1. Tỷ lệ biểu quyết theo quy định pháp luật
Hiện nay, đối với loại hình công ty cổ phần, Luật Doanh Nghiệp quy định hai tỷ lệ biểu quyết chính để một vấn đề được thông qua là:
(i) từ 65% trở lên tổng số phiếu biểu quyết tán thành của các cổ đông tham dự cuộc họp đối với một số vấn đề quan trọng được quy định cụ thể tại Luật Doanh Nghiệp và được bổ sung tại Điều Lệ nếu có như:
– Biểu quyết về vấn đề loại cổ phần, tổng số cổ phần của từng loại;
– Biểu quyết thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
– Biểu quyết thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
– Biểu quyết về Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
– Tổ chức lại, giải thể công ty;
– Vấn đề khác do Điều Lệ công ty quy định.
(gọi chung là “Vấn Đề Quan Trọng”)
(ii) từ 50% trở lên tổng số phiếu biểu quyết tán thành của các cổ đông tham dự cuộc họp cho các vấn đề còn lại mà không phải Vấn Đề Quan Trọng.
Lưu ý rằng: Hai tỷ lệ biểu quyết để thông qua vấn đề nêu trên có thể được thay đổi thành một tỷ lệ khác lớn hơn được quy định cụ thể tại Điều Lệ và đã ngoại trừ những trường hợp đặc biệt mà cần một tỷ lệ biểu quyết khác do Luật Doanh Nghiệp quy định cụ thể như bầu thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát, thay đổi bất lợi về quyền và nghĩa vụ cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Theo đó, đối với việc bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Luật Doanh Nghiệp không ấn định cụ thể tỷ lệ biểu quyết và cho phép doanh nghiệp tự đánh giá và quyết định tỷ lệ biểu quyết phù hợp cho việc bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị. Cụ thể, Luật Doanh Nghiệp cho phép doanh nghiệp bổ sung thêm các vấn đề được doanh nghiệp đánh giá là thuộc Vấn Đề Quan Trọng cần tỷ lệ biểu quyết 65% trở lên thông qua. Trong trường hợp doanh nghiệp không có quy định khác tại Điều Lệ, việc bãi nhiệm thành viên Hội Đồng Quản Trị sẽ được xem là vấn đề thông thường và chỉ cần tỷ lệ biểu quyết 50% trở lên thông qua.
2. Vấn đề phát sinh
Trên thực tiễn, căn cứ vào sự cho phép của Luật Doanh Nghiệp, một số doanh nghiệp đã quy định “việc sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều Lệ” được xem là Vấn Đề Quan Trọng và cần đáp ứng tỷ lệ biểu quyết 65% trở lên thông qua. Theo đó, điều này đã gây ra một số mâu thuẫn trong cách hiểu khi áp dụng quy định này vào biểu quyết một vấn đề cụ thể mà có làm thay đổi nội dung của Điều Lệ.
Cụ thể có thể lấy trường hợp bãi nhiệm thành viên HĐQT làm ví dụ. Trước tiên, cần lưu ý rằng việc bãi nhiệm thành viên HĐQT thông thường sẽ không dẫn đến sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, một số doanh nghiệp có ghi nhận cả thông tin các thành viên/người giữ chức vụ cấp cao vào Điều Lệ như một sự ghi nhận cho các thành viên/người giữ chức vụ cấp cao đó. Qua đó, do thông tin thành viên HĐQT được ghi nhận vào Điều Lệ, nên việc bãi nhiệm thành viên HĐQT đó có thể được xem là cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều Lệ.
Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn trong cách hiểu khi áp dụng rằng việc bãi nhiệm thành viên HĐQT mà làm thay đổi nội dung của Điều Lệ thì có thuộc trường hợp “sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ” mà cần tỷ lệ biểu quyết 65% trở lên thông qua như Điều Lệ quy định hay không?
3. Thực tiễn giải quyết tại Tòa án đối với vấn đề này
Vào năm 2022, Tòa án nhân dân Cấp cao Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định phúc thẩm số 716/2022/QĐPT-KDTM có liên quan một phần đến vấn đề này. Theo đó, bối cảnh của Bản Án được tóm lược như sau: Ông T vừa là cổ đông (chiếm 48.94% Vốn Điều Lệ) và vừa là thành viên HĐQT của Công Ty TBD. Vào năm 2021, Công Ty TBD tổ chức cuộc họp đại hội đông cổ đông thường niên trong đó, ngoài những vấn đề khác, có bao gồm 02 vấn đề như sau:
(i) Vấn đề 1: Bãi nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông T; và
(ii) Vấn đề 2: Sửa đổi nội dung Điều Lệ do liên quan đến thay đổi tại Vấn đề 1.
Theo quy định của Điều Lệ Công Ty TBD và Luật Doanh Nghiệp, điều kiện để thông qua Vấn đề 1 nêu trên là được ít nhất 51% tổng số biểu quyết của tất cả các cổ đông dự hợp tán thành. Đối với Vấn đề 2, Điều Lệ Công Ty TBD quy định điều kiện để thông qua là được ít nhất 65% tổng số biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tại cuộc họp ĐHĐCĐ. Theo Biên bản họp ĐHĐCĐ, Cuộc họp được tham gia đầy đủ các cổ đông của Công Ty (chiếm 100% Vốn Điều Lệ) và đã biểu quyết Vấn đề 1 và Vấn đề 2 với tỷ lệ biểu quyết tán thành là 51% cho cả hai Vấn đề. Theo đó, Công ty TBD đã ban hành Nghị Quyết ĐHĐCĐ ghi nhận nội dung bãi nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông T (không bao gồm nội dung sửa đổi, bổ sung Điều Lệ).
Không bằng lòng với quyết định này, ông T quyết định khởi kiện Công Ty TBD yêu cầu Hủy bỏ nghị quyết đại hội đồng cổ đông nêu trên. Sau khi xem xét tài liệu và lập luận của các bên, Tòa án nhân dân Cấp cao Tp. Hồ Chí Minh đã giữ nguyên Bản án Sơ thẩm về việc không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ của ông T và khẳng định rằng trình tự thủ tục và nội dung Nghị Quyết ĐHĐCĐ của công ty TBD ban hành là hợp pháp, đúng quy định với Điều Lệ Công Ty và Luật Doanh Nghiệp.
4. Nhận định của Tác Giả
Từ bản án nêu trên, Tác giả hiểu rằng Tòa án đã tách bạch 02 vấn đề là (i) Biểu quyết về bãi nhiệm chức danh thành viên HĐQT (với điều kiện chỉ cần 51% thông qua theo Điều Lệ và Luật Doanh Nghiệp) và (ii) Biểu quyết sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ liên quan đến việc bổ nhiệm (với điều kiện cần 65% thông qua theo Điều Lệ). Theo đó, Tòa án có thể đã xem xét “biểu quyết sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ” cũng được xem là một vấn đề cụ thể như bao vấn đề khác và không được sử dụng để ấn định tỷ lệ biểu quyết cho các vấn đề làm thay đổi nội dung Điều Lệ. Hay nói cách khác, Tòa án đã không cho rằng việc biểu quyết một vấn đề mà phát sinh nhu cầu “sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ” thì phải được điều chỉnh theo tỷ lệ biểu quyết của “sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ” như được quy định trong Điều Lệ.
Hiện nay, vấn đề “sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ” có phải là một vấn đề cần sự biểu quyết hay không vẫn còn là tranh cãi và chưa có câu trả lời rõ ràng từ cơ quan có thẩm quyền. Theo quan điểm cá nhân, Tác giả đồng ý với phán quyết này của Tòa án, bởi lẽ (i) việc bãi nhiệm HĐQT có hiệu lực theo quyết định của ĐHĐCĐ, và (ii) cả Điều Lệ và Luật Doanh Nghiệp đều không yêu cầu ghi nhận vào Điều Lệ mới có hiệu lực. Theo đó, việc sửa đổi/bổ sung nội dung của Điều Lệ không phải là một điều kiện để việc bãi nhiệm thành viên HĐQT có hiệu lực theo quy định pháp luật. Thêm vào đó, do việc bãi nhiệm thành viên HĐQT không nhất thiết phải sửa đổi/bổ sung nội dung của Điều Lệ để có hiệu lực nên có thể xem là không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ.
Mặt khác, Tác giả còn cho rằng việc sửa đổi/bổ sung nội dung Điều Lệ không hẳn là “một vấn đề” cần biểu quyết. Cụ thể, theo quan điểm của Tác giả, Điều Lệ chỉ là một văn bản lập pháp nội bộ của doanh nghiệp (constituent document), với mục đích ghi nhận các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp đã được biểu quyết thông qua bởi các chủ sở hữu doanh nghiệp (trường hợp này là Đại hội đồng cổ đông). Theo đó, việc sửa đổi/bổ sung nội dung Điều Lệ sẽ là một phần kết quả đương nhiên nếu việc biểu quyết của ĐHĐCĐ làm thay đổi một vấn đề được ghi nhận trong nội dung Điều Lệ. Việc đặt tỷ lệ biểu quyết cho “việc sửa đổi/bổ sung nội dung Điều Lệ” có thể là không hợp lý và gây ra mâu thuẫn không cần thiết khi về bản chất, biểu quyết “sửa đổi/bổ sung nội dung Điều Lệ” chính là biểu quyết lặp lại cùng một vấn đề đã được quyết định thông qua bởi ĐHĐCĐ. Vì lẽ đó, việc sửa đổi/bổ sung nội dung Điều Lệ chỉ nên được xem như một “vấn đề hình thức” phát sinh do quyết định của ĐHĐCĐ tương tự như biên bản họp ĐHĐCĐ và không nên được xem là một vấn đề nội dung cần được biểu quyết bởi ĐHĐCĐ để thực hiện.
5. Bài học quan trọng
Mặc dù trong Bản Án nêu trên, Tòa án có thể đã thận trọng khi không giải quyết câu chuyện liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ để đảm bảo đúng thủ tục tố tụng (do ngoài phạm vi khởi kiện của ông T), nhưng từ những lập luận nêu trên, dưới đây sẽ là một số takeaways mà doanh nghiệp có thể lưu ý trước khi thực hiện bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị:
(i) Doanh nghiệp (loại hình công ty cổ phần) không nên quy định việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ là một vấn đề cần biểu quyết và không nên ấn định một tỷ lệ biểu quyết cho vấn đề này.
(ii) Trong trường hợp Doanh nghiệp (loại hình công ty cổ phần) đã ghi nhận việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ là một vấn đề cần biểu quyết trong Điều Lệ với một tỷ lệ biểu quyết thông qua cụ thể, thì tốt nhất là doanh nghiệp nên đạt được tỷ lệ biểu quyết cao nhất đáp ứng cả tỷ lệ biểu quyết cho việc sửa đổi, bổ sung Điều Lệ để tránh mâu thuẫn và rủi ro không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng tỷ lệ biểu quyết thông qua của việc sửa đổi, bổ sung Điều Lệ sẽ không mặc nhiên được áp dụng cho việc biểu quyết các vấn đề khác mà làm thay đổi nội dung Điều Lệ. Theo đó, việc biểu quyết các vấn đề khác làm thay đổi nội dung Điều Lệ vẫn có thể sẽ được biểu quyết thông qua theo tỷ lệ được quy định tại Điều Lệ tùy thuộc vào nội dung vấn đề đó.
(iii) Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, việc quy định tỷ lệ biểu quyết cho việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ có thể gây ra các mâu thuẫn không cần thiết. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động loại bỏ nội dung này ra khỏi Điều Lệ càng sớm càng tốt.
Bonus: Đối với các doanh nghiệp loại hình Công ty TNHH, do Luật Doanh Nghiệp quy định rằng “sửa đổi, bổ sung Điều Lệ” là một vấn đề cần biểu quyết thông qua với tỷ lệ biểu quyết 75% trở lên thông qua, nên khi thực hiện biểu quyết các vấn đề có khả năng phải sửa đổi, bổ sung Điều Lệ, tốt nhất là doanh nghiệp nên cố gắng đáp ứng tỷ lệ biểu quyết 75% trở lên tán thành theo yêu cầu của Luật Doanh Nghiệp để tránh bất kỳ mâu thuẫn nào. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng việc biểu quyết về một vấn đề dẫn đến nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung Điều Lệ có thể không được xem là biểu quyết về việc sửa đổi, bổ sung Điều Lệ và theo đó, cũng không cần đáp ứng tỷ lệ biểu quyết như thể là biểu quyết về việc sửa đổi, bổ sung Điều Lệ để có hiệu lực.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.