Hậu Covid-19 và trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc ký kết hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu “EU”, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/05/2020 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD – một con số có thể đánh giá là rất tốt trong tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện tại. Để nhanh chóng tiếp cận được thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn thực hiện những giao dịch M&A đối với các doanh nghiệp Việt Nam (“Công Ty Mục Tiêu”). Qua đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu toàn bộ hoặc một phần cổ phần/phần vốn góp để có quyền chi phối hoạt động của Công Ty Mục Tiêu. Kết quả là Công Ty Mục Tiêu trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, bài viết này cung cấp một số vấn đề pháp lý mà các nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm khi thực hiện giao dịch M&A.
Thứ nhất, về ngành nghề kinh doanh của Công Ty Mục Tiêu. Khi Công Ty Mục Tiêu vẫn còn do các tổ chức và/hoặc cá nhân Việt Nam làm chủ sở hữu thì ngành nghề kinh doanh không bị hạn chế trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng hay bị cấm kinh doanh. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch M&A để sở hữu cổ phần/phần vốn góp tại Công Ty Mục Tiêu cần lưu ý đối với các ngành nghề kinh doanh của Công Ty Mục Tiêu chưa được Chính phủ Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng hạn chế tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
- Trong trường hợp Công Ty Mục Tiêu có các ngành nghề kinh doanh chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khi nhà đầu tư nước ngoài và Công Ty Mục Tiêu thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công Ty Mục Tiêu đặt trụ sở sẽ hỏi ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể thực hiện giao dịch nếu các Bộ quản lý chuyên ngành có ý kiến từ chối. Ví dụ như đối với dịch vụ sửa chữa container, hiện Việt Nam vẫn chưa cam kết mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, do đó, khi Công Ty Mục Tiêu tiến hành thủ tục đăng ký góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thì cần phải lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao Thông Vận Tải, và Bộ Công Thương.
- Đối với trường hợp Công Ty Mục Tiêu có ngành nghề kinh doanh đã được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nhưng có hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn thì tỷ lệ vốn mà nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trong Công Ty Mục Tiêu sẽ không được vượt quá mức tối đa mà Việt Nam đã cam kết. Ví dụ đối với vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, trong biểu cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 49%. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại Công Ty Mục Tiêu trong trường hợp này.
Thứ hai, nếu sau khi giao dịch M&A kết thúc, mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ của Công Ty Mục Tiêu, thì các công ty do Công Ty Mục Tiêu nắm giữ vốn điều lệ sẽ phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp (i) Công Ty Mục Tiêu nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; hoặc (ii) Có nhà đầu tư nước ngoài và Công Ty Mục Tiêu nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên. Lấy ví dụ đối với hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, các công ty do Công Ty Mục Tiêu nắm giữ vốn điều lệ thuộc các trường hợp được nêu sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh và thủ tục thành lập cơ sở bán lẻ tương tự với điều kiện mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng.
Trong trường hợp tỉ lệ sở hữu phần vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong Công Ty Mục Tiêu dưới 51% thì các công ty do Công Ty Mục Tiêu nắm giữ vốn điều lệ được thực hiện các điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Thứ ba, về quyền sử dụng đất của Công Ty Mục Tiêu sau khi giao dịch M&A hoàn tất. Theo quy định của pháp luật về đất đai, khi Công Ty Mục Tiêu là doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Công Ty Mục Tiêu phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do có thay đổi về người sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thời hạn sử dụng đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không quá 50 năm. Trên thực tế, Công Ty Mục Tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do khung pháp lý về thủ tục cho vấn đề này vẫn chưa được hoàn thiện và các địa phương sẽ có thể có các yêu cầu khác nhau.
Thứ tư, về việc tuân thủ các quy định của pháp luật ngoại hối khi thực hiện thanh toán trong giao dịch M&A. Chúng tôi đã gặp trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú thực hiện thanh toán trong giao dịch M&A vào tài khoản thanh toán của Công Ty Mục Tiêu. Việc này dẫn đến các hậu quả Công Ty Mục Tiêu bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định pháp luật, và nhà đầu tư nước ngoài không thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài do không thể chứng minh dòng tiền trong giao dịch đã được chuyển một cách hợp pháp. Để tránh các rủi ro đã nêu, các khoản thanh toán trong giao dịch M&A của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải được thực hiện thông qua (i) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của Công Ty Mục Tiêu, nếu Công Ty Mục Tiêu có tỷ lệ vốn nước ngoài chiếm từ 51% trở lên; hoặc (ii) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài được mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Cuối cùng, về báo cáo tài chính của Công Ty Mục Tiêu sau khi trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi Công Ty Mục Tiêu không có vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo tài chính hàng năm không bắt buộc phải được kiểm toán. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những đối tượng được quy định buộc báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán.
>> Những điều cần lưu ý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên đây là một số vấn đề nhà đầu tư nước ngoài thường gặp trong giao dịch M&A đối với những doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi hi vọng qua bài viết này, các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát khi đầu tư vào Việt Nam để có thể tránh được các rủi ro pháp lý trong quá trình đầu tư kinh doanh.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.