Hiện nay, các doanh nghiệp dần chú trọng hơn với việc đăng ký nhãn hiệu khi việc đăng ký nhãn hiệu không chỉ mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp mà tạo ra nhiều lợi thế độc quyền khi cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài như Trung Quốc. Bài viết này nhằm giúp bạn khắc phục tình trạng từ chối tạm thời nhãn hiệu tại Trung Quốc mà bạn có thể gặp phải trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc.
1. Từ chối tạm thời đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc là gì?
Dành cho những ai không quen thuộc với việc đăng ký nhãn hiệu, thông báo từ chối tạm thời đăng ký nhãn hiệu hay còn gọi là thông báo dự kiến từ chối (“Từ chối tạm thời”) là thông báo được gửi tới người nộp đơn từ Cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Quốc gia đang thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu (tại Trung Quốc, đó sẽ là Cục Quản Lý Sở Hữu Trí Tuệ Quốc Gia Trung Quốc – CNIPA) để thông báo rằng nhãn hiệu đăng ký của người nộp đơn sẽ bị từ chối trong vài tháng tới.
Thông báo từ chối tạm thời cũng sẽ nêu rõ cho Người nộp đơn biết về căn cứ của việc từ chối nhãn hiệu. Theo đó, nhãn hiệu có thể bị từ chối bảo hộ dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, chẳng hạn: Các căn cứ tuyệt đối (absolute grounds) (như xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thiếu tính phân biệt, tính mô tả, v.v…) hoặc Căn cứ tương đối (relative grounds) (như quyền ưu tiên, nhãn hiệu nổi tiếng, v.v….) hoặc thậm chí dựa trên sự phản đối do bên thứ ba đệ trình chống lại nhãn hiệu đang đăng ký (opposition grounds).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Thông báo nói trên chỉ là “tạm thời/dự kiến” và không có nghĩa nhãn hiệu của bạn chắn chắn sẽ bị từ chối. Hay nói cách khác, bạn (người nộp đơn) vẫn còn có cơ hội để khắc phục việc bị từ chối tạm thời và chuyển thành đăng ký nhãn hiệu thành công, miễn là bạn đã thực hiện các bước cần thiết nêu trong bài viết này.
2. Những trường hợp nào sẽ thì Nhãn hiệu sẽ bị từ chối tạm thời tại Trung Quốc?
Như đã đề cập, có rất nhiều căn cứ để một nhãn hiệu có thể bị từ chối tại Trung Quốc, trong đó:
Căn cứ tuyệt đối (Absolute grounds): Nếu nhãn hiệu của bạn bị từ chối tạm thời trên căn cứ tuyệt đối, điều đó có nghĩa là nhãn hiệu của bạn được coi là có hại cho trật tự quốc gia hoặc sự ổn định của hệ thống đăng ký nhãn hiệu, chẳng hạn như vi phạm về chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, v.v…. Do đó, nhãn hiệu của bạn sẽ bị cấm đăng ký và, tùy từng trường hợp, có thể bị cấm sử dụng một phần hoặc toàn bộ nhãn hiệu. Dưới đây là một số trường hợp mà nhãn hiệu có thể sẽ bị từ chối dựa trên căn cứ tuyệt đối tại Trung Quốc là:
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc tương tự với tên Quốc gia; quốc kỳ, quốc huy hay quốc ca, quân kỳ, huy hiệu hoặc huân chương của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc tương tự với tên Quốc gia, quốc kỳ, quốc ca hoặc quân kỳ,.. của nước ngoài, trừ trường hợp được sự chấp thuận từ chính phủ của quốc gia ấy;
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc tương tự với tên, quốc kỳ hoặc biểu tượng của các tổ chức quốc tế liên chính phủ,… trừ trường hợp được sự chấp thuận từ các tổ chức hoặc không dẫn đến kết quả gây nhầm lẫn đến cộng đồng;
- Nhãn hiệu được xem là trừng hoặc tương tự với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành hoặc kiểm định, trừ trường hợp được uỷ quyền đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận (certification trademark);
- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với biểu tượng hoặc tên Chữ thập đỏ (Red Cross), Trăng lưỡi liềm đỏ (Red Crescent);
- Nhãn hiệu được xem là gây hại đến đạo đức xã hội chủ nghĩa hoặc thuần phong mỹ tục, hoặc các tác động tiêu cực theo quan điểm của CNIPA;
- Nhãn hiệu được xem là gây nhầm lẫn hoặc có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đối với chất lượng, nơi sản xuất hoặc các đặc điểm khác của hàng hoá;
- Nhãn hiệu được xem là thiếu tính phân biệt hoặc chỉ bao gồm các thông tin về hàng hoá hoặc các bản chất của hàng hoá thông qua kiểu dáng.
Căn cứ tương đối (Relative grounds): Nhãn hiệu của bạn cũng có thể bị từ chối dựa trên các căn cứ tương đối khi bị xem là vi phạm quyền hợp pháp của bên thứ ba khác. Chẳng hạn như:
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của bên thứ ba khác (nhãn hiệu đối chứng) mà đã được đăng ký cho cùng loại hàng hoá/dịch vụ;
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả nhãn hiệu nổi tiếng đó có được đăng ký hay chưa;
- Nhãn hiệu được xem là trùng hoặc trương tự với tên, hình ảnh, quyền tác giả, hoặc hình tượng đặc trưng của những sản phẩm nổi tiếng.
3. Cần phải làm gì khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối tạm thời hay dự kiến từ chối tại Trung Quốc?
Khi nhãn hiệu của bạn từ chối tạm thời hay dự kiến từ chối bởi CNIPA, bạn sẽ có một khoảng thời gian nhất định để phản hồi và khiếu nại quyết định ấy. Tại Trung Quốc, khoảng thời gian này được giới hạn là 03 (ba) tháng. Nếu như bạn (người nộp đơn) không thực hiện phản hồi hoặc khiếu nại trong khoảng thời gian được cho phép, đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn sẽ chính thức bị từ chối tại Trung Quốc. Chính vì vậy, một khi bạn (người nộp đơn) nhận được thông báo từ chối tạm thời, bạn cần phải có thực hiện các bước sau đây để khắc phục việc bị từ chối tạm thời nhãn hiệu:
a. Tìm đến đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép tại Trung Quốc:
Điều đầu tiên chúng tôi khuyên bạn cần thực hiện là thuê một đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép tại Trung Quốc. Bởi lẽ, theo hiểu biết của chúng tôi, chỉ có đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép tại Trung Quốc mới được pháp luật cho phép giúp bạn thực hiện các thủ tục phản hồi cho CNIPA.
Ngoài ra, hầu hết các đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép sẽ có đủ chuyên môn và những kiến thức pháp luật cần thiết của Quốc gia sở tại (nơi bạn đang nộp đơn đăng ký nhãn hiệu) để giúp bạn thực hiện phản đối thông báo từ chối tạm thời từ Cơ quan đăng ký nhãn hiệu (trường hợp này là CNIPA tại Trung Quốc). Ngoài ra, họ cũng có thể giúp bạn phân tích và hiểu rõ các nguyên nhân/căn cứ khiến cho nhãn hiệu của bạn bị từ chối bởi CNIPA, và đưa ra các chiến lược phù hợp cho bạn để phản hồi/khắc phục việc từ chối tạm thời đến CNIPA.
Từ những lý do trên, không có gì bàn cãi khi việc đầu tiên bạn (người nộp đơn) cần làm đó chính là tìm đến đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép tại Quốc gia sở tại. Tuy nhiên, như thường lệ, bạn phải chắc chắn đó là một đơn vị có uy tín. Nếu không, bạn (người nộp đơn) có thể mất cả tiền lẫn nhãn hiệu của mình.
b. Tìm ra lý do bị từ chối: Sau khi bạn (người nộp đơn) đã thuê một đại diện sở hữu trí tuệ, bạn có quyền yêu cầu họ giải thích các căn cứ/nguyên nhân mà Nhãn hiệu của bạn bị từ chối. Tuy nhiên, để có thể hiểu hoàn toàn những giải thích của đại diện sở hữu trí tuệ, bạn có thể phải trau dồi và đã có những kiến thức nền tảng/thực tiễn nhất định về Sở hữu trí tuệ.
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn sẽ có cơ hội cao hơn để khắc phục thành công việc nhãn hiệu từ chối tạm thời, nếu căn cứ để từ chối là căn cứ tương đối (relative grounds) – tức chỉ vi phạm quyền hợp pháp của bên thứ ba khác. Bởi lẽ, cơ quan có thẩm quyền có khuynh hướng xét nghiệm nhãn hiệu chặt chẽ hơn đối với những căn cứ tuyệt đối (absolute grounds) do lo ngại về các tác động tiêu cực của nhãn hiệu đang đăng ký đến sự ổn định của hệ thống đăng ký nhãn hiệu, trật tự xã hội hoặc an ninh quốc gia.
c. Chuẩn bị chiến lược khắc phục: Tương tự như các bước khác, việc chuẩn bị chiến lược khắc phục từ chối tạm thời cũng sẽ được thực hiện bởi đại diện sở hữu trí tuệ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tuỳ vào từng tình huống cụ thể, chiến lược khắc phục có thể bao gồm một hoặc các phương án sau đây:
- Nộp các chứng cứ bổ sung để chứng minh rằng nhãn hiệu của bạn có tính phân biệt hoặc đạt được các yếu tố của nhãn hiệu nổi tiếng tại Trung Quốc;
- Phản hồi và chứng minh rằng nhãn hiệu của bạn không trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đối chứng khác và không gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng;
- Nộp một thoả thuận đồng tồn tại (co-existence agreement) hoặc văn bản đồng ý từ chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng, nếu có thể;
- Chỉnh sửa hoặc giới hạn lại phạm vi hàng hoá hoặc dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu có thể;
- Phản đối giá trị hiệu lực của nhãn hiệu đối chứng, nếu có căn cứ cho thấy nhãn hiệu đối chứng không được sử dụng trên thực tế.
d. Nộp văn bản phản hồi lên CNIPA: Theo sự uỷ quyền của bạn (người nộp đơn), đại diện sở hữu trí tuệ sẽ thay mặt bạn nộp văn bản phản hồi lên CNIPA trong thời hạn cho phép.
e. Xem xét các phương án kháng cáo/khiếu nại khác: Nếu bạn (người nộp đơn) không hài lòng với quyết định cuối cùng của CNIPA, bạn có thể cân nhắc việc thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm kháng cáo/phản đối quyết định của CNIPA theo quy định pháp luật Trung Quốc.
4. Một vài lưu ý khác cho việc đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
Đầu tiên, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh – chúng tôi khuyến nghị bạn nên tránh rơi vào tình huống này hơn là tìm cách để vượt qua chúng. Chính vì thế, trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc, bất kể theo phương thức nào (Madrid hay đăng ký trực tiếp), bạn cũng cần thực hiện tra cứu nhãn hiệu để tránh được khả năng xung đột với các nhãn hiệu đã tồn tại/đăng ký tại Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm đáng kể rủi ro nhãn hiệu bị từ chối tạm thời.
Lưu ý: Bạn (người nộp đơn) có thể sẽ thấy thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, khi sau hơn 01 năm đăng ký để rồi nhận thông báo từ chối tạm thời đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, bạn (người nộp đơn) cần nhớ rằng:
- Thông báo từ chối tạm thời không phải là cái kết cho việc đăng ký nhãn hiệu của bạn tại Trung Quốc. Bạn vẫn còn có cơ hội để phản đối và khắc phục được tình trạng bị từ chối tạm thời này bằng cách tuân thủ theo những hướng dẫn tại bài viết này.
- Trong trường hợp bạn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua Đăng Ký Quốc Tế theo hệ thống Madrid, việc bị từ chối tạm thời nhãn hiệu tại Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực của Đăng Ký Quốc Tế tại các quốc gia khác.
- Tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể, bạn có thể trao đổi với đại diện sở hữu trí tuệ để tìm ra chiến lược phù hợp và hiệu quả cho việc khắc phục từ chối tạm thời nhãn hiệu. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm được một đại diện sở hữu trí tuệ đáng tin cậy và uy tín để đưa được một chiến lược phù hợp và tốt nhất.
- Nếu như bạn (người nộp đơn) gặp khó khăn trong việc tìm một đại diện sở hữu trí tuệ đáng tin cậy tại Trung Quốc hoặc gặp rắc rối khi thực hành theo hướng dẫn trong bài viết này, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của Apolat Legal. Tại Apolat Legal, chúng tôi có liên kết chặt chẽ với các đại diện sở hữu trí tuệ uy tín và có chuyên môn sâu về đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới để có thể giúp bạn giải quyết vấn đề phát sinh liên quan đến đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.