Việc trao đổi, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quốc tế ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Tranh chấp quốc tế từ đó cũng không còn hiếm gặp. Tùy theo thỏa thuận giữa các bên, tranh chấp có thể được giải quyết bởi cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài) của Việt Nam hoặc cơ quan tài phán của nước ngoài. Khi tranh chấp được giải quyết bởi tòa án nước ngoài, bản án, quyết định của tòa án nước ngoài sẽ không đương nhiên có hiệu lực pháp lý và cho thi hành tại Việt Nam mà phải được tòa án của Việt Nam công nhận và cho phép thi hành. Thực tế, tỷ lệ bản án, quyết định của tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam là tương đối cao.
Bài viết này chia sẻ đến người đọc các nguyên tắc, điều kiện và thủ tục để công nhận và cho thi hành một bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
1. Nguyên tắc công nhận bản án của tòa án nước ngoài
Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài sẽ được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo nguyên tắc sau:
(i) Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam có ký kết
Hiện Việt Nam đã ký kết hơn 60 điều ước quốc tế có nội dung về tương trợ tư pháp trong cả lĩnh vực hình sự và dân sự. Nếu điều ước quốc tế có nội dung thỏa thuận về thủ tục và điều kiện để các quốc gia công nhận và cho thi hành bản án của tòa án mỗi nước thì các thỏa thuận này sẽ là nguyên tắc để tòa án mỗi bên áp dụng.
(ii). Trường hợp không có điều ước quốc tế, nguyên tắc có đi có lại sẽ được tòa án Việt Nam xem xét
Nguyên tắc có đi có lại được hiểu là một quốc gia sẽ áp dụng ứng xử đối với cá nhân, pháp nhân của nước ngoài tương tự như chế độ, chính sách mà nước đó áp dụng đối với công dân của mình.
Hiện nay, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 không có quy định về trình tự, thủ tục để Tòa án áp dụng nguyên tắc có đi có lại khi xem xét, giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nguyên tắc này. Tuy nhiên, thực tiễn hành nghề, người viết đã gặp trường hợp tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án có thẩm quyền phải hỏi ý kiến của Bộ Tư Pháp và Bộ Ngoại Giao trước khi quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Với yêu cầu này, thời gian để bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành sẽ kéo dài thêm khá lâu.
2. Trình tự, thủ tục công nhận
Thời hiệu để yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam là 03 (ba) năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn này, bản án, quyết định, bản án của tòa án nước ngoài có thể sẽ không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn quy định.
Đơn yêu cầu và hồ sơ kèm theo được gửi đến Bộ Tư Pháp hoặc tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người phải thi hành án có trụ sở, cư trú, làm việc hoặc nơi có tài sản để thi hành. Bộ Tư Pháp không phải là cơ quan có thẩm quyền xét đơn yêu cầu. Khi nhận được đơn yêu cầu, Bộ Tư Pháp cũng sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ về cho tòa án có thẩm quyền. Do đó, hồ sơ yêu cầu công nhận nên được nộp trực tiếp cho Tòa án thay vì Bộ Tư Pháp để tiết giảm thời gian chuyển hồ sơ giữa hai cơ quan này.
Tương tự như một vụ án dân sự thông thường, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được xem xét qua 02 giai đoạn gồm sơ thẩm và phúc thẩm:
(i) Giai đoạn sơ thẩm
Thời hạn để tòa án cấp sơ thẩm chuẩn bị xét đơn yêu cầu tối đa là 06 tháng kể từ ngày thụ lý. Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 01 tháng. Như vậy, tổng thời gian từ lúc thụ lý đến khi mở phiên họp lần đầu tối đa là 07 (bảy) tháng.
(ii) Giai đoạn phúc thẩm
Quyết định của tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị và bị xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm bởi tòa án cấp trên. Thời hạn tối đa để tòa án cấp phúc thẩm mở phiên họp xem xét lại là 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ từ tòa án cấp sơ thẩm. Quyết định của tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Như vậy, theo quy định, nếu phải trải qua 02 thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, thời hạn để bản án, quyết định của tòa án nước ngoài có thể được chính thức công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định là 09 (chín) tháng kể từ ngày đơn yêu cầu được thụ lý. Thực tiễn, thời gian này có thể kéo dài hoặc được rút ngắn hơn tùy theo quyết định của tòa án.
3. Những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
Trong quá trình xem xét, những quyết định, bản án sau đây của tòa án nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
- Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không thuộc trường hợp được công nhận quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.
- Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của Tòa án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ hoặc văn bản của Tòa án nước ngoài không được tống đạt cho họ trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án nước ngoài đó để họ thực hiện quyền tự bảo vệ.
- Vụ án thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam.
Các vụ án thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam bao gồm:
-
- Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
-
- Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;
-
- Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
- Vụ việc dân sự đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ việc, Tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ việc hoặc đã có bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.
- Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam.
- Việc thi hành bản án, quyết định đã bị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành tại nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.
- Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn, tỷ lệ các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam là khá thấp, dưới 50%. Một trong các lý do phổ biến mà các bản án của tòa án nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là vụ án thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam hoặc nội dung quyết định của bản án trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Các lý do này các luật sư nước ngoài rất khó có thể biết được để tư vấn hướng xử lý cho khách hàng khi giải quyết vụ án ở nước ngoài.
Để có được một bản án có hiệu lực của tòa án nước ngoài, một bên đã tiêu tốn không ít thời gian và tiền bạc. Do đó, nếu bản án đó bị từ chối cho thi hành tại Việt Nam sẽ là điều rất đáng tiếc. Để hạn chế rủi ro này, người viết khuyến nghị, nếu việc thi hành án phải thực hiện tại Việt Nam, trong quá trình xét xử tại tòa án nước ngoài, bên có quyền nên có sự tham gia, tư vấn của luật sư Việt Nam để hạn chế rủi ro bản án, quyết định của tòa án nước ngoài bị từ chối công nhận tại Việt Nam.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.