Thúc đẩy đột phá kinh tế tư nhân: các giải pháp trọng tâm

Việt Nam đang ở thời điểm bản lề để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong hành trình đó, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTT) – không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu. Để KTTT ở Việt Nam thực sự bứt phá và trở thành động lực quan trọng, các giải pháp cần tập trung vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực và đẩy mạnh đổi mới.  

Đáp ứng yêu cầu đó, hai văn kiện nền tảng đã được ban hành gần như đồng thời: Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác lập tầm nhìn chính trị chiến lược và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội, quy định các cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai hóa tầm nhìn này. Dưới đây là tóm tắt các chính sách và giải pháp trọng tâm, tập trung vào những điểm cốt lõi nhất: 

1. Đẩy Mạnh Cải Cách, Hoàn Thiện Thể Chế, Chính Sách

Cải cách thể chế là chìa khóa để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng:  

  • Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật: Đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, giảm thiểu can thiệp hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, tư duy “không quản được thì cấm”. 
  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Xóa bỏ rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, dễ tuân thủ, chi phí thấp. 
  • Minh bạch hóa, số hóa thủ tục hành chính: Áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), đặc biệt trong các lĩnh vực như gia nhập/rút lui thị trường, đất đai, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ. Mục tiêu là cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, điều kiện kinh doanh vào năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh những năm tiếp theo. 
  • Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm: Quản lý điều kiện kinh doanh chuyển từ cấp phép sang công bố và hậu kiểm (trừ lĩnh vực bắt buộc), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hiện đại hóa quản trị công dựa trên dữ liệu. 
  • Sửa đổi Luật Phá sản: Rút ngắn thời gian xử lý, mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục phá sản rút gọn để hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc hoặc rút lui khỏi thị trường một cách hiệu quả. 
  • Thiết lập cơ chế đánh giá, phản hồi: Về các rào cản, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách. 
  • Tuân thủ nguyên tắc thị trường: Không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực. Rà soát chính sách thuế, phí đảm bảo đối xử công bằng, giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế (đặc biệt là thuế điện tử). 
  • Xử lý nghiêm các hành vi hạn chế cạnh tranh: Lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. 
  • Hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình kinh tế mới: Kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số (FinTech, AI, tài sản ảo, tiền ảo, dữ liệu…), có cơ chế thử nghiệm (sandbox). Hoàn thiện pháp luật về dữ liệu, tạo thuận lợi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. 
  • Phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm: Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của cán bộ; có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho trường hợp làm đúng quy trình nhưng gặp rủi ro khách quan. 
  • Bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu, tài sản, quyền tự do kinh doanh: Hoàn thiện pháp luật thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp, rút ngắn thời gian. Chấm dứt tình trạng nợ đọng thanh toán giữa cơ quan/doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường minh bạch, hiệu quả của tòa án kinh tế, trọng tài thương mại. Hỗ trợ định giá, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, có chế tài nghiêm khắc với vi phạm sở hữu trí tuệ. 
  • Chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo: Đảm bảo nguyên tắc chỉ 1 lần/năm (trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng); xử lý nghiêm hành vi lạm dụng để nhũng nhiễu. Ứng dụng chuyển đổi số, AI trong thanh tra, kiểm tra; ưu tiên kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử. Miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. 
  • Phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự: Ưu tiên áp dụng biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước. Trường hợp áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không thì kiên quyết không áp dụng hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước. Không hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi. Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc niêm phong, kê biên tài sản phải đúng thẩm quyền, trình tự, phạm vi, giá trị tương ứng với thiệt hại dự kiến, không xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp. 

2. Tạo Thuận Lợi Cho Kinh Tế Tư Nhân Tiếp Cận Các Nguồn Lực

2.1. Đất đai, Mặt Bằng 

  • Đẩy mạnh chuyển đổi số, công khai minh bạch thông tin: Hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai vào năm 2025. Thực hiện giao dịch điện tử, giảm thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận. 
  • Kiểm soát biến động giá đất: Giảm thiểu ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. 
  • Hỗ trợ giải phóng mặt bằng: Giúp doanh nghiệp nhanh chóng có mặt bằng sản xuất kinh doanh. 
  • Dành quỹ đất ưu tiên: Cho phép địa phương dùng ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ và dành một phần đất (tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất) cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê. 
  • Giảm tiền thuê đất: Giảm ít nhất 30% tiền thuê đất cho các đối tượng này trong 5 năm đầu. 
  • Hỗ trợ hạ tầng thiết yếu: Điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc. 
  • Tháo gỡ vướng mắc, khai thác đất lãng phí: Đưa vào khai thác đất lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp kéo dài. 
  • Hỗ trợ thuê tài sản công: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo được thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng. 

2.2. Nguồn Vốn  

  • Hoàn thiện chính sách tín dụng: Ưu tiên cho các ngành mới, chuyển đổi xanh/số, tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng. 
  • Khuyến khích cho vay đa dạng: Dựa trên phương thức kinh doanh, dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị; chấp nhận tài sản đảm bảo phi truyền thống (dòng tiền, tài sản vô hình, tài sản hình thành tương lai), cho vay tín chấp. 
  • Đẩy mạnh tín dụng xanh: Nhà nước hỗ trợ lãi suất và khuyến khích giảm lãi suất cho dự án xanh, tuần hoàn. 
  • Hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng: Cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chấp nhận rủi ro khách quan, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh. Nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình đồng bảo lãnh. 
  • Hoàn thiện khung pháp lý Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hóa nguồn vốn, bổ sung chức năng đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương, tư nhân. 
  • Đa dạng hóa kênh huy động vốn: Sửa đổi quy định về tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, công ty cho thuê tài chính (mở rộng danh mục tài sản cho thuê). Ban hành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho vay ngang hàng, giao dịch gây vốn cộng đồng. 
  • Kết nối thông tin: Giữa các hệ thống ngân hàng, thuế để đánh giá mức độ tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn. 
  • Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị tài chính: Xây dựng hệ thống minh bạch, chuẩn mực kế toán, kiểm toán. 
  • Nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán: Phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn ổn định, chi phí thấp. 

2.3. Nhân Lực Chất Lượng Cao 

  • Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chất lượng cao: Khuyến khích liên kết đào tạo với nước ngoài. 
  • Đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp: Có sự tham gia của doanh nghiệp. Hỗ trợ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Chi phí đào tạo được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. 
  • Triển khai chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành: Huy động doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo. 
  • Thúc đẩy giáo dục kỹ năng: Sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số. 

3. Thúc Đẩy Khoa Học Công Nghệ, Đổi Mới Sáng Tạo, Chuyển Đổi Số, Chuyển Đổi Xanh 

Đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. 

  • Triển khai quyết liệt Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 
  • Ban hành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox): Cho công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. 
  • Chính sách ưu đãi thuế cho R&D: Cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế. 
  • Hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ: Hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua cơ chế khấu trừ thuế hoặc hỗ trợ qua các quỹ. 
  • Quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: Cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ. 
  • Sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu chung của Nhà nước: Doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được sử dụng với mức phí hợp lý. 
  • Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp cho thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các tổ chức liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 
  • Nhà nước ưu tiên nguồn lực: Hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. 

4. Tăng Cường Kết Nối Giữa Các Doanh Nghiệp

Mở rộng liên kết giúp KTTT tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. 

  • Xây dựng các chuỗi liên kết: Theo cụm ngành, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. 
  • Khuyến khích doanh nghiệp lớn dẫn dắt: Dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ. 
  • Tiêu chí hưởng ưu đãi: Sử dụng sản phẩm, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi doanh nghiệp lớn là tiêu chí quan trọng để hưởng chính sách ưu đãi. 
  • Tài trợ vốn cho chuỗi giá trị: Khuyến khích tổ chức tài chính, tín dụng tài trợ vốn cho doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị. 
  • Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại: Chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 
  • Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa: Nhà nước hỗ trợ dịch vụ tư vấn, xúc tiến thương mại. 
  • Áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp: Các dự án FDI lớn phải có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa. Hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ từ doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng. 

5. Hình Thành và Phát Triển Nhanh Các Doanh Nghiệp Lớn, Tập Đoàn Kinh Tế Tư Nhân

Đánh dấu sự trưởng thành và vươn tầm của KTTT. 

  • Mở rộng sự tham gia của KTTT: Vào các dự án quan trọng quốc gia, các lĩnh vực chiến lược (đường sắt tốc độ cao, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp quốc phòng, an ninh…). Nhà nước chủ động chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, ưu đãi khuyến khích. 
  • Thúc đẩy đầu tư vào dịch vụ chất lượng cao: Y tế, giáo dục, công nghiệp văn hóa, giải trí. 
  • Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả hợp tác công tư (PPP). 
  • Khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong. 
  • Xây dựng, triển khai Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global): Tập trung hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu.

6. Hỗ Trợ Thực Chất, Hiệu Quả Doanh Nghiệp Nhỏ, Siêu Nhỏ và Hộ Kinh Doanh

Tạo điều kiện để những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có thể phát triển. 

  • Hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh cá thể: Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. 
  • Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. 
  • Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị: Cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. 
  • Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Thúc đẩy khả năng tiếp cận sản phẩm tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên các đối tượng yếu thế, mô hình kinh doanh bao trùm. 

7. Đề Cao Đạo Đức Kinh Doanh, Phát Huy Trách Nhiệm Xã Hội, Tạo Điều Kiện Để Doanh 

Nhân Tham Gia Quản Trị Đất Nước

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế xã hội của doanh nhân.  

  • Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh: Trung thực, trách nhiệm xã hội, bản sắc dân tộc, tiếp cận tinh hoa thế giới, có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. 
  • Đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế: Dựa trên các tiêu chí cốt lõi (tuân thủ pháp luật, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, an sinh xã hội). 
  • Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp: Đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp vào cơ sở giáo dục. Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp điển hình. 
  • Huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc tham gia quản trị đất nước. 
  • Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thực chất, cởi mở, chân thành: Giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chủ động giải quyết vướng mắc. Phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội. 
  • Doanh nghiệp, doanh nhân chủ động đổi mới tư duy: Năng động, sáng tạo, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ, làm giàu chính đáng và đóng góp cho đất nước. 
  • Củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tham gia xây dựng, phản biện chính sách. 
  • Có chính sách cụ thể xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. 

Bài viết liên quan:

1/ Điều kiện kinh doanh trang trại chăn nuôi quy mô lớn

2/ Thành lập doanh nghiệp kinh doanh UCO tại Việt Nam

3/ Hộ kinh doanh: xử lý quá khứ để đi tới tương lai

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo