Công nợ dưới góc nhìn pháp lý

Công nợ xuất hiện và tồn tại như một lẽ đương nhiên khi một cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động. Bất kể quy mô, từ một cửa hàng tạp hóa, một tiệm cà phê, một quán bida hay đến cả các doanh nghiệp lớn vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng, không thể không có công nợ. Do vậy, làm sao để thu hồi công nợ một cách hiệu quả, vừa đủ tế nhị, vừa không thiệt mình, mất lòng người là điều ai cũng muốn. Bằng bài viết ngắn dưới đây, người viết muốn chia sẻ với người đọc, các chủ doanh nghiệp, về công nợ dưới góc nhìn pháp lý, các giải pháp pháp để thu hồi công nợ và một vài vấn đề ông chủ cần lưu tâm.  

1. Khi nào hình thành công nợ? 

Công nợ được hiểu là nghĩa vụ trả tiền của một bên (con nợ) cho bên còn lại (chủ nợ). Công nợ có thể hình thành từ nhiều mối quan hệ làm ăn khác nhau như: mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, làm công…. Dưới góc nhìn pháp lý, để được xem là công nợ, một trong các điều kiện dưới đây phải được thỏa mãn: 

  • Con nợ có xác nhận phải trả cho chủ nợ một số tiền xác định, nếu kèm theo cả thời gian trả nợ là điều tốt nhất. Biên bản xác nhận công nợ hoặc thư cam kết trả nợ là hình thức phổ biến. 
  • Con nợ có xác nhận hoặc chủ nợ có bằng chứng về việc chủ nợ đã hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận, chẳng hạn: biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao, giấy nhận tiền…. 

Thiếu một trong hai điều kiện ở trên, công nợ có thể chưa hình thành. Khi đòi nợ, tranh chấp có thể phát sinh và thậm chỉ có thể sẽ có rủi ro cho chủ nợ nếu con nợ cho rằng chủ nợ chưa hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận. Chẳng hạn: Bán hàng hóa nhưng không có biên bản giao hàng hóa; hoàn thành dịch vụ nhưng chưa có biên bản nghiệm thu; cho vay tiền nhưng không có bằng chứng giao tiền…. 

2. Chủ nợ nên làm gì khi một nghĩa vụ chưa đáp ứng đủ điều kiện để được xem là công nợ? 

Khi chưa xác định được rõ ràng công nợ đã hình thành hay chưa, ý kiến tư vấn của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý là rất cần thiết trước khi chủ nợ quyết định thực hiện các hành động pháp lý. Bởi lẽ, khi con nợ phủ nhận nghĩa vụ của mình, chủ nợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh mình đã hoàn thành nghĩa vụ, thậm chí không thể chứng minh được. Xem ví dụ dưới đây: 

Bên A là bên nhận gia công hàng may mặc cho Bên B. Bên A đã hoàn thành việc gia công, đã bàn giao sản phẩm gia công kèm theo các nguyên, phụ liệu thừa cho Bên B. Tuy nhiên, Bên A chỉ lưu giữ bản chụp các biên bản bàn giao, không có bất kỳ bản gốc nào. Khi Bên A khởi kiện Bên B để đòi phí gia công, Bên B nói rằng Bên A chưa hoàn thành việc gia công và phản tố yêu cầu Bên A giao sản phẩm gia công và trả nguyên, phụ liệu thừa.  

Bỏ qua yếu tố đạo đức kinh doanh, rõ ràng Bên A đang yếu thế về mặt pháp lý. Bên A trong ví dụ trên vội vàng khởi kiện khi chưa đủ chứng cứ trong tay là chưa thực sự thấu đáo. Cách làm tốt nhất là nên tìm cách, trong lúc các bên chưa trở mặt với nhau, hãy thu thập, xây dựng chứng cứ chứng minh rằng mình đã hoàn thành nghĩa vụ. Một cuộc họp trực tiếp với một biên bản làm việc có lợi hoặc chí ít một bản ghi âm sự thừa nhận của Bên B sẽ là một điểm Bên A có thể bấu víu sau này. 

3. Thời hiệu để khởi kiện đòi công nợ là bao lâu?  

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn luật định để chủ nợ khởi kiện con nợ tại tòa án hoặc trọng tài thương mại để buộc con nợ phải trả nợ.   

Có 02 thời hiệu phổ biến: 

  • Thời hiệu đối với công nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại, chẳng hạn hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, gia công…., là 02 năm kể từ ngày đến hạn phải trả; 
  • Thời hiệu đối với  công nợ phát sinh từ các giao dịch dân sự như: cho vay tiền, mua bán, cho thuê tài sản…., là 03 năm kể từ ngày đến hạn phải trả. 

Chủ nợ cần đặc biệt lưu tâm đến thời hiệu này để có những hành động pháp lý phù hợp. Khi hết thời hiệu, con nợ có quyền yêu cầu tòa án/trọng tài không thụ lý giải quyết. Khi đó, chủ nợ sẽ không thể yêu cầu áp dụng các chế tài hợp pháp để cưỡng chế buộc con nợ phải trả nợ.  

4. Những giải pháp pháp lý phổ biến để thu hồi công nợ là gì? 

Khởi kiện 

Đây là giải pháp phổ biến và được đánh giá là cách ứng xử văn minh nhất. Kết quả của vụ kiện là bản án hoặc phán quyết của tòa án hoặc trọng tài. Chủ nợ có thể sử dụng bản án này để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi nợ từ con nợ. Theo yêu cầu của chủ nợ, cơ quan thi hành án sẽ xác minh, phong tòa tiền, tài sản của con nợ, sau đó kê biên, bán phát mãi để lấy tiền trả nợ cho con nợ.   

Thời gian để hoàn thành một quy trình tố tụng đến lúc bản án được thi hành xong có thể kéo dài từ một đến vài năm. Trong quá trình tố tụng, pháp luật cho phép chủ nợ được yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để gây áp lực lên con nợ, chẳng hạn: cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của con nợ; phong tỏa tài khoản ngân hàng của con nợ; phong tỏa tài sản của con nợ…. Đã có nhiều vụ việc, chủ nợ có thể thu hồi được nợ ngay trong giai đoạn tố tụng khi các biện pháp này được áp dụng.  

Phá sản 

Theo quy định của Luật Phá Sản năm 2014, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với con nợ khi con nợ không có khả năng trả nợ khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn, bất kể giá trị khoản nợ là bao nhiêu. Hệ quả cuối cùng của thủ tục phá sản là các chủ nợ sẽ cùng nhau chia tài sản bán được của con nợ khi thủ tục phá sản kết thúc. 

Nhiều chủ nợ đã vận dụng quy định này để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ. Đây là một giải pháp hợp pháp và tạo áp lực rất lớn đối với con nợ, đặc biệt là các con nợ vẫn đang hoạt động kinh doanh tốt. Tuy nhiên, đối với các con nợ thực sự mong muốn mình bị phá sản, con nợ không còn tài sản, giải pháp này lại không hiệu quả. Khi đó, chủ nợ không những không thu được nợ mà còn mất thời gian, tiền bạc cho việc theo đuổi một vụ việc phá sản kéo dài đến vài năm. Đánh giá sức khỏe tài chính của con nợ tước khi áp dụng biện pháp này điều chủ nợ cần thực hiện trước khi nộp đơn.  

Bán nợ 

Bán nợ là một giải pháp được pháp luật thừa nhận và cho phép. Các công ty mua bán nợ trên thị trường hiện không ít. Về mặt pháp lý, bán nợ về bản chất là chuyển giao quyền đòi nợ sang cho bên thứ ba để nhận lại một khoản tiền nhỏ hơn giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, không phải khoản nợ nào cũng có thể bán được.  

Các chủ nợ cần phân biệt việc mua bán nợ và đòi nợ thuê. Dịch vụ đòi nợ thuê hiện đã bị pháp luật cấm bởi những hệ lụy gây ra cho xã hội. Nếu nhầm lần giữa mua bán nợ và đòi nợ thuê, chủ nợ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro gây ra bởi bên đòi nợ thuê, thậm chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu bên đòi nợ thuê sử áp dụng các biện pháp “quá tay” để thu hồi nợ. Đã có không ít các bài học đắt giá từ việc đòi nợ thuê đã xảy ra.  

5. Tránh nợ xấu như thế nào? 

Nợ xấu là các khoản nợ mà chủ nợ không có cơ sở để đòi hoặc con nợ không có khả năng trả nợ. Hệ quả tất yếu là chủ nợ mất tiền. Để hạn chế nợ xấu, người viết khuyến nghị như sau:  

  • Về cơ sở đòi nợ, chủ nợ cần thu thập, lưu giữ cẩn thận bộ chứng cứ làm cơ sở để đòi nợ, cụ thể gồm các xác nhận nợ của con nợ hoặc chứng cứ chứng minh chủ nợ đã hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận; 
  • Về sức khỏe tài chính của con nợ, chủ nợ cần thẩm định kỹ sức khỏe tài chính của con nợ trước khi cho nợ hoặc yêu cầu con nợ thực hiện một số biện pháp bảo đảm trước khi cho nợ. Bảo lãnh ngân hàng là một giải pháp phổ biến. Mua bảo hiểm cũng là một giải pháp được nhiều chủ nợ lựa chọn. Người viết đã từng tư vấn cho một doanh nghiệp của Nhật và được biết rằng, doanh nghiệp này chấp nhận bỏ chi phí mua bảo hiểm cho toàn bộ các hợp đồng mua bán của mình với giá trị bảo hiểm đến 90% giá trị hợp đồng. Khi bên mua không có khả năng thanh toán, bảo hiểm sẽ thanh toán thay. Một giải pháp hay.  

Công nợ là không thể tránh. Mong rằng bài viết phần nào có thể giúp các chủ nợ có cái nhìn thấu đáo hơn, cẩn trọng hơn và có các quyết định phù hợp khi thu hồi công nợ. 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.