộ tên thương mại thì có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi sử dụng tên thương mại của mình.
  2. Nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhờ vào nhãn hiệu, khách hàng có thể xác định được một loại hàng hóa/dịch vụ của một công ty cụ thể và mặt khác, nhãn hiệu giúp công ty thúc đẩy việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm đến khách hàng. Theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022, Công Ty có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu sử dụng cho nhóm hàng hóa/dịch vụ mà mình đăng ký bảo hộ. Thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký và có hiệu lực từ thời điểm văn bằng được cấp.
  3. Kiểu dáng công nghiệp: Đối với các công ty sản xuất, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nên được chú trọng vì nó đem lại doanh thu đáng kể, có ảnh hưởng đến sự lựa chọn, thị hiếu của người tiêu dùng. Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được xác lập trên cơ sở được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp. Thời hạn bảo hộ là 05 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký và có hiệu lực từ thời điểm văn bằng được cấp.
  4. Bao bì sản phẩm: Công Ty có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc quyền tác giả đối với những tạo hình, mỹ thuật ứng dụng trên bao bì sản phẩm. Mặc dù quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký nhưng Công Ty nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả để trong trường hợp xảy ra tranh chấp, Công Ty có căn cứ chứng minh tốt hơn.

IV. Bán sản phẩm

Để bán sản phẩm ra thị trường Việt Nam, mỗi loại sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau và có thể phải xin giấy chứng nhận/chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ví dụ sản phẩm thực phẩm chức năng, bên cạnh tuân thủ điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng theo quy định của Luật An Toàn Thực Phẩm, Công Ty phải thực hiện thủ tục Đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của 15/2018/NĐ-CP. 

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.