Theo hệ thống quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, bên cạnh vai trò ký kết của người đại diện theo pháp luật, việc phê duyệt các giao dịch có giá trị lớn thường đòi hỏi sự chấp thuận từ Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị. Đây là cơ chế quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch và quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt đối với các giao dịch có khả năng tác động đáng kể đến tài sản hoặc hoạt động của công ty. Tuy nhiên, ranh giới thẩm quyền phê duyệt giữa hai cơ quan này hiện vẫn tồn tại nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc thực thi và tuân thủ pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan để làm rõ vấn đề này.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác, thẩm quyền quyết định đối với các giao dịch có liên quan đến Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị được quy định như sau:
Điểm d, Khoản 2, Điều 138 của Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông có quyền:
Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác.
Điểm h, Khoản 2, Điều 153 của Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị có quyền:
Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 138, khoản 1 và khoản 3 Điều 167 của Luật này;
Theo đó, có thể thấy, tỷ lệ phê duyệt đối với các giao dịch của hai cơ quan này đều xoay quanh tỷ lệ từ 35% giá trị tài sản của công ty trở lên. Do đó, yếu tố phân định thẩm quyền phê duyệt thuộc về Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị sẽ phụ thuộc vào bản chất của loại giao dịch. Cụ thể, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác:
1. Đối với thẩm quyền phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông
- Cơ sở phân quyền: Tuy pháp luật không quy định rõ, tuy nhiên, về nguyên tắc, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có thẩm quyền cao nhất và chịu có mối quan hệ mật thiết đến lợi ích của công ty. Do đó, Đại hội đồng cổ đông sẽ có thẩm quyền phê duyệt các giao dịch có khả năng tác động đáng kể đến giá trị tài sản và lợi ích của công ty.
- Loại giao dịch: Các quyết định đầu tư hoặc bán tài sản của công ty.
- Điều kiện thông qua: Giao dịch phải được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông với số phiếu đồng thuận từ 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên (Điểm d Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020).
2. Đối với thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị
- Cơ sở phân quyền: Tuy pháp luật không quy định rõ, tuy nhiên, về nguyên tắc, Hội đồng quản trị là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý hoạt động kinh doanh hàng ngày và ra các quyết định mang đưa tính chiến lược. Do đó, để phát huy đúng vai trò của Hội đồng quản trị và đồng thời giảm thiểu việc phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông, việc phân quyền phê duyệt các giao dịch mang tính kinh doanh, quản trị này là điều phù hợp.
- Loại giao dịch: Các giao dịch còn lại không thuộc các quyết định đầu tư hoặc bán tài sản của công ty theo thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Cụ thể là hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác.
- Điều kiện thông qua: Nếu được đa số thành viên dự họp tán thành (Khoản 12 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020).
Từ các phân tích trên, có thể thấy, nếu xét thuần về câu chữ được quy định tại các điều trên, thì cơ sở để phân định cơ quan xét duyệt sẽ phụ thuộc vào bản chất của giao dịch là hoạt động đầu tư hay kinh doanh thông thường.
Hiện tại, quy định pháp luật không quy định rõ hơn về khái niệm để phân biệt các vấn đề này, nên thực tế vẫn đang tồn tại các trường hợp mơ hồ hoặc chồng chéo khi xác định thẩm quyền. Điển hình như, pháp luật chưa có cơ chế xác định thế nào là Hợp đồng phát sinh từ quyết định đầu tư, bán tài sản, Hợp đồng nào là mua sắm thông thường. Điều này có thể dẫn đến các rủi ro trong việc xác định sai thẩm quyền xét duyệt, từ đó dẫn đến giao dịch hoặc hợp đồng bị vô hiệu.
Vì vậy, trên thực tế, Điều lệ của một số công ty thường quy định chi tiết hơn về các trường hợp và thẩm quyền xét duyệt tương ứng đối với các loại giao dịch này để phân định rõ về thẩm quyền. Ngoài ra, một số trường hợp, để hạn chế rủi ro, các công ty thường ưu tiên tiến hành xin chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông miễn là đến ngưỡng giá trị giao dịch trên 35% giá trị của Công ty.
Bài viết liên quan:
1/ Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam
2/ Điều kiện và trình tự thủ tục xin cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ
3/ Một số lưu ý khi đầu tư thành lập công ty, chi nhánh tại nước ngoài
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.