Quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (phần 2)

Phần 2: PHƯƠNG THỨC QUẢN TRỊ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP?

Tiếp theo nội dung về nhận diện tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, trong phần thứ hai của loạt bài viết về “Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”, Apolat Legal sẽ đưa ra một số phương thức nên và phải được sử dụng để quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, cả trên phương diện theo quy định của pháp luật và trên thực tiễn hoạt động của một doanh nghiệp, để quý doanh nghiệp có thể tham khảo và vận dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp mình.

Xem thêm: Quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (phần 1).

Như đã đề cập tại phần một, trong thời buổi kinh tế hiện nay, các tài sản trí tuệ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu giá trị của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận diện được tài sản trí tuệ chỉ là bước đầu tiên của quá trình quả trị một tài sản trí tuệ, có được một tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp mà không quản trị được nó thì cũng giống như để tài sản trong căn nhà không có khóa cửa, ai cũng có thể lấy, sử dụng cho mục đích riêng của họ, gây ra những tổn thất cho doanh nghiệp/chủ sở hữu tài sản, đồng thời cũng làm giảm giá trị của tài sản trí tuệ, giảm hấp dẫn đầu tư.

Quá trình hình thành của một tài sản trí tuệ, như đã phân tích, thường trải qua các giai đoạn: Tri thức tiềm ẩn của các cá nhân à được định hình thành sản phẩm trí tuệ hữu hình (tài liệu, máy móc, quy trình, các sản phẩm…) à đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ trở thành tài sản trí tuệ. Việc quản trị tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp tức là một quá trình xác định, phân loại các sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp, từ đó áp dụng các biện pháp quản lý/ bảo hộ phù hợp để đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm đó trước khi đưa ra thị trường. Tùy thuộc vào tính chất của sản phẩm trí tuệ, đặc biệt là giá trị của các sản phẩm trí tuệ đó trong hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có thể xem xét áp dụng các biện pháp quản trị sau:

1. Áp dụng các biện pháp quản trị nội bộ

Nguồn sản phẩm trí tuệ của một doanh nghiệp đa phần đều đến từ những cá nhân làm việc tại doanh nghiệp đó, nếu bản thân doanh nghiệp không có những quy định nội bộ rõ ràng về việc chuyển giao quyền sở hữu đối với các sản phẩm trí tuệ, sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu nếu người lao động tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trong quá trình làm việc mà không xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp.

Các biện pháp quản trị nội bộ của một doanh nghiệp gồm:

  • Ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ với người lao động, đối tác;
  • Lưu tâm đến điều khoản bảo mật, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong các hợp đồng liên quan đến các sản phẩm trí tuệ;
  • Ban hành quy chế công nhận sáng kiến, bảo mật thông tin, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nội bộ của doanh nghiệp.

2. Đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu trí tuệ, theo quy định của pháp luật là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Trong các loại quyền sở hữu trí tuệ nêu trên:

  • Quyền tác giả, và quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh là các quyền phát sinh tự động trên cơ sở đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Cụ thể: Quyền tác gỉa phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

  • Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu và quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Do đó, đối với các đối tượng nêu trên, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng được các điều kiện luật định, thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát sinh quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.

Bên cạnh việc áp dụng các phương thức quản trị tài sản trí tuệ nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đến việc thiết lập một hệ thống quản trị tài sản trí tuệ có đủ các giai đọan chủ yếu như sau:

  1. Phân loại sản phẩm trí tuệ;
  2. Xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ.
  3. Khai thác
  4. Xử lý xâm phạm

Tùy thuộc vào tầm quan trọng của các sản phẩm trí tuệ, đặc biệt là ảnh hưởng của các sản phẩm trí tuệ đó trong hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có thể xem xét ưu tiên áp dụng các biện pháp xác lập quyền trước (đăng ký với cơ quan nhà nước, ký các thỏa thuận bảo mật, chuyển giao quyền), để làm cơ sở cho việc khai thác sau này.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.