1. Chuyển giao công nghệ là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ (Luật CGCN) 2017 quy định: “Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.”
Trong đó, công nghệ là các giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ có thể là chuyển nhượng quyền sở hữu, tức là toàn bộ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt công nghệ hoặc chỉ chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
2. Đối tượng chuyển giao công nghệ
Các đối tượng công nghệ được chuyển giao quy định tại Điều 4 Luật CGCN 2017 bao gồm:
- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.
Các đối tượng công nghệ khuyến khích chuyển giao quy định tại Điều 9 Luật CGCN 2017 bao gồm:
- Công nghệ cao; máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao được khuyến khích chuyển giao theo pháp luật về công nghệ cao.
- Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước khi đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
- Tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm được tạo ra từ công nghệ cùng loại hiện có;
- Tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước;
- Tạo ra dịch vụ, ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm mới; nuôi, trồng giống mới đã qua kiểm nghiệm;
- Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có ở Việt Nam;
- Sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;
- Tạo ra máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể chất người Việt Nam;
- Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính;
- Sản xuất đồng bộ theo chuỗi có hiệu quả kinh tế – xã hội cao;
- Tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng;
- Phát triển, hiện đại hóa nghề thủ công truyền thống.
- Công nghệ được khuyến khích chuyển giao ra nước ngoài
- Công nghệ sử dụng nguyên liệu là sản phẩm, bán sản phẩm, vật tư sản xuất trong nước;
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 hiện có ở Việt Nam trừ công nghệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 10 của Luật CGCN 2017.
Bên cạnh công nghệ được chuyển giao và khuyến khích chuyển giao thì pháp luật cũng quy định các đối tượng công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 10 của Luật CGCN 2017) và cấm chuyển giao (Điều 11 của Luật CGCN 2017). Việc hạn chế chuyển giao hay cấm chuyển giao các đối tượng công nghệ hướng đến mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa của dân tộc…
Đối tượng công nghệ hạn chế chuyển giao:
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển;
- Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;
- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước;
- Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm;
- Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.
- Công nghệ hạn chế chuyển giao ra nước ngoài trong trường hợp:
- Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam;
- Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.
Đối tượng công nghệ cấm chuyển giao:
- Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;
- Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước sẽ bị cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.
3. Các phương thức chuyển giao công nghệ chính
Theo quy định tại Điều 6 Luật CGCN 2017, có các phương thức chuyển giao công nghệ sau:
- Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
- Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
- Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
- Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này kèm theo các phương thức quy định tại Điều này.
- Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
4. Hợp đồng chuyển giao công nghệ
Khoản 4 Điều 5 Luật CGCN 2017 quy định về việc lập hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
- Các trường hợp phải lập thành hợp đồng:
- Chuyển giao công nghệ độc lập;
- Phần góp vốn bằng công nghệ.
- Trường hợp được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 Luật CGCN 2017:
- Phần dự án đầu tư;
- Phần nhượng quyền thương mại;
- Phần chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
- Phần mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật CGCN 2017;
- Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được xem là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. (khoản 1 Điều 22 Luật CGCN 2017).
Hợp đồng chuyển giao công nghệ có các nội dung được quy định tại Điều 23 Luật CGCN 2017:
- Tên công nghệ được chuyển giao.
- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
- Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Phương thức chuyển giao công nghệ.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
- Phạt vi phạm hợp đồng.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Cơ quan giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận với nhau các nội dung khác để hợp đồng được chặt chẽ cũng như đảm bảo được quyền, lợi ích của các bên.
5. Trường hợp cần đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật CGCN 2017, các trường hợp sau phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ:
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đối với các hợp đồng không thuộc trường hợp phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thì Nhà nước vẫn khuyến khích thực hiện việc đăng ký.
6. Tư vấn chuyển giao công nghệ
Công nghệ đang là xu hướng đầu tư và phát triển của các nước có nền kinh tế đang phát triển và phát triển trên thế giới. Các công nghệ mới luôn được nghiên cứu và phát minh để tăng năng suất lao động và thu về nhiều nguồn đầu tư. Hiện nay, nhiều công ty Việt Nam có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ để hiệu quả công việc được tốt hơn vì không phải công ty nào cũng hiểu biết rõ về các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ.
Apolat Legal hiện đang cung cấp các dịch vụ về tư vấn chuyển giao công nghệ. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn các thủ tục pháp lý cho cá nhân và doanh nghiệp, Apolat tự tin đưa ra những phương án tối ưu và tiết kiệm chi phí nhất cho khách hàng.
Với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và am hiểu pháp luật, Apolat luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu. Apolat luôn tư vấn các dịch vụ phù hợp với từng đặc điểm và mong muốn của khách hàng để đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Nhượng quyền Thương mại. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Tư vấn Nhượng quyền Thương mại và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.