Từ khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, thói quen tiêu dùng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Người tiêu dùng dần thay đổi từ việc tiếp cận sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị hay trung tâm thương mại, sang hình thức mua sắm trực tuyến. Nhiều cửa hàng đã chuyển đổi sang kinh doanh qua thương mại điện tử, và hàng loạt sàn giao dịch điện tử ra đời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, dễ dàng chọn lựa sản phẩm chỉ qua vài thao tác trên các website.
Điều này không chỉ mang đến sự tiện lợi khi người dùng có thể nhanh chóng so sánh giá cả, mẫu mã và chất lượng giữa các cửa hàng mà còn thúc đẩy cạnh tranh về giá và dịch vụ chất lượng.
Để bước vào lĩnh vực thương mại điện tử một cách vững vàng, việc nắm rõ các quy định pháp lý là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và xây dựng uy tín vững chắc trong mắt người tiêu dùng.
1. Sàn thương mại điện tử là gì?
Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.(1)
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.(2)
Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử:(3)
- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
- Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
- Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
2. Điều kiện để hoạt động sàn thương mại điện tử (4)
Để hoạt động sàn thương mại điện tử, tổ chức kinh doanh cần Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và công bố các thông tin về người sở hữu website trên trang chủ website.
- Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh.
- Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
- Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
- Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
- Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
- Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:
-
- Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
-
- Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;
-
- Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia;
-
- Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;
-
- Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại Mục 2.8, 2.9 nêu trên mà gây thiệt hại.
3. Hồ sơ đăng ký website thương mại điện tử(5)
- Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Đề án cung cấp dịch vụ;
- Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó;
- Bản sao có chứng thực Hợp đồng thuê hosting/máy chủ.
4. Quy trình đăng ký(6)
Việc đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
Bước 2: Bộ Công Thương cấp tài khoản hệ thống trong vòng 03 ngày làm việc nếu thông tin kê khai đầy đủ và hợp lệ;
Bước 3: Doanh Nghiệp đăng nhập vào hệ thống và tiến hành Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký như mục 3.
Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra hồ sơ nộp online và yêu cầu điều chỉnh/bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ hoặc sẽ xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ hợp lệ.
Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Doanh Nghiệp gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy)
Bước 6: Bộ Công Thương sẽ xác nhận hồ sơ đăng ký sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ do Doanh Nghiệp gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương.
Lưu ý: Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà Doanh Nghiệp đã đăng ký để thương nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ.
5. Nghĩa vụ báo cáo của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử(7)
- Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó.
- Việc báo cáo được thực hiện trực tuyến thông qua tài khoản của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử hoặc dưới hình thức văn bản qua đường bưu điện.
6. Các hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính(8)
Doanh Nghiệp có thể bị xử phạt lên đến 60 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp và đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm các hành vi sau:
- Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
- Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
- Sử dụng biểu tượng đã đăng ký để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký.
Trên đây là những nội dung cốt lõi giúp các doanh nghiệp, dù mới chuẩn bị hay đang hoạt động, có thể đánh giá và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý, đảm bảo nền tảng vững chắc cho quá trình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
(1) Điều 3.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
(2) Điều 3.9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
(3) Điều 1.15 Nghị định 85/2021/NĐ-CP
(4) Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
(5) Điều 22 Thông tư 47/2014/TT-BCT
(6) Điều 23 Thông tư 47/2014/TT-BCT
(7) Điều 20 Thông tư 47/2014/TT-BCT
(8) Điều 62.4, Điều 4.3.e Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Điều 3.2 Nghị đinh 17/2022/NĐ-CP
Bài viết liên quan:
1/ Đăng Ký Hoạt Động Sàn Thương Mại Điện Tử Của Công Ty Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài
2/ Những vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp cần lưu ý khi tham gia thương mại điện tử
3/ Thương mại điện tử tại Việt Nam: Điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài
4/ Rào cản pháp lý đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.