Bán nợ là giải pháp để tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, giảm thiểu rủi ro tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động. Thông qua việc chuyển nhượng các khoản nợ cho các tổ chức, cá nhân khác, tổ chức tín dụng có thể tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh chiến lược. Việc mua bán nợ của các tín dụng hiện nay phải được thực hiện theo các trình tự, thủ tục do pháp luật ngân hàng quy định và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc mua bán nợ. Điều này đảm bảo rằng giao dịch diễn ra minh bạch, hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia.
Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày về trình tự, thủ tục và cách thức mua bán nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay của tổ chức tín dụng.
1. Các hình thức bán nợ của tổ chức tín dụng
Theo Điều 10 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-NHNN, tổ chức tín dụng quyết định lựa chọn bán nợ theo một trong hai phương thức:
- Thoả thuận: đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp qua môi giới.
- Đấu giá: Bên bán nợ ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện việc mua, bán nợ
Về cơ bản, dù theo phương thức nào thì hoạt động mua, bán nợ sẽ được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Bên bán nợ thành lập Hội đồng mua, bán nợ phù hợp với quy định pháp luật, điều lệ, quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ.(1)
Bước 2: Định giá khoản nợ.(2)
Bên bán nợ có thể tự xác định hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá thẩm định giá khoản nợ. Trường hợp Bên bán nợ xác định giá khoản nợ được mua, bán thì việc định giá theo một hoặc các cơ sở sau:
- Giá trị ghi sổ khoản nợ, khoản lãi mà bên nợ phải trả tại thời điểm định giá, phân loại nhóm khoản nợ, tài sản bảo đảm (nếu có), tình hình tài chính khách hàng vay và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị khoản nợ (nếu có) tại thời điểm định giá.
- Quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.
Bước 3: Đối với phương thức Bên bán nợ và bên mua nợ ký Hợp đồng mua, bán nợ. Nội dung hợp đồng phải đảm bảo các nội dung sau đây:
- Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
- Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
- Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;
- Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;
- Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;
- Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);
- Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
- Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có);
- Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;
- Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;
- Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng;
- Giải quyết tranh chấp phát sinh.
Bước 4: Bên bán nợ thông báo về việc mua, bán nợ.
Theo điểm a Khoản 2 Điều 17 Thông Tư 09, bên bán nợ có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho bên nợ và các bên liên quan những nội dung của việc bán nợ chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày các bên ký kết hợp đồng mua, bán nợ hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ.
Trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc theo thỏa thuận giữa bên bán nợ và bên nợ hoặc trong trường hợp cần thiết, bên bán nợ thông báo bằng văn bản việc bán nợ cho bên nợ trước khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ.
Bước 5: Bên bán nợ thực hiện chuyển giao và bên mua nợ nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ bao gồm cả quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm khoản nợ đó theo hợp đồng mua, bán nợ và quy định của pháp luật.(3)
Bước 6: Bên bán nợ (kể cả hoạt động mua, bán nợ qua công ty con, công ty liên kết) và bên mua nợ (trong trường hợp là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoạt động mua, bán nợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.(4)
Lưu ý: Trước khi thực hiện việc mua, bán nợ thì bên bán nợ, bên mua nơ phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luât (vui lòng xem lại bài viết về điều kiện mua bán nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay của tổ chức tín dụng của Apolat Legal).
(1) Điều 11 Thông tư 09/2015/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-NHNN.
(2) Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 8 Thông tư 18/2022/TT-NHNN.
(3) Điều 14 và 17 Thông tư 09/2015/TT-NHNN.
(4) Điều 22 Thông tư 09/2015/TT-NHNN.
See more:
1/ Some Legal Tips During The Efficient Recovery Of Bad Debts In Vietnam
2/ Concerns over the prohibition against debt collection service
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến lĩnh vực tài chính. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.