Huy Động Vốn Trong Doanh Nghiệp Do Nhà Nước Nắm Giữ 100% Vốn Điều Lệ

Tại Việt Nam, “doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận của kinh tế nhà nước và luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”,1 vậy thì doanh nghiệp nhà nước được hiểu như thế nào? 

Theo quy định tại Điều 3.11 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và được tổ chức quản lý theo hai hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn.  

Xuất phát từ nguồn vốn thành lập doanh nghiệp là từ vốn Nhà nước do đó các quy định về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp này cũng có sự khác biệt so với các doanh nghiệp do cá nhân/tổ chức thành lập. Dù vậy, doanh nghiệp nhà nước vẫn phải được thành lập theo quy định và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp cũng như có các quyền tương tự như các doanh nghiệp khác bao gồm cả quyền được huy động, phân bổ và sử dụng vốn. 

Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ phân tích các quy định về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước, mà cụ thể là của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữa 100% vốn điều lệ. 

1. Quyền được huy động vốn của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 

  • Theo Điều 3.9 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 (“Luật QL SD vốn NN”), vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động.  

Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được hiểu là vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm (i) vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; (iii) vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; (iv) vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và (v) vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.  

Đối với loại hình doanh nghiệp này, Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp do đó doanh nghiệp khi có nhu cầu về vốn, sẽ không thể thực hiện việc tăng vốn góp/cổ phần từ các tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp mà chỉ có thể đề xuất chủ sở hữu (thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu) là Nhà nước bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ các nguồn vốn hình thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo Điều 22.3 Luật QL, SD vốn NN) hoặc huy động vốn thông qua hoạt động tín dụng. 

  • Theo Điều 23.1 Luật QL SD vốn NN, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữa 100% vốn điều lệ được quyền vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; vay của tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp, của người lao động; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.  

Dựa vào quy định của pháp luật, có thể hiểu rằng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể huy động nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài nếu đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về vốn vay.  

Đối với khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp được trực tiếp vay theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên cho vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay, trong đó cần chú ý:  

  1. Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; và 
  2. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành. 

2. Nguyên tắc huy động vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 

Việc huy động vốn của doanh nghiệp phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 23.2 Luật QL, SD vốn NN, cụ thể: 

(i) Căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; 

(ii) Phương án huy động vốn phải bảo đảm khả năng thanh toán nợ; 

(iii) Người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra bảo đảm vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; 

(iv) Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; trường hợp vay vốn từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư phát triển và quy định khác của pháp luật có liên quan; 

(v) Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vay hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định khác của pháp luật có liên quan; 

(vi) Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh Nghiệp và Đầu Tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.