Có sự khác biệt về nghĩa vụ thuế giữa Công Ty Vốn Nước Ngoài và Công Ty Việt Nam hay không?

Công Ty Vốn Nước Ngoài và Công Ty Việt Nam đều là doanh nghiệp được đăng ký thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Do đó, cả Công Ty Vốn Nước Ngoài và Công Ty Việt Nam đều phải thực hiện đầy đủ và chính xác các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, không có sự khác biệt về nghĩa vụ thuế giữa các Công Ty. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hàng năm của Công Ty Vốn Nước Ngoài phải được kiểm toán bởi một đơn vị kiểm toán độc lập được phép hoạt động ở Việt Nam.[1]

[1] Điểm b Khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Điều 15 Nghị định 17/2012/NĐ-CP

Các nghĩa vụ thuế cơ bản mà Công Ty Vốn Nước Ngoài cần thực hiện là gì?

Công Ty Vốn Nước Ngoài có nghĩa vụ thực hiện đối với các loại thuế cơ bản như Lệ phí Môn bài, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Giá trị gia tăng. Ngoài ra, đối với các hoạt động kinh doanh đặc thù, Công Ty Vốn Nước Ngoài có thể phải chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, …

Trong trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài chi trả tiền lương cho Người Lao Động thì có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế Thu nhập cá nhân thay cho Người Lao Động theo tháng, theo quý hoặc theo từng lần phát sinh.

Các loại báo cáo thuế cần phải nộp và thời hạn nộp ?

Các loại báo cáo thuế và thời hạn nộp được thực hiện như sau:

STT Tờ khai                                              Hạn nộp 
Báo Cáo Theo tháng Theo quý  Theo năm
1 Thuế Môn bài[1] 30/01

 

2 Thuế Giá trị gia tăng[2] Ngày 20 tháng tiếp theo.

Áp dụng cho Công Ty có doanh thu năm liền trước trên 50 tỷ đồng.

Ngày 30 hoặc 31 tháng đầu quý sau. Áp dụng cho Công Ty có doanh thu năm liền trước từ 50 tỷ đồng trở xuống và Công Ty mới thành lập.

 

3 Thuế Thu nhập cá nhân[3] Ngày 20 tháng sau. Áp dụng cho Công Ty trả thu nhập phát sinh số thuế TNCN khấu trừ trong tháng từ 50 triệu đồng trở lên. Ngày 30 hoặc 31 tháng đầu quý sau. Áp dụng cho Công Ty không thuộc trường hợp báo cáo theo tháng. Quyết toán thuế chậm nhất vào ngày cuối cùng tháng thứ 4 kể từ lúc kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.

Trường hợp, người lao động ủy quyền cho Công Ty quyết toán thuế TNCN thì hạn chót là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

 

4 Thuế Thu nhập doanh nghiệp Tạm tính và nộp thuế TNDN trong Quý.

 

Quyết toán thuế chậm nhất vào ngày cuối cùng tháng thứ 3 kể từ lúc kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

 

5 Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn[4] Ngày 20 tháng sau.

Áp dụng đối với Công Ty sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, Công Ty thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế.

 

Ngày 30 tháng đầu quý sau.

Áp dụng với Công Ty bán hàng hóa, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn và đối tượng báo cáo theo tháng).

 

6 Báo cáo tài chính[5] Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm

 

[1] Đối với thuế môn bài, thời hạn kê khai nộp thuế môn bài đã được quy định vào ngày 30/1 sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh (khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) thay vì quy định phải thực hiện kê khai chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh (khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP)

[2] Điểm a Khoản 1 Điều 8 và điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP

[3] Điểm a Khoản 1 Điều 8 và điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP

[4] Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC

[5] Điểm a Khoản 2 Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC

Công Ty Vốn Nước Ngoài được hưởng ưu đãi thuế không? Được hưởng những ưu đãi thuế nào?

Nhằm thu hút Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư vào Việt Nam, các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung và ưu đãi thuế nói riêng không ngừng được cập nhật qua từng giai đoạn, tạo thuận lợi cho Nhà Đầu Tư Nước Ngoài với nhiều mảng đầu tư khác nhau. Các loại thuế áp dụng ưu đãi như thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, và một số loại thuế khác. Cụ thể:

Ưu đãi thuế TNDN[1]: Công Ty, bao gồm cả Công Ty Vốn Nước Ngoài và Công Ty Việt Nam, đáp ứng các điều kiện được áp dụng ưu đãi thuế TNDN sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thông thường, có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ:

  • Thuế suất ưu đãi 10%[2]: Áp dụng trong vòng 15 năm tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, đối với các Công Ty thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Công Ty thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm… hoặc áp dụng trong suốt thời gian hoạt động đối với Công Ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường…
  • Miễn thuế TNDN[3]: Miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế 10% trong 15 năm nêu trên.

Tuy nhiên, để Công Ty Vốn Nước Ngoài được hưởng ưu đãi thuế thì phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đăng ký đầu tư, đăng ký thuế, … theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, các Công Ty Vốn Nước Ngoài còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

[1] Điểm a Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020

[2] Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC

[3] Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC

Điều kiện để được áp dụng ưu đãi thuế?

Để được hưởng ưu đãi, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật[1]. Cụ thể là thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc các ngành nghề ưu đãi đầu tư, tại địa bàn ưu đãi đầu tư; Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu;  Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng); Dự án đầu tư sử dụng từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và pháp luật về lao động; Công Ty công nghệ cao, Công Ty khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ;  Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển,…

Ngoài ra, khi đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng thuế ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, căn cứ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, Công Ty Vốn Nước Ngoài xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.[2] Ví dụ:

  • Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Công Ty Vốn Nước Ngoài căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư để hưởng ưu đãi đầu tư. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với Công Ty khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao; đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Đối với dự án mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không thuộc trường hợp nêu trên, Công Ty Vốn Nước Ngoài tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại Cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư.

[1] Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 và Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[2] Điều 17 Luật Đầu tư 2020 và Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

Khi chuyển nhượng vốn/cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài có các nghĩa vụ nộp thuế gì không?

Khi chuyển nhượng vốn/cổ phần, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là tổ chức hoặc cá nhân sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khác nhau:

  • Thuế TNDN:

Đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu đối với thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng vốn/cổ phần trong Công Ty Vốn Nước Ngoài[1], thuế suất áp dụng là 20%, cách tính thuế như sau: [2]

Thuế TNDN phải nộp = (Giá chuyển nhượng Giá mua của phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển) nhượng x Thuế suất 20%

Lưu ý: Nếu hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá chuyển nhượng hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá chuyển nhượng không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng. Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng.

Thời hạn kê khai thuế TNDN[3]: Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay Nhà Đầu Tư Nước Ngoài số thuế TNDN phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì Công Ty Vốn Nước Ngoài thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn, hoặc ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại hợp đồng chuyển nhượng vốn đối với trường hợp không phải chuẩn y việc chuyển nhượng vốn[4].

  • Thuế TNCN:

Đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân, khi thực hiện chuyển nhượng vốn/cổ phần trong Công Ty Vốn Nước Ngoài phải nộp thuế thu nhập cá nhân[5], cụ thể:

(i) Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH:

Nếu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân cư trú thì thuế suất áp dụng là 20%, cách tính thuế như sau[6]:

Thuế TNCN phải nộp = (Giá chuyển nhượng Giá mua của phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển) nhượng x Thuế suất 20%

Nếu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân không cư trú thì cách tính thuế như sau[7]:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng vốn (không trừ bất kỳ khoản chi phí nào) x Thuế suất 0,1%

Lưu ý: Nếu hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá chuyển nhượng hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế[8].

Thời hạn kê khai thuế TNCN[9]: Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế và khai thuế. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

Ngoài ra, Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh Nhà Đầu Tư Nước Ngoài chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho Nhà Đầu Tư Nước Ngoài này.[10]

(ii) Trường hợp chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần/ cổ phiếu theo luật chứng khoán, gọi chung là chuyển nhượng chứng khoán.

Nếu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân cư trú thì thuế suất áp dụng là 0,1%, cách tính thuế như sau:[11]

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%

Nếu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân không cư trú thì cách tính thuế như sau[12]:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng vốn (không trừ bất kỳ khoản chi phí nào) x Thuế suất 0,1%

Thời hạn kê khai thuế TNCN[13]: Nhà Đầu Tư Nước Ngoài chuyển nhượng chứng khoán khai thuế theo từng lần phát sinh. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực. Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán mà không có chứng từ chứng minh Nhà Đầu Tư Nước Ngoài chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho Nhà Đầu Tư Nước Ngoài này.[14]

[1] Khoản 2 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC

[2] Khoản 1 Điều 3, Khoản 1 Điều 11 và Điểm a Khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC

[3] Khoản 2, điểm b khoản 7 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC, điểm c Khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC

[4] Điểm b khoản 7 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC

[5] Điều 1, Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC

[6] Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

[7] Điều 20 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

[8] Điểm a.1) Khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[9] Khoản 4 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[10] Điểm c Khoản 4 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[11] Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[12] Điều 20 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

[13] Khoản 5 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Khoản 6 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[14] Điểm d Khoản 5 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC và điểm a.4) Khoản 6 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC

Nghĩa vụ của Công Ty Vốn Nước Ngoài khi chuyển nhượng bất động sản

Khi có phát sinh chuyển nhượng bất động sản, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải thực hiện kê khai và nộp thuế TNDN theo từng lần phát sinh (trường hợp Công Ty không có chức năng kinh doanh bất động sản)[1]. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười), kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế[2]. Thuế TNDN được tính như sau[3]:  

Thuế TNDN phải nộp = (Doanh thu thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản Giá vốn của bất động sản Chi phí chuyển nhượng Các khoản lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm trước (nếu có)) x Thuế suất 20%

Lưu ý: Trường hợp giá chuyển quyền sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng, mua bán bất động sản thấp hơn giá đất tại bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT[4]. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả nhà và quyền sử dụng đất thì giá đất sẽ được trừ khi tính thuế GTGT[5], thuế suất thuế GTGT đối với phần còn lại khi tính thuế GTGT là 10% đối với hàng hóa, dịch vụ thông thường không thuộc dạng không chịu thuế, 0%, 5%[6]. Thuế GTGT được tính như sau:

Thuế GTGT phải nộp = (Giá chuyển nhượng bất động sản Giá đất được trừ) x Thuế suất

[1] Khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC

[2] Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

[3] Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Thông tư 78/2014/TT-BTC

[4] Khoản 6 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[5] Điều 6 và Khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[6] Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC

Khi chuyển nhượng Bất động sản, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân có các nghĩa vụ nộp thuế gì không?

Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân có các nghĩa vụ nộp thuế TNCN khi có thu nhập từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản, trừ trường hợp thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN được quy định tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC[1].

  • Trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân cư trú. thuế TNCN được tính như sau:[2]
Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng bất động sản từng lần x Thuế suất 2%

Lưu ý: Trường hợp chuyển nhượng bất sản là đồng sở hữu thì nghĩa vụ thuế được xác định riêng cho từng người nộp thuế theo tỷ lệ sở hữu bất động sản. Căn cứ xác định tỷ lệ sở hữu là tài liệu hợp pháp như: thoả thuận góp vốn ban đầu, di chúc hoặc quyết định phân chia của toà án,… Trường hợp không có tài liệu hợp pháp thì nghĩa vụ thuế của từng người nộp thuế được xác định theo tỷ lệ bình quân.[3]

  • Trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là cá nhân không cư trú. thuế TNCN được tính như sau:[4]
Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng bất động sản (không trừ bất kỳ khoản chi phí nào) x Thuế suất 2%

Thời hạn kê khai thuế TNCN:[5]

  • Nếu hợp đồng chuyển nhượng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
  • Nếu hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản. Trường hợp cá nhân nhận chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng tương lai là thời điểm cá nhân nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan thuế. 

[1] Điều 1 và Khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[2] Điều 12 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[3] Điểm b Khoản 4 Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[4] Điều 21 Thông tư số 111/2013/TT-BTC

[5] Khoản 5 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC