Vấn đề thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp sở hữu trí tuệ

Thời hiệu khởi kiện là một vấn đề rất quan trọng, nhưng lại dễ bị “lãng quên” khi giải quyết tranh chấp hầu hết các loại tranh chấp, bất kể là khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài. Vấn đề thời hiệu trong tranh chấp sở hữu trí tuệ cũng không ngoại lệ.

Tài sản sở hữu trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt – một loại tài sản vô hình nhưng có giá trị thương mại cao, và có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với bản chất là tài sản vô hình, các tài sản sở hữu trí tuệ lại rất dễ bị xâm phạm do hành vi sử dụng trái phép. Trên thực tế, khi theo đuổi các biện pháp xử lý liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, một số tổ chức, cá nhân vẫn chưa có được nhận thức phù hợp về vấn đề thời hiệu khởi kiện, từ đó bị mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu. Bài viết này sẽ phân tích về vấn đề thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp sở hữu trí tuệ và quan điểm của người viết về việc áp dụng thời hiệu trong tranh chấp sở hữu trí tuệ.

1. Một số quy định chung về thời hiệu khởi kiện 

1.1 Thời hiệu khởi kiện là gì?

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định riêng về thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, do đó các quy định áp dụng về thời hiệu, thời điểm xác tính thời hiệu khởi kiện sẽ được áp dụng theo quy định của luật chung là Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự.

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Từ các quy định nêu trên, thời hiệu khởi kiện nói riêng và thời hiệu nói chung là (i) một khoảng thời gian được xác định và do luật quy định; (ii) các chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc phải tuân thủ, tức không thể thỏa thuận điều chỉnh kéo dài hoặc rút ngắn thời hiệu. Xuất phát từ bản chất này, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có tài sản sở hữu trí tuệ đang bị xâm phạm phải chủ động yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong thời gian do pháp luật quy định. Nếu hết thời hiệu khởi kiện, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định. 

Phụ thuộc vào từng tranh chấp cụ thể và việc xác định bản chất của tranh chấp mà việc áp dụng thời hiệu sẽ có sự khác nhau. Điển hình như, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng liên quan đến sở hữu trí tuệ và yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong khi, Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

1.2 Có trường hợp ngoại lệ nào cho phép không áp dụng thời hiệu không? 

Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, có một số trường hợp được cân nhắc là ngoại lệ bởi khi xảy ra một trong số các trường hợp này thì sẽ không áp dụng thời hiệu:

  1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  4. Trường hợp khác do luật quy định.

Ngoài ra, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật dẫn đến chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện nhưng không thể khởi kiện thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện.

1.3 Hậu quả pháp lý khi hết thời hiệu khởi kiện

Trường hợp chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khởi kiện khi hết thời hiệu, và bên còn lại yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án, Tòa án sẽ phải đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 217 BLTTDS. Trừ trường hợp tranh chấp thuộc trường hợp (i) không áp dụng thời hiệu khởi kiện hoặc (ii) chứng minh được thời gian không thực hiện quyền khởi kiện là trở ngại khách quan thì thời gian diễn ra trở ngại khách quan sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Khi đó thời hiệu khởi kiện sẽ được kéo dài.

2. Áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ liệu có đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hay không?

Theo quan điểm của người viết, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ không thật sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Đầu tiên, như đã đề cập tại phần mở đầu của bài viết, tài sản sở hữu trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt bởi tính chất vô hình của chính loại tài sản này. Chủ sở hữu, về lý thuyết, họ không thể tự cầm giữ được tài sản sở hữu trí tuệ. Người sáng tạo tài sản sở hữu trí tuệ được công nhận là chủ sở hữu khi họ đầu tư tiền bạc, công sức, sự sáng tạo của họ để tạo nên tài sản sở hữu trí tuệ, đó có thể là tác phẩm, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, đồng thời phải đáp ứng được điều kiện đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng pháp luật có quy định bắt buộc. Thêm vào đó, việc nói tài sản sở hữu trí tuệ rất dễ bị xâm phạm là vì một tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm – họ không nhất thiết phải nắm giữ chính tài sản đó, tức không có hành vi chuyển giao tài sản từ chủ sở hữu sang người thực hiện hành vi xâm phạm. Hành vi xâm phạm có thể được thực hiện đồng thời khi chủ sở hữu vẫn đang sử dụng và đang trong thời gian được bảo hộ độc quyền. Thứ hai, trừ bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng thì các loại tài sản đa số đều được bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đó là chủ sở hữu được độc quyền sử dụng tài sản đã được bảo hộ trong phạm vi và thời hạn bảo hộ. 

Từ hai cơ sở nêu trên, nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ biết có hành vi vi phạm nhưng không thực hiện quyền khởi kiện và dẫn đến hết thời hiệu khởi kiện thì chủ sở hữu không được yêu cầu Tòa án hoặc trọng tài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mặc dù tài sản sở hữu trí tuệ đó vẫn đang trong thời hạn được bảo hộ. Việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tài sản sở hữu trí tuệ vẫn đang trong thời hạn được bảo hộ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ là điều chưa thật sự thuyết phục. Trên thực tế, đã có một vụ án mà Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm đã vì áp dụng quy định về hết thời hiệu khởi kiện dẫn đến vụ án bị đình chỉ giải quyết. Theo đó, nguyên đơn là chủ sở hữu của bằng độc quyền giải pháp hữu ích, được cấp bằng bảo hộ độc quyền vào ngày 20/12/2002 và có hiệu lực đến 20/08/2011. Tại thời điểm nguyên đơn phát hiện có hành vi xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ, nguyên đơn đã không khởi kiện. Thay vào đó nguyên đơn đã trình báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện, gửi thông báo cho bị đơn để yêu cầu chấm dứt vi phạm. Vụ việc cũng đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện, Đoàn Thanh Tra Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp xử lý. Tuy nhiên, từ thời điểm nguyên đơn phát hiện có hành vi xâm phạm (2003) cho đến thời điểm Ủy ban nhân dân chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết vào ngày 24/3/2008, Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng quy định về hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ quyết vụ án. Trong vụ án tranh chấp này, nguyên đơn đã phải tốn rất nhiều thời gian để yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bắt đầu từ năm 2003 cho đến vào tháng 7 năm 2011, Quyết định giám đốc thẩm số 06/2015/KDTM-GĐT đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và giao hồ sơ vụ án để xét xử sơ thẩm lại. Bài học kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp nêu trên đó là nguyên đơn vẫn nên chủ động nộp đơn khởi kiện tại thời điểm phát hiện có hành vi xâm phạm. Việc thực hiện quyền khởi kiện và thực hiện đồng thời các biện pháp xử lý khác như bằng biện khác nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ vì hết thời hiệu khởi kiện mà quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, không được pháp luật bảo vệ và bên thực hiện hành vi xâm phạm lại không bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ là một điều đáng tiếc. Vụ án tranh chấp được nêu trên vẫn còn nhiều điểm bất cập trong quá trình tố tụng, từ việc xác định thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện, chứng cứ, hành vi vi phạm,…Do đó, theo quan điểm của tác giả, nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể chủ động đăng ký bảo hộ cho các tài sản sở hữu trí tuệ ngay khi tài sản được sáng tạo và chủ động áp dụng thêm nhiều biện pháp xử lý hành vi vi phạm đúng thời điểm thì đã hạn chế được rủi ro xảy ra. Việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là bảo vệ giá trị thương mại mà chính tổ chức, cá nhân đó có thể nhận được. Điều quan trọng là bảo vệ được công sức, uy tín kinh doanh của chính mình trên thị trường, ngăn chặn hành vi làm hàng nhái, hàng giả và góp phần bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. 

Bên cạnh biện pháp khởi kiện dân sự tại bài viết này, chủ sở hữu quyền sỡ hữu trí tuệ vẫn có thể xem xét và lựa chọn áp dụng các biện pháp xử lý tranh chấp khác liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các biện pháp này sẽ được đề cập tại bài viết kế tiếp. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.