Hoạt động bán nợ là một phần quan trọng trong chiến lược quản trị tài chính và rủi ro của các tổ chức tín dụng. Đây là quá trình chuyển nhượng các khoản nợ, thường là các khoản nợ xấu hoặc nợ khó đòi, từ ngân hàng sang các tổ chức, cá nhân khác. Việc bán nợ giúp ngân hàng tối ưu hóa cấu trúc tài chính, cải thiện tỷ lệ nợ xấu và tạo điều kiện tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đồng thời, hoạt động này góp phần làm trong sạch hệ thống tài chính, thúc đẩy thanh khoản và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Tại Việt Nam, quá trình bán nợ tuân thủ theo các quy định của pháp luật, bao gồm Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Đây là một công cụ quan trọng để ngân hàng duy trì sự phát triển bền vững và hỗ trợ sự ổn định của nền kinh tế. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số điều kiện liên quan đến việc mua, bán nợ theo quy định của pháp luật.
1. Khái niệm mua, bán nợ
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (“Thông Tư 09”), mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh đều có thể được bán nợ chuyển giao cho bên mua nợ, mà khoản nợ này đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật (các điều kiện cụ thể sẽ được trình bày tại mục 2.2 dưới đây).
2. Điều kiện để thực hiện mua, bán nợ của tổ chức tín dụng
2.1 Điều kiện đối với Bên bán nợ
Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 của Thông Tư 09, để được xem là bên bán nợ theo quy định của pháp luật thì tổ chức tín dụng phải đáp ứng điều kiện sau:
- được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng);
- có nghiệp vụ cho vay hợp pháp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- có khoản nợ được bán theo quy định của pháp luật.
- có quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ được ban hành hợp lệ và đã được gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, pháp luật quy định rõ tổ chức tín dụng bán nợ thì không phải xin phép NHNN.(1)
2.2 Điều kiện về khoản nợ được bán
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 và Điều 4 của Thông Tư 09 (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 18/2022/TT-NHNN), khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Khoản nợ phải phát sinh từ nghiệp vụ cho vay hoặc khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký của tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng của bên bán nợ;
- Bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng;
- Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật;
- Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ;
- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.
3. Điều kiện đối với bên mua nợ từ VAB
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 và khoản 7 Điều 5 của Thông Tư 09, để một bên được phép nợ mua nợ từ tổ chức tín dụng (“bên mua nợ”), tuỳ từng trường hợp, bên mua nợ phải là các đối tượng đáp ứng các điều kiện sau đây:
3.1 Đối với bên mua nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân Hàng Nhà Nước (“NHNN”) xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ.(2) Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:(3)
- Đã được NHNN chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, hoặc Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN trước thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt.
- Phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ, trừ các trường hợp sau đây:
-
- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;
-
- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;
-
- Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
-
- Tổ chức tín dụng hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Các tổ chức tín dụng; hoặc
-
- Tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
- Phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ, phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ).
- Phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi mua nợ phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn mà NHNN yêu cầu phải thường xuyên duy trì theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3.2 Đối với bên mua nợ là tổ chức khác (bao gồm tổ chức là người cư trú và người không cư trú):
(i) Bên mua nợ không được là công ty con của chính tổ chức tín dụng thực hiện việc mua bán nợ, trừ trường hợp:
- Công ty con của tổ chức tín dụng là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật và công ty con này phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp việc bán nợ cho công ty con này được thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền của tổ chức tín dụng đó phê duyệt.(4)
Lưu ý, Thông Tư 09 không quy định về khái niệm “phương án tái cơ cấu”. Do đó, “phương án tái cơ cấu” được đề cập chính là các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo khoản 29 Điều 4 của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2024. Tuy nhiên, việc mua, bán nợ này chỉ được thực hiện khi tổ chức tín dụng thuộc diện chịu sự kiểm soát đặc biệt.
- Tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Lưu ý, phương án nhận chuyển giao bắt buộc cũng là một trong những phương án cơ cấu lại theo khoản 29 Điều 4 của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2024 và chỉ được thực hiện khi tổ chức tín dụng thuộc diện được sự kiểm soát đặc biệt.
(ii) Đối với các tổ chức là người cư trú và người không cư trú khác, Pháp Lệnh Ngoại Hối quy định một số đối tượng như sau:(5)
- Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam;
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức nêu trên;
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;
- Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.
3.3 Đối với bên mua nợ là cá nhân (bao gồm cá nhân là người cư trú và người không cư trú):
Hiện nay pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các điều kiện và các hạn chế đối với nhóm này. Tuy nhiên, Pháp Lệnh Ngoại Hối quy định một số đối tượng như sau:(6)
- Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, hoặc công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;
- Công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức tại văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức tại mục 3.2(ii) nêu trên và cá nhân đi theo họ;
- Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài; và
- Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú.
(1) Điều 5.3, 5.4 và Điều Thông Tư 09
(2) Điều 3.4(a) Thông Tư 09
(3) Điều 5.3, 5.4, 5.6 và 5.12 Thông Tư 09
(4) Thông Tư 09, Điều 5.7(a) và 5.8
(5) Điều 2 Pháp Lệnh Ngoại Hối
(6) Điều 2 Pháp Lệnh Ngoại Hối
Bài viết liên quan:
1/ Tìm Hiểu Về Việc Mua Bán Nợ Giữa Các Tổ Chức Tín Dụng
2/ Kê Biên Tài Sản Bảo Đảm Tại Tổ Chức Tín Dụng
3/ Trình tự thủ tục mua bán nợ của tổ chức tín dụng
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến lĩnh vực Tài chính. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.