Tổng quan một số quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và một vài so sánh với pháp luật Việt Nam

Pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam được ban hành chủ yếu dựa trên cơ sở của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mặc dù đây cũng là một hiệp định quốc tế quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn của hiệp định này vẫn thấp hơn so với các yêu cầu về sở hữu trí tuệ được áp dụng tại Liên Minh Châu Âu. Do đó, việc Việt Nam gia nhập EVFTA đặt ra các yêu cầu về điều chỉnh pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước để đảm bảo Việt Nam tuân thủ các cam kết ở mức độ cao của hiệp định thương mại này.

>> Xem thêm: Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA.

Các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại chương 12 của Hiệp định. Mục đích của chương này là tạo thuận lợi cho việc chế tạo, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm đổi mới và sáng tạo giữa các Bên nhằm đóng góp cho nền kinh tế bền vững và toàn diện hơn của mỗi Bên; và đạt được mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả. Ngoài ra, Hiệp định cũng yêu cầu việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng và theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, và bảo đảm sự cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ.

Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo phạm vi điều chỉnh của EVFTA cũng tương tự với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Theo đó, các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ sẽ gồm ít nhất là tất cả các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại hiệp định TRIPS, bao gồm:

(a) quyền tác giả và quyền liên quan;

(b) nhãn hiệu;

(c) chỉ dẫn địa lý;

(d) kiểu dáng công nghiệp;

(e) quyền sáng chế;

(f) thiết kế bố trí mạch tích hợp;

(g) bảo hộ thông tin bí mật; và

(h) giống cây trồng.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy vẫn còn một số điểm khác biệt giữa quy định của EVFTA và pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề sở hữu trí tuệ. Đầu tiên, pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn thiếu nhiều quy định đặc thù liên quan đến (i) quyền độc quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm để thực hiện việc công bố tác phẩm của họ đến công chứng; (ii) cơ chế để bảo vệ 169 chỉ dẫn địa lý của EU được liệt kê trong hiệp định; (iii) kéo dài thời hạn bằng sáng chế dược phẩm như là cơ chế bù đấp do việc thẩm định kéo dài và (iv)  giả định về tác giả và chủ sở hữu quyền.

Một điểm mới của EVFTA là Hiệp định này đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet. Cụ thể, Hiệp định này yêu cầu Việt Nam phải quy định giới hạn hoặc miễn trừ  liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan xảy ra trên mạng viễn thông liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Giới hạn và miễn trừ ít nhất phải bao gồm những hoạt động sau:

(a) truyền dẫn trong mạng viễn thông các thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp, hoặc cung cấp truy cập mạng viễn thông (“chỉ truyền dẫn”); và

(b) truyền dẫn trong mạng viễn thông thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp liên quan đến việc lưu trữ tự động, trung gian và tạm thời các thông tin, được thực hiện chỉ nhằm mục đích làm cho việc truyền tải thông tin hiệu quả hơn đến người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ (“lưu trữ tạm thời”);

(c) việc lưu trữ thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ (“cho thuê chỗ lưu trữ”) với điều kiện là nhà cung cấp:

(i) không biết về thông tin bất hợp pháp; và

(ii) khi biết được thông tin đó, hành động nhanh chóng để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn các truy cập tới thông tin đó.

Liên quan đến việc chấm dứt hiệu lực của một nhnax hiệu đã đăng ký, Hiệp định này quy định rằng một nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị đình chỉ hiệu lực nếu trong vòng 5 năm liên tục trước khi có yêu cầu đình chỉ, nhãn hiệu đó không được chủ sở hữu hoặc bên nhận chuyển giao quyền sở hữu đưa vào sử dụng một cách thực sự tại lãnh thổ tương ứng cho hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu đã được đăng ký mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc tiếp tục trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ. Một Bên có thể quy định rằng, trường hợp loại trừ này sẽ không được xem xét nếu việc chuẩn bị để bắt đầu hoặc tiếp tục sử dụng chỉ xảy ra sau khi chủ sở hữu biết được là yêu cầu đình chỉ hiệu lực của nhãn hiệu có thể được nộp. Tuy nhiên, nội hàm của việc “sử dụng một cách thực sự” lại không rõ ràng và cũng chưa tồn tại trong pháp luật Việt Nam.

Hiệp định cũng yêu cầu các chỉnh phủ của mỗi bên phải tăng cường thẩm quyền cho các cơ quan thực thi, đặc biệt là lực lượng hải quan, để ngăn chặn các hành vii xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả. Cụ thể, khi yêu cầu của một bên đã đưa ra được bằng chứng sẵn có hợp lý hỗ trợ cho tuyên bố rằng quyền sở hữu trí tuệ của mình đã bị xâm phạm hoặc sẽ bị xâm phạm, mỗi cơ quan tư pháp có thẩm quyền có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhanh chóng và hiệu quả để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, và cụ thể là, để ngăn chặn việc đưa vào và lưu thông hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi được phép thông quan, trong kênh thương mại trên lãnh thổ nước mình:

(i) lệnh khẩn cấp tạm thời có thể được ban hành đối với một bên mà dịch vụ do bên này cung cấp có thể bị bên thứ ba dùng để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bên cung cấp dịch vụ đó thuộc thẩm quyền xét xử của cơ quan tư pháp; và

(ii) trong trường hợp hành vi bị nghi ngờ là xâm phạm được thực hiện trên quy mô thương mại, cơ quan tư pháp có thể yêu cầu bắt giữ hoặc phong tỏa động sản và bất động sản của người bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm để phòng ngừa, bao gồm phong tỏa tài khoản ngân hàng và các tài sản khác.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.