Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền Quốc Gia Theo Pháp Luật Việt Nam: Một Số Nhược Điểm Cần Lưu Ý

Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Trong đó, tên miền quốc gia Việt Nam là tập hợp tên miền các cấp dưới tên miền quốc gia Việt Nam cấp cao nhất “.vn” và tên miền các cấp dưới tên miền cấp cao nhất khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam.[1] Theo nguyên tắc chung trên thế giới hiện nay cũng như theo quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tên miền sẽ được cấp dựa trên 02 nguyên tắc cơ bản sau: 

  • Tên miền đăng ký là duy nhất (tức mỗi tên miền chỉ được cấp cho một chủ thể duy nhất); và
  • “First come first serve” – ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước.

Tên miền quốc gia “.vn” là đối tượng điều chỉnh của Luật Công nghệ thông tin năm 2006, nên mọi tranh chấp liên quan tới tên miền quốc gia “.vn” đều phải giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại Điều 76 Luật Công nghệ thông tin, Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

  • thông qua thương lượng, hòa giải;
  • thông qua trọng tài;
  • khởi kiện tại tòa án;

Thực tiễn tư vấn của Apolat Legal cho thấy hầu hết giữa các bên trong vụ việc tranh chấp tên miền sẽ không tồn tại một thoả thuận trọng tài. Do đó, phương thức giải quyết tranh chấp này gần như bất khả thi tại Việt Nam (dù rằng đây là một trong những phương thức hiệu quả để các tranh chấp liên quan đến tên miền quốc tế). Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải cũng khó đạt được kết quả vì bên đang chiếm giữ, sử dụng tên miền thông thường sẽ yêu cầu một khoản tiền rất lớn để chuyển giao lại tên miền cho bên còn lại. Trong một số vụ việc, các doanh nghiệp lớn sẽ sẵng sàng chấp thuận để đạt được một thoả hiệp sớm nhằm bảo vệ hình ảnh thương mại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có khả năng đáp ứng các yêu cầu tài chính quả lớn như trên.

Case Study:

–  Tên miền “Viettel.com” được mua năm 1997 bởi một cá nhân người Mỹ và đến năm 2011 nó đã được rao bán với giá 1,5 triệu USD; hoặc

– Hai tên miền quốc gia samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn được Công ty Samsung mua lại với giá 218 triệu đồng; hoặc

– Công ty BKAV phải chi 2,3 tỷ đồng để mua tên miền “bkav.com” từ một công ty đầu tư của Mỹ.
 

Do đó, bên bị xâm phạm có thể tiến hành khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Khi đó, các căn cứ để xác định hành vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền có bị xem là hành vi xâm phạm quyền hay không sẽ bao gồm:[2]

a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;

b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;

c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;

d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Trong trường hợp các bên không đạt được một thoả thuận chung thông qua quá trình thương lượng, hoà giải, cơ quan quản lý tên miền Việt Nam sẽ chỉ thu hồi tên miền sau theo một bản án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan trọng tài hoặc Toà án có thẩm quyền.

Cần lưu ý rằng, mặc dù tên miền không được xem là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ cũng có những quy định dành riêng cho việc sử dụng tên miền, đặc biệt là các tình huống xung đột của việc sử dụng tên miền và quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác. Cụ thể, điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Pháp luật hiện hành cũng có những chế tài rõ ràng dành cho nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng. Ngoài ra, bên bị xâm phạm cũng có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền theo quy định tại Nghị định này.

Để chứng minh cho yêu cầu xử lý xâm phạm của mình, chủ thể quyền phải rằng mình đã sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại một cách rộng rãi, ổn định, được người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến uy tín, danh tiếng của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đó (có thể là các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín, danh tiếng của chủ thể kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đó).[3]

Đối với yêu cầu xử lý hành vi sử dụng tên miền bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, chủ thể yêu cầu xử lý phải chứng minh bên bị yêu cầu xử lý đã sử dụng tên miền trên mạng Internet để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ; và bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn thông qua tên miền đó mặc dù đã được chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý thông báo yêu cầu chấm dứt sử dụng.[4]

Đối với hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, chủ thể yêu cầu xử lý phải chứng minh bên bị yêu cầu xử lý đã đăng ký nhưng không sử dụng tên miền có chứa những ký tự trùng với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được sử dụng rộng rãi và có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam; và có căn cứ chứng minh bên bị yêu cầu xử lý chỉ đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ đó đăng ký tên miền.[5] Trên thực tế, để chứng minh rằng “bên bị yêu cầu xử lý chỉ đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ đó đăng ký tên miền” không hề dễ dàng. Do đó, đối với với những tên miền đã đăng ký những không sử dụng (chiếm giữ), sẽ rất khó để bên có quyền có thể xử lý xâm phạm một cách hiệu quả.

Ngoài ra, nguyên đơn cũng cần phải chứng minh bị đơn không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ của chủ thể quyền.

Case study:

Ngày 24/07/2019, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội ban hành bản án số 28/2019/KDTM-ST về việc thu hồi hai tên miền quốc gia Osram.com.vn và Osram.vn liên quan tới thương hiệu của Công ty Osram. Osram là một thương hiệu của Ðức kinh doanh sản phẩm thiết bị chiếu sáng tại thị trường Việt Nam. Từ năm 1996 – 2002, công ty này đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với hàng trăm sản phẩm do họ sản xuất. Tuy nhiên, Osram không đăng ký tên miền quốc gia “.com.vn” và “.vn”. Do đó, một cá nhân đã đăng ký các tên miền Osram.com.vn và Osram.vn để bán các sản phẩm tương tự.

– Yêu cầu của nguyên đơn:

+ Đề nghị tòa tuyên thu hồi 2 tên miền osram.com.vn và osram.vn để ưu tiên quyền đăng ký 2 tên miền này cho nguyên đơn

+ Buộc bị đơn bồi thường thiệt hại về tài sản, giảm sút thu nhập và lợi nhuận cũng như cơ hội kinh doanh, cụ thể đề nghị tòa buộc bị đơn bồi thường 500.000.000đ là hậu quả của hành vi cạnh tranh không lành mạnh do bị đơn gây ra cho nguyên đơn

+ Buộc bị đơn thanh toán phí luật sư 200.000.000đ

+ Yêu cầu xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng

– Phán quyết của Hội đồng xét xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Osram. Theo đó,

+ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

+ Thu hồi tên miền quốc gia osram.com.vn và osram.vn

+ Ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký sử dụng 2 tên miền quốc gia trên trong vòng 15 ngày tính từ thời điểm bản án có hiệu lực

+ Buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn tổng số 203.960.000đ

+ Buộc bị đơn phải đăng lời xin lỗi công khai

Với sự phát triển của Internet và xu hướng kinh tế trực tuyến, việc một doanh nghiệp có được một tên miền phù hợp với nhận diện thương hiệu của mình cũng như phù hợp với các chiến lược marketing online của doanh nghiệp là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đó, giá trị của tên miền không chỉ còn giới hạn trong vai trò như một “địa chỉ” nữa, thay vào đó, nó ngày càng đóng vai trò quan trong việc “định danh” của một doanh nghiệp trên môi trường số. Vì nhiều lý do, mối quan tâm và các xung đột về tên miền theo đó cũng ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn tính phức tạp. Với tư cách là một đối tượng khá mới và đặc thù, hệ thống quy định pháp luật về tên miền và giải quyết tranh chấp tên miền trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin và sở hữu trí tuệ vẫn đang trong quá trình ngày càng hoàn thiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, kinh nghiệm tư vấn và đại diện cho các khách hàng của chúng tôi cho thấy hiệu quả thực thi của các quy định này trên thực tế vẫn còn rất thấp. Sẽ còn một chặn đường dài để các tranh chấp về tên miền có thể được giải quyết và thực thi một cách hiệu quả tại Việt Nam.

[1] Phạm vi của bài viết chỉ giới hạn trong các quy định của pháp luật Việt Nam về tên miền quốc gia. Các tranh chấp liên quan đến các tên miền quốc tế dùng chung cấp cao nhất, ví dụ “.com”,”.net”,… được quản lý bởi Tổ chức Quản lý Tên miền Quốc tế ICANN sẽ được đề cập trong một bài viết khác.
[2] Khoản 2 Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP
[3] Điểm c khoản 2 điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN
[4] Điểm c khoản 2 điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN
[5] Điểm c khoản 2 điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.