Tiếp theo kỳ 3 này Apolat Legal sẽ phân tích các điều kiện để được cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho từng địa điểm kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất thì Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ: tương tự như đối với điều kiện xin giấy phép kinh doanh, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần lên kế hoạch cụ thể về việc phân bổ nguồn tài chính cho cơ sở bán lẻ dự kiến xin cấp phép. Cụ thể các tiêu chí cần xác định và phân bổ nguồn tài chính, xin xem lại nội dung tại kỳ 2.
– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên: điều kiện này cũng là điều kiện không thể thiếu để chứng minh Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chấp hành tốt các nghĩa vụ về thuế với cơ quan nhà nước. Đồng thời, thể hiện nguồn tài chính không yếu kém.
– Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý: tùy thuộc vào địa điểm cơ sở bán lẻ sẽ tương ứng với các điều kiện cần đáp ứng. Cụ thể như sau:
- Đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần đáp ứng các điều kiện trên. Tuy nhiên, địa điểm cơ sở bán lẻ phải đáp ứng các điều kiện về Phòng cháy chữa cháy thể hiện thông qua biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy của Phòng cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quản lý tại Cơ sở bán lẻ. Ngoài ra, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần có hợp đồng thuê địa điểm để lập cơ sở bán lẻ với chủ sở hữu địa điểm bán lẻ hoặc Biên bản ghi nhớ về việc thuê địa điểm này.
- Đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: gồm 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Địa điểm cơ sở bán lẻ trong Trung tâm thương mại có diện tích dưới 500m2:
Đối với trường hợp này, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ cần đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất.
Trường hợp 2: Địa điểm cơ sở bán lẻ ngoài Trung tâm thương mại hoặc trong Trung tâm thương mại có diện tích trên 500m2:
Đối với trường hợp này, cơ sở bán lẻ phải được kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) thông qua một Hội đồng do Uỷ Ban Nhân Dân cấp tỉnh nơi lập cơ sở bán lẻ thành lập trên cơ sở đề xuất của Cơ quan cấp Giấy phép gồm các cơ quan sau: Đại diện Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan được Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng ENT; đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan làm thành viên hội đồng ENT. Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ có vị trí tại khu vực địa lý cấp phường, xã, thị trấn tiếp giáp với tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì Hội đồng ENT phải có đại diện của Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh/thành phố tiếp giáp.
Hội đồng ENT sẽ dựa trên các tiêu chí sau để đánh giá sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ:
– Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động: điều này thể hiện thông qua việc xác định tác động của cơ sở bán lẻ đến khu vực nơi cơ sở bán lẻ dự kiến hoạt động có mang lại lợi ích hay không.
– Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần rà soát và kiểm tra các cơ sở bán lẻ có nhóm ngành tương tự để xác định lợi thế của cơ sở bán lẻ và phương án cạnh tranh với các cơ sở bán lẻ khác trên cùng khu vực thị trường địa lý.
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần nêu những điểm khác biệt giữa hàng hóa của cơ sở bán lẻ và hàng hóa tại các khu chợ truyền thống để thể hiện việc lập cơ sở bán lẻ này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các khu chợ truyền thống.
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần giải trình cụ thể về các phương án ổn định trật tự giao thông, có nơi để xe cho người tiêu dùng khi đến tham quan mua sắm, đồng thời cũng thiết lập phương án phòng cháy chữa cháy, đưa nhân viên tham gia các lớp tập huấn về Phòng cháy chữa cháy để có đủ kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường cũng cần được Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra phương án xử lý rác thải hàng ngày của cơ sở bán lẻ, xử lý hàng kém chất lượng, hết thời hạn sử dụng.
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
- Tạo việc làm cho lao động trong nước.
- Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần nêu rõ lợi ích hàng hóa mang lại hiệu quả đến ngành bán lẻ tại khu vực như thế nào.
- Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý: việc lập cơ sở bán lẻ này có thay đổi được thói quen người tiêu dùng hay không và có tác động lớn đến môi trường và cũng như cuộc sống của người dân địa phương tại khu vực đó hay không.
- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đưa ra những kế hoạch về mức thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước để Hội đồng ENT thấy được tiềm năng của cơ sở bán lẻ và cũng là tiêu chí để đánh giá sự phù hợp lập cơ sở bán lẻ.
Sau khi đánh giá các tiêu chí trên, Hội đồng ENT sẽ xem xét sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó.
Trên đây là những điều kiện bắt buộc cơ sở bán lẻ cần đáp ứng và cần được Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xem xét và lưu tâm khi chuẩn bị kinh doanh cơ sở bán lẻ hàng hóa.
Xem thêm:
- Hoạt động bán lẻ của những nhà đầu tư nước ngoài (phần 1).
- Hoạt động bán lẻ của những nhà đầu tư nước ngoài (phần 2).