Bảo hộ phần mềm dưới danh nghĩa sáng chế: Liệu có dễ?

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình đáng chú ý trong lĩnh vực phần mềm máy tính. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay với câu hỏi nên thực hiện bảo hộ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (IP) phần mềm như quyền tác giả hay một sáng chế. Quyết định này có thể dẫn đến những cách thức hoàn toàn khác nhau trong việc thương mại hóa và thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gắn với chương trình máy tính. 

Bảo hộ phần mềm dưới danh nghĩa sáng chế

1. Nguyên tắc chung khi đánh giá khả năng bảo hộ chương trình máy tính như là một sáng chế 

Ở cấp độ quốc tế, một chương trình máy tính thường được bảo hộ dưới danh nghĩa quyền tác giả đối với cả mã nguồn và mã máy. Điều 10.1 của Thỏa thuận TRIPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng có quy định nền tảng rằng các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, phải được bảo vệ như các tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971). Tuân thủ theo Thỏa thuận TRIPS, Khoản 1 Điều 22 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng chỉ rõ rằng “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”. 

Đối với vấn đề bảo hộ chương trình máy tính dưới danh nghĩa sáng chế, vấn đề không đơn giản như khi áp dụng với quyền tác giả. Theo khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, pháp luật Việt Nam hiện chưa thừa nhận việc bảo hộ chương trình máy tính thông qua sáng chế. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế có liên quan đến một chương trình máy tính có các đặc tính kỹ thuật và khi được thực thi trên máy tính sẽ mang lại hiệu quả kỹ thuật ngoài các tương tác vật lý thông thường giữa chương trình và máy tính thì đối tượng đó sẽ vấn đề có thể đủ điều kiện để được bảo hộ như là một sáng chế. Cụ thể, việc đánh giá này được nêu tại mục 5.8.2.5 của Quy chế. Ngoài ra, mục 5.8.2.5 của Quy chế còn đưa ra các ví dụ bổ sung về hiệu quả kỹ thuật, chẳng hạn như điều khiển một quy trình công nghiệp, xử lý dữ liệu thể hiện các thực thể vật lý hay thực hiện chức năng bên trong của máy tính hoặc các giao diện của nó dưới tác động của chương trình. Ngày 31/12/2021, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ra Quyết định số 6193/QĐ- SHTT ban hành Phụ lục I về hướng dẫn xác định đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế liên quan đến chương trình máy tính (sau đây gọi tắt là “Phụ lục I”), bổ sung vào Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế được ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 (“Quy chế”).  

2. Xem xét dấu hiệu kỹ thuật của đối tượng ở các giai đoạn thẩm định  

Trong giai đoạn thẩm định hình thức, nếu một đối tượng yêu cầu bảo hộ liên quan đến chương trình máy tính chứa ít nhất một dấu hiệu kỹ thuật, ví dụ dấu hiệu liên đến phần cứng hay xử lý dữ liệu thể hiện các thực thể vật lý thì đối tượng này có thể tạm thời được chấp nhận hình thức. Ở giai đoạn này, điều kiện “kỹ thuật” nêu trên của sáng chế liên quan đến chương trình máy tính khá dễ đáp ứng khi chỉ cần thể hiện đối tượng yêu cầu bảo hộ là “Phương pháp nhằm một mục đích được thực hiện bởi máy tính…”, “Thiết bị xử lý…”, hoặc “Vật ghi đọc được bởi máy tính lưu trữ chương trình để thực hiện phương pháp…”. Tuy nhiên, nếu yêu cầu bảo hộ chứa các đối tượng có tên được thể hiện bằng các cụm từ như “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính”, “tín hiệu mang chương trình”…, thẩm định viên sẽ ra thông báo không chấp nhận các đối tượng như vậy. 

Ở giai đoạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, yêu cầu về tính “kỹ thuật” sẽ được thẩm định viên tiếp tục xem xét một cách kỹ càng hơn. Thẩm định viên sẽ đánh giá mối tương tác giữa chương trình và máy tính có tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác biệt hay không. Trong thực tiễn thẩm định, việc xác định xem các đối tượng như vậy có đặc tính kỹ thuật hay xác định xem có hiệu quả kỹ thuật khác ngoài sự tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính hay không là không dễ dàng. 

3. Một vài gợi ý khi đánh giá đặc tính kỹ thuật trong giai đoạn thẩm định nội dung 

Nếu khi chạy trên máy tính, một chương trình máy tính tạo ra các hiệu quả kỹ thuật khác biệt so với những hiệu ứng vật lý thông thường, thì chương trình đó có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. Những hiệu quả kỹ thuật khác biệt này có thể đã biết từ trước trong lĩnh vực kỹ thuật. 

Ví dụ, một chương trình máy tính để thực hiện phương pháp điều khiển hệ thống chống bó phanh (ABS) trên ô tô, xác định sự phát thải bằng thiết bị tia X, nén viđeo, khôi phục ảnh số bị méo, hoặc mã hóa truyền thông điện tử sẽ mang lại hiệu quả kỹ thuật khác khi chương trình này được chạy trên máy tính, đó là chống bó phanh trên ô tô, xác định sự phát thải, nén video, khôi phục ảnh số bị méo, mã hóa truyền thông. Những chương trình máy tính như trên có thể được xem xét bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. 

Một trường hợp khác, nếu một chương trình máy tính được thiết kế dựa trên các yếu tố kỹ thuật cụ thể về hoạt động của một máy tính mà nó chạy trên đó, như là được điều chỉnh cho kiến trúc riêng của máy tính, thì chương trình máy tính đó có thể được xem là tạo ra những hiệu quả kỹ thuật khác biệt. Ví dụ, một chương trình máy tính thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ tính toàn vẹn khởi động hoặc chống lại các cuộc tấn công phân tích năng lượng có đặc tính kỹ thuật, vì chúng dựa trên tính kỹ thuật về hoạt động bên trong của máy tính. Tương tự, một chương trình máy tính điều khiển thực hiện các chức năng hoặc hoạt động bên trong của máy tính, như cân bằng tải của bộ xử lý hoặc quản lý cấp phát bộ nhớ, có thể được xem là tạo ra những hiệu quả kỹ thuật khác biệt. 

4. Kết luận nhanh   

Thực tế, Việt Nam đang áp dụng mô hình bảo hộ “kép” đối với chương trình máy tính, vừa có thể được bảo hộ quyền tác giả, vừa có thể bảo hộ như sáng chế nếu đáp ứng một số điều kiện. Tuy nhiên, như phần trên đã trình bày, việc đăng ký bảo hộ chương trình máy tính như là sáng chế không phải là điều dễ dàng và thực tế sẽ cần nhiều hơn nữa các hướng dẫn chi tiết và thực tiễn thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ để việc áp dụng được rõ ràng và thống nhất.  

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.