06 vấn đề pháp lý liên quan đến người đại diện theo pháp luật của công ty Việt Nam

Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, mỗi Công Ty tại Việt Nam đều phải có người đại diện theo pháp luật (“ĐDPL”) ngay tại thời điểm thành lập và được ghi nhận trên Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Cá nhân này giữ một hoặc nhiều chức danh quản lý trong Công Ty, đại diện Công Ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của Công Ty, nhân danh Công Ty làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bên thứ ba khác. Do đó, đây là một vị trí quan trọng mà các Công Ty phải đặc biệt quan tâm đến. Một số vấn đề pháp lý liên quan đến ĐDPL của Công Ty như sau: 

1. Công Ty phải có ít nhất một ĐDPL cư trú ở Việt Nam. Pháp luật doanh nghiệp không có định nghĩa hay quy định cụ thể về điều kiện xác định ĐDPL cư trú. Theo cách hiểu phổ biến vào thời điểm hiện tại, ĐDPL cư trú có thể là người Việt Nam hoặc Người Nước Ngoài nhưng phải thường xuyên ở Việt Nam, có địa chỉ cư trú cụ thể tại Việt Nam nhằm thuận tiện việc quản lý và điều hành Công Ty. Trong trường hợp Công Ty có một ĐDPL và người này xuất cảnh ra khỏi Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam (có thể là Người Việt Nam hoặc Người Nước Ngoài) thực hiện các quyền và nghĩa vụ của ĐDPL.

2. Công Ty có thể có một hoặc nhiều ĐDPL, số lượng và chức danh quản lý của ĐDPL được quy định trong Điều Lệ Công Ty. Chức danh quản lý của ĐDPL phải tuân thủ quy định sau: 

  • Đối với Công Ty TNHH một thành viên, Công Ty phải có ít nhất một ĐDPL là người giữ một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Công ty hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc, nếu Điều Lệ Công Ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Công ty là ĐDPL. 
  • Đối với Công Ty TNHH hai thành viên trở lên, Công Ty phải có ít nhất một ĐDPL là người giữ một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc, nếu Điều Lệ Công Ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là ĐDPL. 
  • Đối với Công Ty Cổ Phần, trường hợp Công Ty chỉ có một ĐDPL thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc là ĐDPL, nếu Điều Lệ Công Ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là ĐDPL. Trường hợp Công Ty có hơn một ĐDPL thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc đương nhiên là ĐDPL. 

Ngoài ra, khi đã đáp ứng được các quy định ở trên, những ĐDPL tiếp theo có thể là các chức danh quản lý khác như Phó Giám đốc/Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng …. 

3. Thù lao, thưởng và lợi ích khác của ĐDPL (“Thù Lao”) được trả theo chức danh quản lý của ĐDPL đó theo phương pháp được quy định trong Điều Lệ Công Ty. Thẩm quyền quyết định về thù lao, thưởng và lợi ích khác của chức danh quản lý trong Công Ty (bao gồm trường hợp người quản lý đó kiêm nhiệm ĐDPL hoặc không) như sau:

  • Đối với Công Ty TNHH một thành viên, Thù Lao của thành viên Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty do Chủ sở hữu quyết định, Thù Lao của Giám đốc/Tổng Giám đốc do Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty quyết định. 
  • Đối với Công Ty TNHH hai thành viên trở lên, Hội đồng thành viên quyết định mức Thù Lao của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc chức danh quản lý khác.  
  • Đối với Công Ty Cổ Phần, Hội đồng quản trị quyết định mức Thù Lao của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc chức danh quản lý quan trọng khác do Hội đồng quản trị bầu, bổ nhiệm. 

4. Trường hợp Công Ty có nhiều ĐDPL, quyền và nghĩa vụ của mỗi ĐDPL được quy định cụ thể trong Điều Lệ Công Ty. Nếu Điều Lệ Công Ty không quy định rõ ràng về việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng ĐDPL thì mỗi ĐDPL đều có thẩm quyền đại diện Công Ty trước bên thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, tất cả ĐDPL phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho Công Ty.

5. Trường hợp ĐDPL chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam … mà không thể thực hiện được trách nhiệm của ĐDPL thì Chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm ĐDPL. Trong trường hợp đặc biệt, Công Ty TNHH có 2 thành viên là cá nhân và một thành viên cá nhân là ĐDPL gặp trường hợp trên, thành viên còn lại đương nhiên làm ĐDPL cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về ĐDPL.

6. ĐDPL là Người Nước Ngoài và Người Việt Nam đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu Công Ty đang nợ thuế, chấp hành bản án của Toà, bị kiện trong vụ án kinh doanh thương mại và các trường hợp khác theo quy định của Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú Của Người Nước Ngoài Tại Việt Nam và Luật Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Của Công Dân Việt Nam.

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.