Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng cao, theo đó, nhu cầu làm đẹp về răng được nhiều người quan tâm, bởi chỉ cần thay đổi nụ cười thì cũng đủ làm cho bạn tự tin và khuôn mặt trở nên đẹp hơn. Cho nên, các phòng khám nha khoa được thành lập ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu này. Mô hình phòng khám với số vốn đầu tư không quá lớn, ít rủi ro nên thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, người Việt Nam lại có xu hướng lựa chọn các phòng khám nha khoa do người nước ngoài thành lập. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập phòng khám đa khoa ngày càng nhiều hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể thành lập phòng khám nha khoa tại Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, về vốn điều lệ, căn cứ Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO (“Biểu Cam Kết WTO”), “Dịch vụ nha khoa và khám bệnh” (CPC 9312) là dịch vụ được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo vốn đầu tư tối thiểu cho phòng khám nha khoa là 200.000 USD.
Thứ hai, về ngành nghề đăng ký kinh doanh, theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, nhà đầu tư nước ngoài có thể đăng ký mã ngành nghề 8620 – Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa và liệt kê chi tiết là Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt (trừ lưu trú bệnh nhân).
Thứ ba, về cơ sở vật chất, Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng điều kiện về các diện tích tối thiểu mà pháp luật quy định cho từng loại phòng chức năng trong Phòng khám nha khoa theo quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành và có sự phân chia riêng biệt giữa các phòng được quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, theo đó, Phòng khám bệnh, chữa bệnh với diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh; phòng thủ thuật với diện tích ít nhất là 10 m2; phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt có hơn 01 ghế răng thì phải bảo đảm diện tích cho mỗi ghế răng ít nhất là 5 m2…
Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện, thông thường, Các Nhà đầu tư mới sẽ thuê mặt bằng có sẵn để làm Phòng khám nha khoa. Cho nên, nếu Nhà đầu tư nước ngoài dự định thuê mặt bằng có sẵn để đăng ký hoạt động kinh doanh Phòng khám nha khoa thì cần thỏa thuận với chủ nhà và quy định trong Hợp đồng thuê mặt bằng với nội dung Nhà đầu tư có quyền cải tạo diện tích thuê cho phù hợp với yêu cầu về thiết kế và xây dựng của Phòng khám nha khoa.
Mặc khác, một số Nhà đầu tư nước ngoài thường tận dụng mặt bằng thuê để vừa làm địa điểm kinh doanh Phòng khám nha khoa vừa làm nơi ở sinh hoạt cá nhân để giảm thiểu chi phí. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện kể từ ngày 12/11/2018, ngày có hiệu lực của Nghị định 155/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, đã bãi bỏ quy định về việc tách biệt địa điểm kinh doanh Phòng khám nha khoa và nơi sinh hoạt cá nhân.
Thứ tư, về thiết bị y tế, Phòng khám nha khoa phải đảm bảo có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa[1], ngoài ra, kể từ ngày 12/11/2018, ngày có hiệu lực của Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì Chính phủ đã bãi bỏ quy định về việc Phòng khám nha khoa phải có các thiết bị y tế phù hợp với phạm vi chuyên môn sẽ đăng ký xin cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phòng khám nha khoa (“Giấy phép hoạt động”).
Thứ năm, về nhân sự, thì trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là một trong các yếu tố quan trọng để được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy phép hoạt động. Do đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám nha khoa – bác sĩ trực tiếp thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh, phải đáp ứng các điều kiện sau đây[2]:
- Là bác sĩ có văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hành nghề phù hợp và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
Ngoài ra, các bác sĩ khác làm việc trong Phòng khám nha khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
Bác sĩ đã đăng ký hành nghề tại một Phòng khám nha khoa thì không được đăng ký làm bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám nha khoa trên địa bàn tỉnh khác với nơi mình đang hành nghề để bảo đảm tính liên tục, ổn định trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh[3].
Tuy nhiên, bác sĩ đã đăng ký làm bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một Phòng khám nha khoa thì vẫn được đăng ký làm việc ngoài giờ tại Phòng khám nha khoa khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động[4].
Trường hợp, bác sĩ là người nước ngoài làm việc tại Phòng khám nha khoa thì cần phải có giấy phép lao động, hợp đồng lao động ký với Phòng khám nha khoa và giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo. Trường hợp không có giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo thì phải có người phiên dịch để phiên dịch từ ngôn ngữ của bác sĩ đăng ký sử dụng sang tiếng Việt, và người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà bác sĩ nước ngoài đăng ký sử dụng và cũng phải ký hợp đồng lao động với Phòng khám nha khoa, nơi có bác sĩ là người nước ngoài làm việc[5].
- Các tài liệu, chứng chỉ, văn bằng được cấp ở nước ngoài phải được hợp pháp lãnh sự và dịch sang tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên, Nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị các tài liệu về đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, hợp đồng xử lý chất thải y tế và rác thải sinh hoat, xác nhận về điều kiện phòng cháy và chữa cháy tại Phòng khám nha khoa để nộp kèm hồ sơ xin giấy phép hoạt động;
- Văn bằng chuyên môn do nước ngoài cấp cho bác sĩ thường không liệt kê chi tiết những kỹ thuật chuyên môn mà bác sĩ được đào tạo, điều này có thể gây khó khăn trong việc chứng minh rằng bác sĩ đã được đào tạo hoặc có khả năng thực hiện các chuyên môn kỹ thuật đã đăng ký để được phê duyệt cấp phép hoạt động.
[1] Khoản 2 Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP
[2] Khoản 3 Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP
[3] Khoản 7 Điều 11 Thông tư 41/2011/TT-BYT
[4] Khoản 6 Điều 11 Thông tư 41/2011/TT-BYT
[5] Khoản 1 Điều 6 Thông tư 41/2011/TT-BYT