Trong một nền kinh tế vận hành thông thường, hợp nhất, sáp nhập giữa các doanh nghiệp là một trong những biện pháp tích cực để thúc đẩy tiềm lực kinh tế của các bên tham gia giao dịch, bằng việc lấy điểm mạnh của bên này bù đắp cho điểm yếu của bên còn lại với phương châm “hợp tác cùng phát triển”. Việc hợp nhất, sáp nhập giữa các doanh nghiệp như vậy được coi là một dạng thức của “tập trung kinh tế” (“TTKT”). Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, TTKT đôi khi cũng có thể mang lại tác động tiêu cực tới tính cạnh tranh công bằng của thị trường. Do vậy, kiểm soát TTKT là việc mà chính phủ của hầu hết các quốc gia trên thế giới phải nghiên cứu và thực hiện.
1.1 Khái niệm tập trung kinh tế
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), TTKT là một thuật ngữ kinh tế, chỉ mức độ mà một số lượng nhỏ các công ty hoặc doanh nghiệp hợp lại nhằm chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong hoạt động kinh tế như trong tổng doanh thu, tổng tài sản hoặc tổng việc làm.
Trong khoa học pháp lý và kinh tế ở Việt Nam, khái niệm TTKT được xem xét ở các cách tiếp cận cơ bản sau:
Thứ nhất, ở góc độ là một quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, TTKT được hiểu là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh độc lập trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi hợp nhất, sáp nhập, mua bán vốn hoặc thông qua việc tự tăng trưởng của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất.
Thứ hai, ở góc độ hành vi doanh nghiệp, TTKT được hiểu là tập trung tư bản hoặc tăng thêm tư bản do hợp nhất nhiều nguồn tư bản lại hoặc một tư bản này thu hút một tư bản khác.
Thứ ba, ở góc độ chuỗi sản xuất, TTKT có thể diễn ra ở các hình thức TTKT theo chiều ngang, TTKT theo chiều dọc và TTKT hỗn hợp. Trong đó, dạng TTKT theo chiều ngang được xác định là có khả năng tác động đến hạn chế cạnh tranh (“HCCT”) cao nhất.
Thứ tư, ở góc nhìn sơ bộ qua lăng kính pháp luật của Việt Nam, Luật cạnh tranh (“LCT”) 2018 của Việt Nam tuy không đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào là TTKT nhưng cũng đã liệt kê các hình thức của TTKT, bao gồm:
- Sáp nhập doanh nghiệp;
- Hợp nhất doanh nghiệp;
- Mua lại doanh nghiệp;
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
- Các hình thức TTKT khác.
Về cơ bản, pháp luật ghi nhận bốn hình thức chính của TTKT là sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh. Việc thêm quy định “các hình thức khác theo quy định” là để nhằm dự phòng trường hợp có quy định khác hoặc quy định ban hành trong tương lai ghi nhận thêm hình thức khác (có thể là luật hoặc văn bản dưới luật như nghị định hoặc thông tư).
Trong khi đó, luật mẫu về cạnh tranh UNCTAD cũng không đưa ra định nghĩa đối với TTKT mà chỉ sử dụng các thuật ngữ “sáp nhập & mua lại” (M&A). Có thể thấy cách tiếp cận của LCT 2018 của Việt Nam là khá tương đồng với luật mẫu về cạnh tranh của UNCTAD.
Như vậy, dù ở góc độ nào, chúng ta có thể thấy sự thống nhất trong cách hiểu về TTKT trong khoa học pháp lý và kinh tế của Việt Nam, và khá tương đồng với cách hiểu của OECD và UNCTAD như đã đề cập.
1.2. Kiểm soát tập trung kinh tế
1.2.1 Mục đích của việc kiểm soát tập trung kinh tế
TTKT là một hiện tượng xuất hiện trong môi trường kinh tế cạnh tranh, xuất phát từ nhu cầu chính đáng và tự nhiên của doanh nghiệp. Việc thực hiện TTKT được các chuyên gia đánh giá là góp phần làm tăng hiệu suất của nền kinh tế, hay nói cách khác là có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, chẳng hạn như:
- TTKT góp phần đẩy mạnh quy mô, năng lực, công nghệ, quản trị và thị trường của doanh nghiệp;
- Các doanh nghiệp nhỏ thực hiện TTKT nhằm tạo ra một doanh nghiệp lớn hơn sẽ đẩy mạnh khả năng của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ có sức mạnh thị trường lớn hơn, dẫn đến việc tăng hiệu quả kinh tế và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn;
- Trong một thị trường có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khiến cho thị trường phân mảnh và manh mún, TTKT giúp tạo lập ra những doanh nghiệp có sức mạnh kinh tế lớn hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn và tạo ra sản phẩm tốt hơn;
- TTKT tạo ra khả năng hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, dù là với hình thức TTKT theo chiều ngang, chiều dọc hay chiều chéo;
- TTKT còn là cánh cửa giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng thua lỗ có nguy cơ dẫn đến giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp;
- Trong một số trường hợp, TTKT có thể chỉ là biểu hiện của việc doanh nghiệp đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác nhằm mục đích sinh lời. Đầu tư sinh lời có thể xem là một hoạt động thường xuyên của một nền kinh tế khỏe mạnh;
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TTKT tạo ra cơ hội hợp tác sâu và rộng, mang lại nhiều những giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp nội địa khi được hưởng những chuyển giao KHCN, quyền SHTT, mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, song song với các tác động tích cực nêu trên, TTKT cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực, dễ thấy nhất là tác động HCCT. Cụ thể:
- TTKT có thể tạo ra tình trạng độc quyền nhóm hoặc thao túng thị trường, khi một hoặc một nhóm doanh nghiệp có thể chiếm thị phần rất lớn và tạo cơ hội để doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp này thực hiện các hành vi HCCT;
- Cũng chính vì hệ quả của TTKT là có thể tạo ra một doanh nghiệp siêu lớn, các doanh nghiệp nhỏ khác hoàn toàn có khả năng phải tự mình rời khỏi thị trường do không thể chịu được áp lực cạnh tranh;
- Trường hợp TTKT theo chiều dọc, việc TTKT có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cung đầu vào cho các doanh nghiệp khác, thậm chí là đóng cửa nguồn cung.
Không ai có thể phủ nhận tác động tích cực của TTKT, nhưng để việc TTKT được sử dụng đúng bản chất của nó thay vì trở thành một công cụ đầu cơ, sinh lợi, hạn chế cạnh tranh, việc kiểm soát TTKT là một điều cần thiết. Mục đích của kiểm soát TTKT là nhằm tạo ra khuôn khổ và hành lang pháp lý nhằm phát huy những tác động tích cực, tạo ra sân chơi công bằng và lành mạnh cho các doanh nghiệp thỏa sức kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tạo ra một luật chơi đủ chặt để hạn chế các tác động tiêu cực mà hành vi TTKT có thể mang lại.