Trong thực tiễn, việc các cổ đông của công ty tham gia ký kết Thỏa thuận cổ đông diễn ra rất phổ biến, các thỏa thuận này không chỉ là những thỏa thuận giữa những cổ đông trong quá trình sáng lập công ty mà còn được ký kết sau khi công ty đã đi vào hoạt động được một thời gian. Vậy các Thỏa thuận cổ đông là gì, có vai trò như thế nào? Trong trường hợp Thỏa thuận cổ đông do các bên tự nguyện ký kết nhưng có sự mâu thuẫn với điều lệ công ty thì văn bản nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh? Bài viết sau đây sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi pháp lý trên.
1. Khái niệm Thỏa thuận cổ đông
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về “Thỏa thuận cổ đông” trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Thỏa thuận cổ đông là tên gọi cho thỏa thuận giữa các thành viên trong công ty TNHH, các cổ đông công ty cổ phần. Trên thực tế, Thỏa thuận cổ đông rất được ưu chuộng sử dụng giữa các thành viên, cổ đông công ty hơn là điều lệ công ty, bởi lẽ Thỏa thuận cổ đông có nhiều vấn đề trọng tâm hơn về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của từng thành viên, cổ đông tham gia thỏa thuận và cách vận hành công ty theo mong muốn giữa các thành viên, cổ đông công ty.
Xem thêm: Thỏa thuận cổ đông trong giao dịch M&A (phần 1)
2. Vai trò và phân loại Thỏa thuận cổ đông
Thỏa thuận cổ đông đóng vai trò to lớn trong việc cân bằng quyền lực, bảo vệ cổ đông thiểu số và kiểm soát việc chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần có khả năng làm rối loạn quyền quản lý, điều hành của công ty.
Với vai trò như vậy, một số loại Thỏa thuận cổ đông thường thấy gồm có: Thỏa thuận cổ đông liên quan đến quyền biểu quyết, Thỏa thuận cổ đông liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, Thỏa thuận cổ đông liên quan đến việc quản lý, điều hành công ty.
3. So sánh giá trị pháp lý của Thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty
Pháp luật về doanh nghiệp hiện tại chưa có quy định về Thỏa thuận cổ đông cũng như chưa được nhắc đến ở bất kỳ văn bản pháp luật nào khác. Do đó, cũng giống như bất kỳ các loại thỏa thuận, giao dịch khác mà không được quy định chi tiết trong luật chuyên ngành, thì Thỏa thuận cổ đông cũng sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Theo đó, Thỏa thuận cổ đông cũng sẽ được xem xét là một thỏa thuận, giao dịch dân sự có giá trị ràng buộc đối với các bên ký kết.
Trong khi đó, Điều lệ công ty là một thỏa thuận luật định mà theo đó không chỉ có giá trị ràng buộc đối với tất cả các thành viên, cổ đông trong công ty mà còn với tất cả các cá nhân nắm chức danh quản lý hoặc chức danh khác được nhắc đến trong Điều lệ công ty.
Xét về bản chất, để Thỏa thuận cổ đông có hiệu lực thì chỉ cần đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thông thường là (i) chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự để tham gia ký kết; (ii) chủ thể hoàn toàn tự nguyện; và (iii) mục đích và nội dung ký kết không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ngược lại, vì Điều lệ công ty là một văn bản do Luật doanh nghiệp quy định cả về mặt nội dung và hình thức. Do đó, để Điều lệ có giá trị pháp lý thì điều lệ đó phải phù hợp với nội dung và hình thức theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, một số quan điểm cho rằng vì lý do trên mà Thỏa thuận cổ đông sẽ vẫn có hiệu lực và giá trị ràng buộc đầy đủ với các thành viên, cổ đông tham gia ký kết mà không cần phải tuân thủ theo các quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.
Tuy nhiên, pháp luật cũng đã “rào trước” các trường hợp này, khi mà các thành viên, cổ đông trong công ty lợi dụng Thỏa thuận cổ đông để cam kết và thỏa thuận các nội dung không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Theo đó, kể từ khi ra đời Luật Doanh nghiệp (2005), pháp luật quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm bởi Luật Doanh nghiệp là “ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty”1 và giữ nguyên vẹn qua các đời Luật Doanh nghiệp sau này. Điều này chứng tỏ các điều khoản của Thỏa thuận cổ đông không được “ngăn cản” các thành viên, cổ đông thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định và Điều lệ công ty quy định. Hay nói cách khác, Điều lệ công ty sẽ có giá trị pháp lý cao hơn so với Thỏa thuận cổ đông khi xảy ra mâu thuẫn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông trong công ty.
Xem thêm: Startup: Cần lưu ý gì khi đàm phán thỏa thuận sáng lập (founder agreement)
Từ nội dung được trình bày trên, các thành viên, cổ đông công ty cần phải nghiên cứu, xem xét và đối chiếu quy định của pháp luật dân sự nói chung và Luật doanh nghiệp nói riêng cũng như Điều lệ công ty trước khi soạn thảo, ký kết Thỏa thuận cổ đông. Điều này sẽ hạn chế các rủi ro từ việc bị lợi dụng từ việc ký Thỏa thuận cổ đông, gây thiệt hại cho các thành viên và cổ đông.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh Nghiệp và Đầu Tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.