Quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng

Quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng
Quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hợp đồng theo mẫu ngày càng được áp dụng phổ biến vì tính tiện lợi và kinh tế không thể phủ nhận của nó. Theo đó, hợp đồng mẫu giúp các doanh nghiệp giảm phần lớn thời gian và chi phí để đàm phán các điều khoản khi thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà Nước thực hiện kiểm soát hợp đồng theo mẫu và yêu cầu các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải được thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.1

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích và thông tin về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu theo quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

1. Khái niệm hợp đồng theo mẫu và yêu cầu chung đối với hợp đồng theo mẫu 

Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng.2 Việc đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan có thẩm quyền là bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ bao gồm:

(i) cung cấp điện sinh hoạt,

(ii) cung cấp nước sinh hoạt;

(iii) truyền hình trả tiền;

(iv) thuê bao điện thoại cố định;

(v) thuê bao di động trả sau;

(vi) kết nối internet; (vii) vận chuyển hành khách đường hàng không;

(viii) vận chuyển hành khách đường sắt;

(ix) mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp;

(x) phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng); và

(xi) bảo hiểm nhân thọ.

Hợp đồng theo mẫu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký chỉ có thể được áp dụng đối với người tiêu dùng khi đã hoàn thành việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.3 

Để có thể thực hiện đăng ký, các điều khoản của hợp đồng theo mẫu không được rơi vào các trường hợp bị vô hiệu theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng 2010 và phải đáp ứng các điều kiện chung4 bao gồm: 

  • Được lập thành văn bản; 
  • Ngôn ngữ là tiếng Việt với nội dung rõ ràng, dễ hiểu; cỡ chữ ít nhất là 12; và 
  • Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau 

Tham khảo bài viết: Những lưu ý khi sử dụng hợp đồng mẫu

2. Hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện đăng ký 

Tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký bao gồm (i) Đơn đăng ký theo mẫu tại Thông tư 10/2013/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành và (ii) Bản dự thảo hợp đồng theo mẫu;5 và gửi trực tiếp, gửi bằng đường bưu điện hoặc bằng phương tiện điện tử đến cơ quan tiếp nhận sau: 

  • Đối với hợp đồng theo mẫu áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc phạm vi từ hai tỉnh trở lên: Bộ Công Thương; 
  • Đối với hợp đồng theo mẫu áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Công Thương 

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện xem xét và ra yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ đăng ký không đầy đủ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.6

Tổ chức, cá nhân nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ có trách nhiệm phải thực hiện việc bổ sung theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung.7 Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra thông báo về việc chấp thuận/không chấp thuận hồ sơ đăng ký.8

Hợp đồng theo mẫu đã đăng ký được công bố công khai và lưu trữ trên trang thông tin điện tử của Cục Cạnh Tranh và Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng trực thuộc Bộ Công Thương (http://hdm.vcca.gov.vn/?page=hdm).9 

Hợp đồng theo mẫu đăng ký cần phải thực hiện đăng ký lại với thủ tục tương tự như đăng ký lần đầu và thực hiện thông báo đến người tiêu dùng về việc thay đổi hợp đồng sau khi hoàn thành việc đăng ký lại trong các trường hợp sau:10 

  1. Khi pháp luật thay đổi làm thay đổi nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;  
  2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. 

Tham khảo:

1 Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng 2010

2 Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng 2010

3 Khoản 2 Điều 8 Nghị định 99/2011/NĐ-CP 

4 Điều 7 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

5 Khoản 1 Điều 10 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

6 Khoản 1 Điều 11 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

7 Khoản 2 Điều 11 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

8 Khoản 1 Điều 14 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

9 Khoản 2 Điều 14 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

10 Điều 15 Nghị định 99/2011/NĐ-CP

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Rà Soát Và Soạn Thảo Hợp Đồng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Rà soát và Soạn thảo Hợp đồng và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.