Năm 2019, pháp luật về Sở hữu trí tuệ tại Myanmar được đánh dấu một mốc quan trọng khi bốn luật mới về sở hữu trí tuệ được ban hành, cụ thể là: Luật Nhãn hiệu, Luật Kiểu dáng công nghiệp, Luật Bằng sáng chế và Luật Bản quyền (gọi chung là “Luật SHTT”). Theo đó, ngày 12/01/2023, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Myanmar (Department of Intellectual Property of Myanmar – IPDM) thuộc Bộ Thương mại (Ministry of Commerce – MOC) đã phát hành thông báo Luật Nhãn hiệu mới (2019) dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 03/2023. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ cung cấp một số thông tin về hồ sơ, thủ tục và một số lưu ý khi thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar.
1. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar
Hiện nay, Myanmar chưa phải là thành viên của Nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar chỉ có thể được thực hiện thông qua nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo hình thức đăng ký quốc gia trực tiếp tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Myanmar thuộc Bộ Thương mại.
Tuy nhiên, Myanmar đang trải qua quá trình “chuyển đổi” lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ khi chính thức chuyển từ cơ chế bảo hộ “first-to-use”, tức bảo hộ ưu tiên cho nhãn hiệu được đưa vào sử dụng thực tế trước, bằng cơ chế bảo hộ mới là “first-to-file”, tức tương tự ở Việt Nam và phần lớn các quốc gia trên thế giới, là bảo hộ ưu tiên cho nhãn hiệu đăng ký trước. Việc “chuyển đổi” này sẽ đồng thời bắt buộc các chủ sở hữu nhãn hiệu được bảo hộ theo cơ chế cũ phải đi “đăng ký lại” nhãn hiệu của mình tại Văn phòng sở hữu trí tuệ của Myanmar trong một thời hạn ưu tiên nhất định (Soft-Opening). Kết thúc thời hạn này, nhãn hiệu đã sử dụng nhưng chưa đăng ký thì không được xem là nhãn hiệu hợp lệ và chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ không được nhà nước bảo hộ các quyền đối với nhãn hiệu chưa đăng ký đó.
2. Điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar:
Cũng tương tự với quy định pháp luật tại Việt Nam, các dấu hiệu như hình ảnh, tên gọi, chữ ký, chữ cái, từ ngữ, số, thương hiệu, nhãn hiệu, màu sắc sẽ được chấp nhận đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu theo quy định pháp luật của Myanmar. Nhãn hiệu tại Myanmar được phân loại thành: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu chứng nhận.
Để được bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar, nhãn hiệu cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Nhãn hiệu không được rơi vào các căn cứ từ chối tuyệt đối (absolute grounds), bao gồm:
(i) Nhãn hiệu là tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ hay dấu hiệu dùng chung của hàng hóa/dịch vụ (generic term);
(ii) Nhãn hiệu trái với pháp luật hiện hành của Myanmar;
(iii) Nhãn hiệu trái với trật tự công cộng, đạo đức, đức tin, tín ngưỡng hoặc văn hóa của Myanmar;
(iv) Nhãn hiệu là biểu tượng quốc kỳ, biểu tượng của nhà nước Myanmar, biểu tượng của tổ chức chính phủ, liên chính phủ, tổ chức chính phủ nước ngoài hoặc quốc tế; cơ, biểu tượng của Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ; hoặc các biểu tượng khác được bảo hộ theo các điều ước quốc tế mà Myanmar là thành viên.
- Nhãn hiệu không được rơi vào các căn cứ từ chối tương đối (relative ground), bao gồm:
(i) Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt hoặc mang tính chất mô tả hàng/hóa dịch vụ dự định đăng ký (bao gồm mô tả chủng loại, chất lượng, tính chất, số lượng, giá trị, nguồn gốc địa lý,….);
(ii) Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được sử dụng/nộp đơn sớm hơn/đăng ký trước đây hoặc nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận tại Myanmar;
(iii) Nhãn hiệu có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng;
(iv) Nhãn hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập trước;
(v) Thông tin trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu là không trung thực;
Nếu nhãn hiệu không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ bị từ chối một phần (relative grounds) hoặc từ chối tuyệt đối (absolute grounds) bảo hộ tại Myanmar.
Tương tự với hầu hết các quy trình đăng ký nhãn hiệu trên thế giới, bạn phải đăng ký thông qua một đại diện sở hữu trí tuệ tại quốc gia đó (ở trường hợp này là đại diện sở hữu trí tuệ được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Myanmar).
3. Tra cứu nhãn hiệu:
Bởi vì một trong các cơ sở đề từ chối bảo hộ nhãn hiệu có bao gồm việc nhãn hiệu đó được xem là trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bên khác, nên việc tra cứu nhãn hiệu là vô cùng quan trọng khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar.
Lưu ý rằng: Như đã đề cập, Myanmar cho đến ngày Luật Nhãn hiệu có hiệu lực chính thức thì Myanmar vẫn áp dụng cơ chế bảo hộ “first-to-use” để bảo hộ nhãn hiệu trong nước. Vì lẽ đó, cơ sở dữ liệu nhãn hiệu tại Myanmar đến nay vẫn còn rất hạn chế do các chủ sở hữu nhãn hiệu không bắt buộc phải đăng tải/công bố (Declarations of Ownership) theo cơ chế bảo hộ “first-to-use”. Tuy nhiên, việc tra cứu nhãn hiệu tại Myanmar được kỳ vọng là dễ dàng hơn khi Luật nhãn hiệu mới 2019 có hiệu lực và toàn bộ nhãn hiệu được bảo hộ theo cơ chế cũ đều đã được đăng ký/công bố theo quy định của Luật nhãn hiệu mới.
Vì những lý do trên, chúng tôi khuyến nghị bạn nên sử dụng dịch vụ tra cứu và đăng ký nhãn hiệu của một đại diện sở hữu trí tuệ có kinh nghiệm và uy tín tại Myanmar để kết quả tra cứu được chuẩn xác nhất.
Hiện nay, Apolat Legal tự hào là một trong những đơn vị tại Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar thông qua mạng lưới đối tác (các đại diện sở hữu trí tuệ) và các luật sư/công ty luật về sở hữu trí tuệ uy tín và có kinh nghiệm lâu đời tại Myanmar.
4. Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar
Hiện nay, tại Myanmar, việc đăng ký nhãn hiệu được chia làm 02 giai đoạn chính là:
- Soft-Opening: Tại giai đoạn này, chỉ có các nhãn hiệu đã được sử dụng thực tế tại Myanmar hoặc đã đăng ký với Văn phòng Đăng ký chứng thư tại Myanmar (Registration of Deeds – ORD) mới có thể tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Giai đoạn này được bắt đầu từ tháng 10/2020 theo Quyết định số 63/2020 của Bộ Thương mại (MOC) ban hành ngày 28/08/2020. Nhãn hiệu nào chưa đáp ứng được điều kiện trên sẽ phải đợi cho đến khi Văn phòng Sở hữu trí tuệ Myanmar (IDPM) thông báo kết thúc giai đoạn Soft-Opening và thực hiện giai đoạn “Grand-Opening”.
- Grand-Opening: Các chủ sở hữu nhãn hiệu không đủ điều kiện đăng ký trong giai đoạn Soft-Opening sẽ có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của họ theo cơ chế pháp lý mới (first-to-file). Theo thông tin được cập nhật gần đây, Ủy ban Trung ương về Quyền sở hữu trí tuệ (CCIPR), được thành lập bởi chính phủ liên bang Myanmar, đã thông báo rằng giai đoạn Grand Opening sẽ được diễn ra kể từ ngày 26/04/2023 tới đây.
Tùy vào từng giai đoạn sẽ có những thủ tục, hồ sơ, trình tự khác nhau để đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar. Nhưng nhìn chung, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ cần thực hiện và trải qua các trình tự, thủ tục sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh (Người nộp đơn chỉ phải nộp bản dịch tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh khi có yêu cầu từ cơ quan đăng ký);
- Tên, địa chỉ, số hộ chiếu hoặc CMND của người nộp đơn. Nếu người nộp đơn là tổ chức được thành lập hợp pháp, thông tin về số đăng ký của tổ chức, loại hình tổ chức và quốc gia nơi đặt trụ sở chính;
- Mẫu nhãn hiệu, yêu cầu về màu sắc nhãn hiệu;
- Danh sách hàng hóa/ dịch vụ cần đăng ký;
- Tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có);
- Bằng chứng về việc nhãn hiệu chưa đăng ký nhưng đã được sử dụng tại Myanmar (có nêu rõ về việc sử dụng và ngày sử dụng đầu tiên) hoặc nếu nhãn hiệu hiện đã được đăng ký Tuyên bố quyền sở hữu (Declarations of Trademark), người nộp đơn cần nộp kèm bản gốc Tuyên bố quyền sở hữu đã được đăng ký – áp dụng bắt buộc trong giai đoạn Soft-Opening, không bắt buộc trong giai đoạn Grand-Opening;
- Bản tuyên thệ về quyền sở hữu đối với nhãn hiệu (theo mẫu): Chữ ký và con dấu (nếu có) của chủ sở hữu, được công chứng tại cơ quan công chứng và sau đó được hợp pháp hóa lãnh sự tại Cục Lãnh sự Việt Nam và Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam;
- Giấy ủy quyền cho luật sư/đại diện sở hữu trí tuệ tại Myanmar. Theo Luật nhãn hiệu mới, Giấy ủy quyền này cần được công chứng và chứng thực bởi Đại sứ quán Myanmar;
- Các tài liệu khác có thể được yêu cầu cung cấp bởi Cơ quan đăng ký tùy thời điểm và tùy từng trường hợp.
Bước 2. Thẩm định nhãn hiệu (Formality + Absolute Ground)
Sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ, cơ quan sở hữu trí tuệ Myanmar sẽ tiến hành thẩm định nhãn hiệu gồm:
- Thẩm định hình thức – Formality examination: để xem xét về chữ ký, ngôn ngữ, thông tin về chủ sở hữu và/hoặc đại diện, quyền ưu tiên và tất cả các chi tiết có trong đơn đăng ký nhãn hiệu); và
- Thẩm định nội dung đơn về căn cứ từ chối tuyệt đối – Substantive Examination on Absolute grounds: IDPM đánh giá và thẩm định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu và tính mô tả của nhãn hiệu (non-descriptive) đối với hàng hóa, dịch vụ đăng ký và các điều kiện khác của nhãn hiệu.
Việc thẩm định nội dung sẽ không bao gồm thẩm định về việc nhãn hiệu có trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không (relative grounds for refusal).
Bước 3. Công bố đơn (Publication for Opposition)
Sau khi trải qua qua trình thẩm định, Văn phòng sở hữu trí tuệ Myanmar thực hiện công bố đơn trong vòng 60 ngày. Theo đó, các bên liên quan có thể phản đối đơn đăng ký trong thời gian này.
Nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể gửi đơn phản đối bằng văn bản quy định trong thời hạn 60 ngày nói trên, kể từ ngày nhãn hiệu bị phản đối được công bố. Nếu không có đơn phản đối nào được đệ trình trong thời gian này, nhãn hiệu sẽ được chấp nhận bảo hộ nếu cơ quan sở hữu trí tuệ của Myanmar yêu cầu phải trả phí đăng ký.
Ngược lại, trong vòng 60 ngày nói trên mà có phản đối từ bên thứ ba, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Myanmar IPDM sẽ thực hiện thẩm định nội dung về cả căn cứ từ chối tuyệt đối và căn cứ từ chối tương đối (Absolute + Relative Ground) đối với nhãn hiệu đăng ký và nhãn hiệu của bên phản đối.
Bước 4. Cấp văn bằng bảo hộ (Publication for Registration and issue Certificate)
Trong trường hợp không có đơn phản đối nào được đưa ra trong khoảng thời gian công bố hoặc đơn phản đối không được chấp nhận, nhãn hiệu của bạn sẽ đương nhiên được đăng ký. Theo đó, bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
5. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu và gia hạn
Theo Luật nhãn hiệu mới, Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar sẽ có hiệu lực trong 10 năm và được gia hạn vô thời hạn với từng lần 10 năm tiếp theo. Việc gia hạn có thể được thực hiện từ 06 tháng trước thời điểm hết hạn và sau 06 tháng kể từ thời điểm hết hạn (giai đoạn ân hạn).
6. Một số lưu ý quan trọng khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar
Dưới đây là một số lưu ý khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar:
- Trong trường hợp bạn đã có đầu tư, kinh doanh tại Myanmar nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu của mình, chúng tôi khuyến nghị bạn thu thập các bằng chứng sử dụng nhãn hiệu tại thị trường Myanmar và đăng ký nhãn hiệu để được hưởng quyền ưu tiên đăng ký theo Luật Nhãn hiệu mới sớm nhất có thể.
- Vì không còn bảo hộ theo cơ chế First-to-use, nên nhãn hiệu chưa đăng ký của bạn có thể bị xem là xâm phạm nhãn hiệu đã đăng ký của bên khác ngay cả khi bạn sử dụng nhãn hiệu trước, trừ khi nhãn hiệu của bạn là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc pháp luật Myanmar có quy định khác. Mặt khác, Luật Nhãn hiệu mới của Myanmar cũng đặt ra trách nhiệm dân sự và hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bạn nên đăng ký nhãn hiệu của mình trước khi sử dụng chính thức tại Myanmar.
- Trong trường hợp bạn đã đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar, chúng tôi khuyến nghị bạn nên bắt đầu sử dụng nhãn hiệu trong thời hạn 03 năm kể từ ngày đăng ký nhãn hiệu. Nếu không, bất kỳ bên thứ ba nào có quyền và lợi ích liên quan đều có thể gửi đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu cho IPDM. Theo đó, IPDM sẽ quyết định chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của bạn do nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn 03 năm liên tục kể từ ngày đăng ký mà chủ sở hữu nhãn hiệu không cung cấp được lý do chính đáng cho việc không sử dụng này.
- Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Myanmar chỉ có thể được thực hiện thông qua nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo hình thức đăng ký quốc gia trực tiếp tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Myanmar thuộc Bộ Thương mại của Myanmar do Myanmar chưa phải là thành viên của Hệ thống Madrid (bao gồm Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid). Việc nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tiếp phải được thực hiện thông qua luật sư hoặc đại diện sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Myanmar.
- Vì không còn bảo hộ theo cơ chế First-to-use, nên nhãn hiệu của bạn có thể bị xem là xâm phạm nhãn hiệu đã đăng ký của bên khác ngay cả khi bạn sử dụng nhãn hiệu trước, trừ khi nhãn hiệu của bạn là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc pháp luật Myanmar có quy định khác. Mặt khác, Luật Nhãn hiệu mới của Myanmar cũng đặt ra trách nhiệm dân sự và hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bạn nên đăng ký nhãn hiệu của mình trước khi sử dụng chính thức tại Myanmar.
Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến việc Đăng ký Nhãn hiệu và quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Myanmar. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu tư vấn về Sở hữu Trí tuệ, Quý đọc giả vui lòng liên hệ Apolat Legal thông qua địa chỉ info@apolatlegal.com để được tư vấn chi tiết.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.