Vì sao không nên tham gia các sàn giao dịch vàng, forex tại Việt Nam?

Trong những năm qua, trên các phương tiện truyền thông xã hội không thiếu sự xuất hiện của các quảng cáo mời tham gia các sàn giao dịch “quốc tế” để giao dịch vàng, ngoại hối (forex). Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nhận được các cuộc gọi từ những nhân viên của những sàn đó với hứa hẹn là sẽ được giao dịch trong môi trường toàn cầu, minh bạch, có tiềm năng sinh lời cao và sẽ được hỗ trợ tận tình để được sự đầu tư tốt nhất.

Từ những lời mật ngọt trên cùng với những viễn tưởng tương lai giàu sang, rất nhiều người đã đổ hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vào đầu tư vào các sàn trên chỉ để mất trắng toàn bộ số tiền này. Trên thực tế, các sàn này hoạt động phi pháp, hút sạch tiền của các nhà đầu tư bằng các thủ đoạn tinh vi như đặt lệnh khống, chặn quyền truy cập tài khoản, v.v. Trong bài viết này, Apolat Legal sẽ cung cấp kiến thức pháp lý cần thiết cho người đọc hiểu rằng vì sao không nên tham gia các sàn giao dịch vàng, forex tại Việt Nam.

1. Việc kinh doanh vàng, ngoại hối không được cấp phép là trái với quy định pháp luật

1.1. Pháp luật về kinh doanh vàng trên tài khoản (gold trading)

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo luật, thì tất cả mọi hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm việc kinh doanh vàng trên tài khoản, chỉ đúng luật khi Nhà nước cấp phép

Hiện nay, không có một sàn giao dịch nào được nhà nước cấp phép kinh doanh vàng bằng tài khoản. Ngoài ra, vào ngày 30/12/2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/TB-VPCP nghiêm cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước. Do, đó, nếu như có một sàn quảng cáo rằng đã được cấp phép đầy đủ để tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn đó chắc chắn là không đáng tin cậy.

1.2. Pháp luật về kinh doanh ngoại hối

Theo quy định của pháp luật về ngoại hối, chỉ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.

Trong các tổ chức được phép kinh doanh ngoại hối thì không bao gồm các sàn forex. Do vậy, các sàn giao dịch forex đang được quảng bá rầm rộ hiện nay hoạt động trái pháp luật.

2. Những người tham gia sẽ gánh chịu hậu quả của pháp luật

Những người tham gia các sàn vàng, forex thường được gọi là traders. Các traders sẽ không được pháp luật bảo vệ khi bị các sàn này làm mất tiền, mà còn phải chịu phạt theo pháp luật. Mặc dù theo pháp luật hiện hành, hành vi tham gia sàn vàng chưa có quy định xử phạt cụ thể, đối với hành vi giao dịch forex thì sẽ có những mức phạt như sau:

2.1. Phạt cảnh cáo

– Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

– Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

2.2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

– Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

– Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

– Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

– Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

2.3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

– Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

– Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

2.4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng 

– Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

– Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

3. “Quốc tế” không có nghĩa là tốt

Trên thực tế, khi dụ dỗ người dân tham gia, các sàn giao dịch vàng, forex (thông thường tự tuyên bố là sàn đến từ các nước như Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Virgin thuộc Anh Quốc, vv) sẽ xuất trình cho xem giấy chứng nhận thành lập tổ chức, doanh nghiệp có tên của những sàn này để minh chứng là được thành lập và hoạt động hợp pháp tại những vùng lãnh thổ đó. Cho rằng các sàn này hoạt động hợp pháp, nhiều traders đã được “an ủi”. Tuy nhiên, các traders cũng đừng nên vội đổ tiền vào các sàn này vì những lí do sau:

Thứ nhất, giấy chứng nhận đó có thể không có giá trị gì. Khi các traders được xuất trình giấy chứng nhận đó, liệu họ có thể biết cách kiểm chứng rằng giấy chứng nhận đó là thật, và rằng các sàn giao dịch này thực sự là một tổ chức thành lập hợp pháp tại nước ngoài. Ngoài ra, mặc dù được thành lập hợp pháp, không có nghĩa là những sàn này được cấp phép hoạt động sàn giao dịch vàng, forex. Ví dụ như tại Saint Vincent và Grenadines, sau khi nhận được nhiều lời phản ánh từ các traders nước ngoài, đã phải ra cảnh báo rằng nước này không cấp giấy phép hoạt động giao dịch vàng, forex; các doanh nghiệp của nước này không bị cấm hoạt động sàn giao dịch và có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi lừa gạt, dối trá liên quan đến những hoạt động này; và các traders sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, cứ giả sử rằng sàn giao dịch đó được thành lập hợp pháp và được cấp phép hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, forex tại nước ngoài, điều này không có nghĩa là các trader sẽ được bảo vệ. Như đã đề cập bên trên, pháp luật Việt Nam sẽ không bảo vệ các trader, do đó quyền lợi của họ hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật nước ngoài. Luật pháp nước đó có thể sẽ không truy cứu các sàn giao dịch đối với hành vị lừa gạt người nước ngoài, giả sử như có, thì các chi phí để bảo vệ quyền lợi nhiều khi sẽ rất đắt đỏ dẫn đến việc trader Việt Nam từ bỏ việc đưa các sàn này ra công lý. Kết quả cuối cùng là các trader mất tiền đầu tư cũng như không thể bảo vệ được quyền lợi chính đánh của mình.

Từ những lý do trên, Apolat Legal mong rằng mọi người sẽ không tham gia các sàn giao dịch vàng, forex tại Việt Nam.


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.