Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, nhu cầu thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài ngày càng gia tăng. Việc thành lập văn phòng đại diện giúp tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp, các tổ chức này cần tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
1. Định nghĩa về tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài bao gồm các tổ chức thuộc Chính phủ hoặc phi Chính phủ, các hội, hiệp hội (hoặc các hình thức khác tương đương) được thành lập theo pháp luật của nước nơi tổ chức đặt trụ sở khi thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam phải thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam(1).
2. Các nguyên nguyên tắc hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức xúc tiến thương mại
Theo, các nguyên tắc hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức xúc tiến thương mại bao gồm:
- Chỉ được lập một văn phòng đại diện trên mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Có Điều lệ hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam phù hợp với luật pháp Việt Nam. Văn phòng đại diện không không được thực hiện các hoạt động nhằm Mục đích sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
- Văn phòng đại diện không được thành lập văn phòng đại diện trực thuộc Văn phòng đại diện.
- Người đứng đầu và nhân sự cần đăng ký với cơ quan cấp giấy phép.
- Việc tuyển dụng và bổ nhiệm người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên(2).
3. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
Văn phòng đại diện được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như:
- Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc.
- Cung cấp thông tin kinh tế, thương mại.
- Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam(3).
4. Điều kiện của Người đứng đầu Văn phòng đại diện
Người đứng đầu văn phòng đại diện cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện không được kiêm nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam.
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện tại Việt Nam do tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tự xác định và phải được đăng ký với cơ quan cấp Giấy phép(4).
5. Thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại tại Việt Nam
Bước 1: Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Cổng dịch vụ công Thành phố.
Thành phần hồ sơ:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cho phép tổ chức xúc tiến thương mại thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc văn bản, tài liệu chứng minh về quyền thành lập Văn phòng đại diện tại nước ngoài của tổ chức.
- Giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.
- Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
- Điều lệ hoặc quy chế hoạt động dự kiến của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
- Báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong 01 năm gần nhất.
- Văn bản bổ nhiệm và lý lịch của người đứng đầu, lý lịch của các nhân sự thuộc Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, Sở Công thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép xem xét, cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, trường hợp không cấp, cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong trường hợp hoạt động của Văn phòng đại diện có liên quan đến xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng phải xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì thời hạn giải quyết là 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ5.
Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Văn phòng đại diện phải thông báo hoạt động bằng hình thức đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp(6).
(1) Khoản 1 Điều 24 Nghị định 28/2018/NĐ-CP
(2) Điều 24 Nghị định 28/2018/NĐ-CP
(3) Khoản 1 Điều 25 Nghị định 28/2018/NĐ-CP
(4) Điều 25 Nghị định 28/2018/NĐ-CP
(5) Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2024/NĐ-CP
(6) Khoản 1, Điều 32 Nghị định 28/2018/NĐ-CP
Bài viết liên quan:
3/ Tại Sao Văn Phòng Đại Diện Của Thương Nhân Nước Ngoài Cần Phải Mở Tài Khoản Ngân Hàng
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.