Vận tải hàng hóa quốc tế là một loại hoạt động thương mại đa quốc gia, rộng khắp và được điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau. Đồng thời, các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này phát sinh ngày càng nhiều với mức độ phức tạp cao vì tính chất xuyên quốc gia của nó, những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tranh chấp có thể bao gồm: xác định luật áp dụng giải quyết tranh chấp, xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nguồn luật sử dụng để giải quyết tranh chấp ngoài luật quốc gia,…
Tại Việt Nam, hoạt động hàng hải được điều chỉnh chính bởi Bộ luật hàng hải là luật chuyên ngành và các nguồn luật khác được sử dụng để bổ trợ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra những nội dung, vướng mắc thường gặp trong hoạt động giải quyết tranh chấp. Bằng việc tiếp cận các thông tin này người tham gia hoạt động vận tải đường biển là thương nhân Việt Nam sẽ được trang bị một số kiến thức cần thiết để quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên được thực hiện một cách hiệu quả.
1. Vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Khi tham gia ký kết một hợp đồng hoặc bắt đầu thực hiện giao thương, quan hệ hợp tác với nhau, các bên đương nhiên không bao giờ hy vọng mối quan hệ hợp tác sẽ bị phá vỡ hoặc phải dẫn đến tranh chấp. Vì lẽ đó, các bên thường không quá chú ý đến điều khoản giải quyết tranh chấp.
Thông thường, với những hợp đồng, giao dịch được thực hiện bởi các thương nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam và không có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các bên sẽ thuộc Tòa án tại Việt Nam mà không cần các bên phải có thỏa thuận riêng. Tuy nhiên, trong hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế với các bên thuộc các quốc gia khác nhau cho thấy tính chất có nhiều hơn một cơ quan quan tài phán, điều này đến thẩm quyền của tòa án Việt Nam sẽ không còn là đương nhiên, vì mỗi quốc gia sẽ có một hệ thống các cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết cùng loại tranh chấp, song song đó là hệ thống các tòa trọng tài mà các bên có thể lựa chọn. Như vậy việc quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là vô cùng cần thiết.
Thực tiễn cho thấy, các bên tham gia hoạt động vận chuyển hóa quốc tế thường sử dụng form/ mẫu của một bên cung cấp (thường là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển hoặc bên trung gian, đại lý). Trong các form mẫu này đã có quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp, trong đó có bao gồm về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Thông qua kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề mà các thương nhân Việt Nam cần lưu ý như sau:
- Việc không phản đối thỏa thuận giải quyết tranh chấp được ghi tại mẫu của các tài liệu vận chuyển hàng hóa như B/L, giấy gửi hàng và chứng từ vận chuyển khác đồng nghĩa với việc đồng ý với quy định giải quyết tranh chấp đó.
- Trong đa số các trường hợp, người cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ lựa chọn nơi giải quyết tranh chấp có vị trí trên lãnh thổ của quốc gia mà họ có trụ sở chính, việc này giúp giảm thiểu đáng kể chi phí họ phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện nếu có tranh chấp. Ngược lại, việc này làm tăng chi phí cho bên đối tụng, rất nhiều trường hợp một bên không thể tham gia các phiên họp làm việc hoặc từ bỏ việc theo đuổi vụ việc đến cùng vì lý do chí phí của vụ kiện quá cao (có thể vượt giá trị tranh chấp).
- Đa số các hệ thống tư pháp của một quốc gia sẽ được trao quyền cho phép họ sử dụng hệ thống pháp luật của chính họ để giải quyết tranh chấp trong trường hợp các bên không có quy định về luật áp dụng để giải quyết vụ án, do đó việc chiếm ưu thế trong địa điểm, thẩm quyền để giải quyết vụ án cũng đồng nghĩa với việc chiếm ưu thế (một cách gián tiếp) trong việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.
2. Vấn đề về luật áp dụng giải quyết tranh chấp
Rất nhiều thương nhân Việt Nam không biết rằng, việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp không đương nhiên dẫn đến việc luật của nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng. Ví dụ, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài VIAC ở Việc Nam nhưng Luật áp dụng là luật nước ngoài (ví dụ: Hoa Kỳ, Pháp,…).
Nhiều thương nhân nước ngoài có thể sử dụng nội dung này để chiếm ưu thế trong việc giải quyết vụ án, đặc biệt là trường hợp pháp luật nước sở tại của họ hoặc pháp luật mà họ lựa chọn sở hữu những đặc điểm có lợi cho thương nhân đó đối với quan hệ tranh chấp đó. Ví dụ, so sánh quy định của Luật Thương mại Việt Nam 2005 với Công ước viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG 198), theo đó Luật Việt Nam cho phép thời hạn khiếu nại về hàng hóa không phù hợp là 03 tháng đối với số lượng và 06 tháng đối với phẩm chất từ ngày giao hàng trong khi thời hạn quy định tạu CISG là 02 năm. Nếu lựa chọn hợp lý, luật được áp dụng giải quyết tranh chấp sẽ là một tấm vé thông hành đi đến thắng lợi của bên chọn luật.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, các thương nhân Việt Nam cần phải lưu ý việc đàm phán để áp dụng các nguồn luật khác mà mình có sự quen thuộc nhất định. Có thể bao gồm các nguồn luật quen thuộc khác như Incoterm, một số quy tắc, hiệp định.
Một điểm đáng lưu ý khác, trong rất nhiều trường hợp, việc lựa chọn Luật áp dụng đóng vai trò sống còn đối với mục đích hướng đến của bên bị thiệt hại trong vụ tranh chấp là được bồi thường. Bởi kể cả khi là bên chiến thắng trong vụ kiện, nếu pháp luật của nước sở tại có những khác biệt đáng kể với pháp luật của nơi mà phán quyết, quyết định đó được thi hành, thì có thể sẽ không thể thi hành được (chúng tôi sẽ đề cập nội dung này rõ hơn tại mục III).
3. Vấn đề về việc thi hành án bản án, quyết định
Khi được tuyên thắng một vụ kiện, rất nhiều thương nhân Việt Nam cho rằng mình đã hoàn thành vụ việc và đã phần nào bù đắp lại được tổn thất, tuy nhiên điều này là không đúng bởi còn một giai đoạn phức tạp khác, đó là việc cho thi hành bản án, phán quyết, quyết định đã có hiệu lực. Đặc biệt, trong trường hợp bản án, quyết định đó được tuyên bởi một cơ quan tài phán nước ngoài tuyên.
Nếu việc thi hành bản án, phán quyết này sẽ được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì thương nhân Việt Nam phải thực hiện việc liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành án tại quốc gia đó theo luật pháp của họ, việc này sẽ phát sinh rất nhiều nguồn chi phí của doanh nghiệp nhưng là không thể tránh khỏi.
Nếu việc thi hành bản án, phán quyết này sẽ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam thì phải trải qua thủ tục công nhận và cho thi hành tại việt nam. Đây là một thủ tục phức tạp trong đó một Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ thực hiện việc xem xét lại bản án này. Cụ thể, theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền hoàn toàn có quyền phủ nhận và không cho thi hành bản án đã được tuyên bởi một tổ chức tài phán nước ngoài. Do đó, kể cả khi đã thắng kiện, việc thi hành được phán quyết đó hay không lại là một câu chuyện khác.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế là bao gồm sự tham gia của nhiều bên đến từ các quốc gia khác nhau, việc xảy ra tranh chấp đôi khi không thể tránh khỏi, do đó thay vì bỏ qua, các bên tham gia một cách tích cực vào việc thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Đối với thương nhân Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm khi so với các đối tác đã tồn tại lâu năm trên thương trường, cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của các đội ngũ luật sư có chuyên môn. Đội ngũ này giúp bảo đảm sự cân bằng quyền lợi giữa các bên, tránh các bẫy pháp lý và làm rõ nét bức tranh về tranh chấp.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.