Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, việc xây dựng môi trường lao động ổn định, hài hòa và bảo vệ quyền lợi của người lao động là điều mà mọi doanh nghiệp đều quan tâm. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này là thành lập công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn tại nhiều doanh nghiệp, cả người lao động và người sử dụng lao động không hiểu rõ lợi ích và vai trò của công đoàn dẫn đến việc không thành lập công đoàn cơ sở. Bài viết này chia sẻ một số lợi ích của việc thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
1. Nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp dù không thành lập công đoàn cơ sở
Theo quy định tại Nghị định số 191/2013/NĐ-CP và Luật Công đoàn 2012, dù doanh nghiệp không thành lập công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động vẫn phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công đoàn cấp trên. Khoản phí này được nộp vào công đoàn cấp trên trực tiếp để phục vụ các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, ngay cả khi không có tổ chức công đoàn cơ sở, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến công đoàn.
Trường hợp không đóng kinh phí công đoàn, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.
2. Tối ưu hóa nguồn phí công đoàn khi thành lập công đoàn cơ sở
Khi doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở, ngoài phần kinh phí do doanh nghiệp đóng 2% quỹ lương đóng BHXH, người lao động tham gia công đoàn sẽ đóng thêm đoàn phí bằng 1% mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Tuy nhiên, khi công đoàn cơ sở được thành lập, công đoàn cơ sở được sử dụng 70% tổng số thu đoàn phí công đoàn (70% của mức đóng 1% do người lao động đóng) và 75% tổng số thu kinh phí công đoàn (75% của mức đóng 2% do người sử dụng lao động đóng.
Số tiền này có thể được sử dụng để:
- Cải thiện phúc lợi cho người lao động, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần và văn hóa doanh nghiệp.
- Hỗ trợ người lao động trong các trường hợp khó khăn, tai nạn lao động hoặc trợ cấp khi ốm đau.
- Đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ phát triển trong môi trường làm việc ổn định.
- Tham gia và hưởng các chính sách hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành cho công đoàn cơ sở.
Việc giữ lại phí và kinh phí đông đoàn này giúp công đoàn cơ sở chủ động hơn trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động có lợi trực tiếp cho người lao động trong doanh nghiệp.
3. Thuận lợi trong việc lấy ý kiến khi xử lý kỷ luật lao động và xây dựng phương án sử dụng lao động
Một lợi ích quan trọng khác của việc thành lập công đoàn cơ sở là khi doanh nghiệp cần xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động, việc lấy ý kiến đại diện tập thể lao động trở nên dễ dàng hơn. Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, khi xây dựng phương án sử dụng lao động (khi tái cơ cấu, sắp xếp lại lao động) hoặc xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp bắt buộc phải lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động. Tổ chức này là công đoàn cơ sở hoặc một tổ chức khác do người lao động thành lập tại doanh nghiệp. Nếu không có ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, việc xử lý kỷ luật người lao động hoặc tái cơ cấu lao động sẽ có rủi ro bị xem là trái pháp luật và người sử dụng lao động phải đối mặt với rủi ro phải bồi thường nếu người lao động đi kiện.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở và cũng không có bất kỳ tổ chức nào khác do người lao động thành lập thì ai sẽ là đại diện cho người lao động?
Có ý kiến cho rằng, trong tình huống này, doanh nghiệp phải lấy ý kiến của công đoàn cấp trên để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, kề từ thời điểm Bộ Luật Lao Động 2019 có hiệu lực, công đoàn cấp trên đã không còn tham gia vào việc đưa ra ý kiến đối với các vấn đề lao động tại doanh nghiệp. Do vậy, dù doanh nghiệp có mời thì công đoàn cấp trên cũng không có cơ sở pháp lý để công đoàn cấp trên tham gia cho ý kiến.
Thực tiễn người viết cũng chưa rõ quan điểm của tòa án khi giải quyết tranh chấp lao động phát sinh có liên quan đến tình huống này như thế nào nên đây sẽ là tình huống rủi ro cho doanh nghiệp khi chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết.
Như vậy, việc thành lập công đoàn cơ sở không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn kinh phí công đoàn, đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý lao động của người sử dụng lao động.
Bài viết liên quan:
1/ Một số vấn đề pháp lý quan trọng về công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp
2/ Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn cơ sở không?
3/ Thành lập công đoàn cơ sở tại văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến lĩnh vực Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.