Trong thời gian gần đây, đề xuất của VinGroup (qua VinSpeed) về việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và metro TP.HCM – Cần Giờ đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Có người hoài nghi về tính khả thi, có người lo ngại về “lợi ích nhóm”. Ở góc nhìn chiến lược về chuyển giao công nghệ, đây là một cơ hội cần được ủng hộ nếu chúng ta đi kèm các điều kiện đúng.
1. Không chỉ là đường sắt mà là chuyển giao công nghệ
Ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam được phép dẫn dắt những dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn gia thế giới đúng như mục tiêu Nghị quyết 68 của Bộ Chính Trị. Chúng ta đã từng làm được điều đó với Viettel. Từ một doanh nghiệp quân đội viễn thông, nay Viettel đã mang công nghệ mạng 5G và các giải pháp số đến nhiều nước châu Phi. Họ không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ, họ còn nâng tầm vị trí, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói chung. Đó là kết quả của một quá trình học hỏi, làm thật, sai thật, và từ đó, làm chủ công nghệ. VinGroup hay Hòa Phát hoàn toàn có thể đi theo con đường đó trong lĩnh vực metro và đường sắt cao tốc. Không ai sinh ra đã biết làm tàu điện hay đường ray tốc độ cao. Nhưng ai cũng có thể học nếu được trao cơ hội và có một chiến lược chuyển giao rõ ràng.
VinFast từ một doanh nghiệp không biết gì về công nghệ xe hơi, họ đã thiết lập được một dây chuyền sản xuất, liên kết hàng trăm nhà cung ứng trong nước và quốc tế. Chúng ta luôn nghĩ mình không làm được cho tới khi có Vinfast. Dù vẫn lỗ, Vinfast đã từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng đội ngũ kỹ sư, và mạnh dạn đầu tư ra thế giới. Điều chúng ta đang theo đuổi không phải chỉ là sản phẩm mà là năng lực công nghiệp kĩ thuật cao của Việt Nam.
2. Các vấn đề cốt lõi cần quan tâm để đảm bảo chuyển giao công nghệ thực chất
Để Việt Nam thực sự nhận được công nghệ làm metro hay đường sắt cao tốc, cần có các điều kiện ràng buộc về chuyển giao công nghệ lõi từ đầu kéo, toa xe, đường ray, hệ thống tín hiệu đến điều hành kỹ thuật số…. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa theo từng giai đoạn, ví dụ từ 30% đến 70% trong 10 năm, và cam kết đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên người Việt từ khâu sản xuất, lắp đặt đến vận hành là vô cùng cần thiết, không để lại “vỏ Việt ruột ngoại”. Nếu làm được như vậy, những dự án như metro Cần Giờ, hay cao tốc Bắc – Nam sẽ không chỉ là công trình giao thông, mà là bệ phóng công nghệ và công nghiệp quốc gia.
Việc “chuyển giao” không đơn giản là một điều khoản trong hợp đồng – mà là cả một chuỗi điều kiện cần được thiết kế kỹ lưỡng từ đầu. Để đảm bảo sự thành công, chúng ta cần tập trung vào các khía cạnh pháp lý và chiến lược sau:
2.1. Tích hợp chuyển giao công nghệ ngay từ khâu đấu thầu – đàm phán dự án
Trong các dự án EPC (Thiết kế – Cung cấp – Thi công) hoặc PPP (Hợp tác công tư), điều kiện chuyển giao công nghệ phải:
- Được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu hoặc hợp đồng EPC.
- Có cam kết ràng buộc về:
- Danh mục công nghệ cụ thể (ví dụ: hệ thống tín hiệu, điều khiển trung tâm, đường ray, đầu máy, toa xe).
- Mức độ chuyển giao (chuyển giao toàn phần hay giới hạn).
- Hình thức (đào tạo, cấp license, sản xuất tại chỗ, hỗ trợ kỹ thuật).
Lưu ý: Cần tránh tình trạng “ghi cho có” mà không kiểm soát thực chất. Vai trò của luật sư hoặc cơ quan quản lý là rất cần thiết để đánh giá nội dung cụ thể, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các điều khoản chuyển giao.
2.2. Ràng buộc nội dung chuyển giao trong hợp đồng – kèm chế tài rõ ràng
Chuyển giao công nghệ nên được cụ thể hóa bằng các điều khoản chặt chẽ về:
- Tiến độ chuyển giao: Quy định rõ ràng theo từng giai đoạn của dự án.
- Nội dung chi tiết: Bao gồm sơ đồ công nghệ, bản vẽ kỹ thuật, mã nguồn điều khiển (nếu có).
- Đối tượng nhận chuyển giao: Xác định rõ ràng các đơn vị, cá nhân trong nước sẽ tiếp nhận công nghệ.
- Cơ chế giám sát và nghiệm thu chuyển giao: Xây dựng quy trình đánh giá và nghiệm thu định kỳ để đảm bảo việc chuyển giao diễn ra đúng cam kết.
- Chế tài nếu vi phạm: Áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc nếu bên chuyển giao không bàn giao công nghệ hoặc không đào tạo đúng cam kết.
2.3. Xây dựng năng lực tiếp nhận công nghệ trong nước
Chuyển giao chỉ hiệu quả khi người nhận đủ năng lực hấp thụ. Do đó, cần:
- Thành lập hoặc chỉ định đơn vị kỹ thuật đầu mối có đủ năng lực chuyên môn để tiếp nhận và làm chủ công nghệ.
- Đầu tư hạ tầng nghiên cứu, thử nghiệm, mô phỏng chuyên sâu về đường sắt để hỗ trợ quá trình tiếp nhận và phát triển công nghệ.
- Đào tạo kỹ sư, chuyên gia công nghệ từ sớm, cả trong và ngoài nước, để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
2.4. Pháp lý hóa yêu cầu chuyển giao công nghệ trong các dự án công
Để đảm bảo tính hệ thống và bắt buộc, Nhà nước cần:
- Bổ sung pháp luật đấu thầu công hoặc PPP: “Các dự án có yếu tố công nghệ đặc thù hoặc giá trị cao bắt buộc phải có điều khoản chuyển giao công nghệ phù hợp”.
- Ban hành hướng dẫn mẫu các điều khoản chuyển giao công nghệ để các bên tham chiếu và áp dụng.
2.5. Hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm chuyển giao thực chất
Việt Nam nên ưu tiên hợp tác với các nước:
- Có truyền thống hỗ trợ chuyển giao và sẵn sàng đào tạo kỹ sư Việt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.
- Có chương trình viện trợ đi kèm hỗ trợ R&D, kỹ thuật. Trung Quốc cũng có năng lực chuyển giao, nhưng cần kiểm soát kỹ điều khoản và chất lượng đầu ra.
Tóm lại, nếu chúng ta không có người “đứng mũi chịu sào” để giám sát, bảo vệ và đàm phán tốt quyền lợi công nghệ trong mỗi dự án, thì nguy cơ “đầu tư xong vẫn trắng tay công nghệ” là điều dễ xảy ra.
Nếu Việt Nam muốn xuất khẩu metro hay đường sắt cao tốc, chúng ta phải làm chủ được chuỗi công nghệ và kỹ năng con người. Và để làm được điều đó, chúng ta cần có những “xưởng học thật sự” – đó chính là các dự án trong nước. Hãy để doanh nghiệp Việt “học mà làm, làm để học” ngay trên chính đất nước mình. Và nếu chúng ta kiểm soát tốt bằng pháp lý, năng lực tài chính, bằng giám sát minh bạch, thì những dự án đó không phải là “giao trứng cho ác” mà là giao kỳ vọng cho người có khả năng hiện thực hóa. Không quốc gia nào hiện đại hóa nếu không làm chủ được công nghệ hạ tầng và không có cách nào làm chủ nếu không cho phép tư nhân thử, sai và trưởng thành trong các dự án lớn. Miễn là chúng ta đi kèm cơ chế chuyển giao minh bạch lộ trình nội địa hóa rõ ràng và mục tiêu dài hạn cho quốc gia.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.