Việc thành lập công đoàn cơ sở tại văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài ở Việt Nam là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế cũng như cam kết lao động toàn cầu. Theo Bộ luật Lao động 2019 và Luật Công đoàn 2012, đây là quyền cơ bản của người lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, do đặc thù không có chức năng kinh doanh, văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài gặp nhiều khó khăn về pháp lý và thực tiễn khi thành lập công đoàn. Bài viết sẽ phân tích cơ sở pháp lý, điều kiện, quy trình, cùng những thách thức và giải pháp cho vấn đề này.
1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định như sau: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.”
Theo đó, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam và được thành lập khi có đủ 2 điều kiện sau:
- Công đoàn cơ sở được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp;
- Có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Ngoài ra, tại tiểu mục 11.1 Mục 11 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định về việc Công đoàn cơ sở được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động và khoản 6 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 như sau:
“11.1. Công đoàn cơ sở được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động gồm:
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác)”.
“6. Đơn vị sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tuy văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là đơn vị không có chức năng kinh doanh và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thị trường, liên lạc hoặc đại diện cho thương nhân nước ngoài nhưng vẫn là một trong những đơn vị sử dụng lao động được thành lập Công đoàn cơ sở.
2. Quy trình thành lập công đoàn cơ sở của văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài
Căn cứ theo nội dung của tiểu mục 12.1 đến 12.4 Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định về Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn cơ sở như sau:
Bước 1: Lập ban vận động thành lập công đoàn cơ sở để thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động
Bước 2: Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn), Ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở để bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở và chủ tịch công đoàn cơ sở
Bước 3: Chủ tịch công đoàn cơ sở tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện)
Bước 4: Ban chấp hành đăng ký với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để công nhận công đoàn cơ sở.
Bước 5: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định quá trình thành lập công đoàn cơ sở đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; việc bầu cử tại đại hội thành lập và bầu cử tại hội nghị ban chấp hành theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Bước 6: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở tiến hành khắc dấu và tổ chức hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn cơ sở
Hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên xem xét, công nhận công đoàn cơ sở được quy định tại quy định tại Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020, gồm có:
- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn;
- Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
- Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở;
- Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở;
- Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có);
- Điều lệ công đoàn cơ sở;
- Gửi kèm theo các giấy tờ sau: bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh, báo cáo tình hình sử dụng lao động (đã được thông qua bởi Phòng LĐTBXH Quận nếu có).
4. Thách thức và giải pháp
- Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đối mặt với nhiều thách thức trong việc thành lập công đoàn cơ sở, đặc biệt do tính chất không kinh doanh, dẫn đến số lượng lao động ít và khó đảm bảo đủ số đoàn viên theo quy định đồng thời việc không phát sinh doanh thu tại Việt Nam làm cho việc bố trí kinh phí hoạt động của công đoàn trở nên hạn chế. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa và pháp lý khiến các thương nhân nước ngoài gặp khó khăn trong việc thích nghi với các quy định tổ chức công đoàn tại Việt Nam.
Bài viết liên quan:
1/ Điều kiện, trình tự thủ tục thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp
2/ Một số vấn đề pháp lý quan trọng về công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp
3/ Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn cơ sở không?
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến lĩnh vực Lao Động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.