Bồi thường thiệt hại trong xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam
pinnup

Bồi thường thiệt hại trong vụ kiện xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam

Công nhận và bảo hộ quyền tác giả là một trong những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới để phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ. Xâm phạm quyền tác giả là một trong những hành vi xâm phạm trực tiếp đến tài sản vô hình, một loại tài sản không những quan trọng về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp dân sự cần thiết để bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Việc xác định mức bồi thường thiệt hai do hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng tương tự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Theo đó, thiệt hại do hành vi xâm phâm quyền tác giả sẽ bao gồm (i) thiệt hại về vật chất; (ii) thiệt hại về tinh thần và (iii) chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Danh mục bài viết

Thiệt hại về vật chất

Đây là thiệt hại về tài sản; mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận; tổn thất về cơ hội kinh doanh; chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Thiệt hại về vật chất phải là sự tổn thất thực tế. Nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh “các tổn thất thực tế” do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra, chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại. Cụ thể,  thiệt hại về vật chất phải được xác định theo ba (03) căn cứ như sau:[1]

  • Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
  • Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật

Luật SHTT hiện hành đã quy định khá cụ thể và mở trong việc xác định thiệt hại thực tế làm căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ kiện trên thực tế, nguyên đơn chỉ dừng lại ở việc yêu cầu mức bồi thường bằng một con số cụ thể mà không yêu cầu cụ thể áp dụng phương pháp nào để tính thiệt hại. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của tài sản sở hữu trí tuệ, việc chứng minh thiệt hại làm cơ sở yêu cầu bồi thường không dễ dàng. Trong nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trong thực tế. Đối với những trường hợp này, mức bồi thường sẽ do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.[2]

Thiệt hại về tinh thần phát sinh do quyền nhân thân của tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn bị xâm phạm, tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả.Thiệt hại về tinh thần do Tòa án quyết định dựa trên mức độ tổn thất về tinh thần của chủ thể quyền do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Mức bồi thường được ấn định trong giới hạn từ 5 (năm) triệu đồng đến 50 (năm mươi) triệu đồng.[3]

Chi phí hợp lý để thuê luật sư là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc; kỹ năng, trình độ của luật sư và lượng thời gian cần thiết để nghiên cứu vụ việc. Mức chi phí bao gồm mức thù lao luật sư và chi phí đi lại, lưu trú cho luật sư. Mức thù lao do luật sư thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ và phương thức tính thù lao quy định tại Luật Luật sư. Phí luật sư là một trong những điểm đặc biệt của bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực SHTT. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng thường phức tạp bởi tính chất vô hình của loại tài sản, đồng thời khó khăn trong việc chứng minh, đánh giá hành vi xâm phạm và căn cứ xác định thiệt hải để bồi thường. Do đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần yêu cầu luật sư hỗ trợ để bảo vệ tốt quyền lợi của họ là điều hoàn toàn hợp lý. Đồng thời, việc xem xét chi phí luật sư là một loại thiệt hại cũng hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ do hành vi vi phạm xảy ra, bên bị vi phạm cần thiết thuê luật sư bảo vệ quyền lợi ích của mình. Nếu không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, bên có quyền có thể khai thác các quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách bình thường và sẽ không yêu cầu luật sư để xử lý hành vi vi phạm.

Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định khá cụ thể việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại, việc áp dụng biện pháp này thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh có thiệt hại và mối quan hệ giữa thiệt hại và hành vi xâm phạm. Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng có nhiều quan điểm khác nhau đối việc xác định các căn cứ tính mức bồi thường thiệt hại. Theo quan điểm của chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần mở đường cho việc nâng cao năng lúc xét xử về tranh chấp sở hữu trí tuệ của tòa án Việt Nam, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

[1] Khoản 1 Điều 205 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009

[2] Điểm c  Khoản 1 Điều 205 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009

[3] Mục B.2.2 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.