Bài viết đăng trên báo Sài Gòn Times.
Năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ đầu tiên của Việt Nam được thông qua dưới sức ép của quá trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dù nhận thức được chức năng của đạo luật này, bảo vệ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ chưa phải là ưu tiên số một của các nhà làm luật lúc bấy giờ. Năm 2020, chương trình sửa đổi luật sở hữu trí tuệ được khởi động dưới sức ép của việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao về vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với 15 năm trước, bên cạnh áp lực bên ngoài của việc gia nhập các hiệp định kinh tế, chúng ta cũng đang đối mặt với một động lực thực tế hơn đến từ nội bộ chính mình, đó là sự thống trị của các “nền tảng” (platform) trong nền kinh tế số.
Bình luận về thách thức của nền tảng chia sẻ video ngắn Tiktok, David Isrealite (chủ tịch hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc quốc gia Hoa Kỳ) từng cho rằng các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ là điều không thể tránh khỏi cho nền tảng đang nổi này. Giờ đây, dự đoán này đã thành hiện thực ở Việt Nam. Cụ thể, ngày 28/5/2020, Công ty cổ phần VNG (chủ sở hữu của nền tảng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3) đã khởi kiện Tiktok Inc (chủ sở hữu của mạng xã hội chia sẻ video ngắn Tiktok) đến Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc Tiktok thực hiện hành vi truyền đạt đến công chúng nhiều bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc do VNG là chủ sở hữu quyền tác mà không có sự đồng ý của VNG, cấu thành hành vi xâm phạm quyền liên quan theo khoản 8 điều 35 Luật sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh các quy định pháp luật về trách nhiệm của các nền tảng trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường số hiện nay là vấn đề nóng hổi (và nhạy cảm) tại Việt Nam cũng nhiều quốc gia trên thế giới, vụ kiện của VNG va TikTok Inc. sẽ là cuộc chiến nhiều cuốn hút giữa những nền tảng nhiều quyền lực. Kết quả của cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ được giải quyết thực sự thông qua các biện pháp ngoài tòa án. Tuy nhiên, khi được nhắc lại rằng chính bản thân VNG cũng từng là bị đơn của nhiều vụ kiện tương tự từ các tác giả, nghệ sĩ, câu hỏi sau cùng cần được giải quyết không phải là bản án của vụ kiện trên mà là việc làm thế nào những vụ kiện như vậy có thể trở thành công cụ pháp lý hiệu quả ngay cả với các cá nhân sáng tạo nội dung.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) từ lâu đã hưởng lợi từ các trường hợp ngoại lệ dành cho trạng thái trung lập của mình. Theo đó, các ISP chỉ phải gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả nếu họ được thông báo về vi phạm đó một cách hợp lý. Người thông báo thường là chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm (cá nhân sáng tạo nội dung). Câu hỏi đặt ra là với khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày lên internet, bằng cách nào các nghệ sỹ, nhạc sỹ, youtuber,.. có thể kiểm soát được các nội dung của người khác đăng tải lên xâm phạm quyền của mình?
Thực tế trên còn đi kèm với vấn đề của trò chơi chuột chũi (whack-a-mole problem). Theo đó, nếu người chơi cố gắng bắt con chuột ở hang này, con chuột sẽ ngay sau đó xuất hiện ở một hang khác. Người chơi sẽ không thể biết được tiếp theo chú chuột sẽ lại xuất hiện ở hang nào. Trò chơi cứ như vậy tiếp diễn. Như vậy, vấn đề không phải là bắt một con chuột, mà quan trọng hơn là làm sao để con chuột đó không tái xuất hiện một cách quá dễ dàng ở một chiếc hang khác. Việc chống hành vi xâm phạm quyền tác giả trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng giống như trò chơi bắt chuột chũi. Nếu một nội dung xâm phạm bị gỡ đi ở bài đăng này, nội dung vi phạm đó có thể được đăng tải lại dễ dàng ngay sau đó ở một bài đăng khác. Do đó, nếu không có giải pháp hỗ trợ các tác giả “bắt chuột” hiệu quả, cuộc chơi đang ngày càng mất cân bằng theo hướng bất lợi cho người sáng tạo nội dung.
Để phần nào giải quyết vấn đề trên, ngày 26/3/2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật bản quyền trong môi trường số trong một nỗ lực tìm kiếm trạng thái “cân bằng hợp lý” giữa chủ sở hữu quyền và các nền tảng. Điểm gây tranh cãi nhất là điều 17 của Đạo luật này, trong đó các nhà lập pháp Châu Âu yêu cầu các công ty trung gian cung cấp dịch vụ internet chủ động kiểm soát và gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả của chủ thể khác mà không cần thông báo từ chủ sở hữu quyền. Luật trên sẽ có hiệu lực từ năm 2021 trên toàn lãnh thổ châu Âu. Mặc dù còn nhiều tranh cãi rằng Đạo luật bản quyền mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin và sẽ “làm thay đổi internet mãi mãi”, tác động tích cực trước mắt là quyền tác giả của những người sáng tạo nội dung sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều này là bước đi đầu tiên xóa bỏ trạng thái trung lập cực đoạn mà các ISP đang hưởng lợi.
Tại Việt Nam, hiện tại, về cơ bản, Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giải quyết trách nhiệm của các ISP đang áp dụng cơ chế thông báo và gỡ (“notice-and-takedown”) như cách tiếp cận của Hoa Kỳ và EU (trước khi Đạo luật bản quyền mới có hiệu lực). Mặc dù vậy, trong khi EU và Hoa Kỳ yêu cầu các ISP tháo gỡ nội dung nếu có thông báo đáng tin cậy từ chủ sở hữu quyền, Việt Nam chỉ yêu cầu các ISP xóa bỏ nội dung theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiếm khi các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu gỡ một nội dung xâm phạm quyền tác giả của một cá nhân. Như vậy, mặc dù có sự học hỏi về cách tiếp cận, Việt Nam đã không đạt được mức độ bảo vệ các tác giả mạnh như Hoa Kỳ và EU đang áp dụng.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam xuất phát một phần từ chính sự khác biệt trong văn hóa Phương Tây và phương Đông về vấn đề bảo vệ quyền của tác giả. Trong khi các nước theo trường phái thông luật phương Tây đề cao học thuyết của Jonh Locke về quyền sở hữu đối với thành quả lao động, các nước thuộc hệ thống dân luật và các quốc gia phương Đông đề cao giá trị cộng đồng của tác phẩm hơn là tính sở hữu cá nhân. Ngoài ra, luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, với việc ra đời năm 2005 như một yêu cầu phải đáp ứng để gia nhập WTO, đã lạc hậu và không thể dự liệu được sự bùng nổ của internet và nền kinh tế nền tảng như hiện nay.
Với tư cách là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới và có mục tiêu hướng đến hình thành nền kinh tế số, Việt Nam đang là người đến sau trong tiến trình hoàn thiện của luật về quyền tác giả trên internet. Mặc dù theo đề án chuyển đổi số quốc gia, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, khung pháp lý về bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL như đề cập chỉ có vỏn vẹn tám điều khoản, trong đó chỉ có hai điều khoản quy định trực tiếp về cơ chế xử lý trách nhiệm của các ISP tại Việt Nam. Hiện tại, Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến vẫn tiếp tục giữ im lặng về vấn đề này. Đây chính là điểm nghẽn dễ thấy nhất trong khung pháp lý về trách nhiệm của ISP tại Việt Nam hiện nay.
Cách mạng công nghệ thông tin nổi lên trong bối cảnh giá trị của luật về quyền tác giả đang bị thách thức bởi các nguyên tắc truyền thống của chính nó. Giờ đây Việt Nam đang đối mặt trực diện với vấn đề lớn nhất mà luật về quyền tác giả hiện đại đang phải đối mặt: giải quyết các ngoại lệ truyền thống của luật trong bối cảnh môi trường mới và đồng thời duy trì động lực phát triển của nền kinh tế số với tư cách là quốc gia đang phát triển.
Dù muốn hay không, Việt Nam buộc phải đưa ra lựa chọn chính sách. Việc ban hành một dự luật quá khắt nghiệt như cách EU đang thực hiện không thể là giải pháp tốt cho quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận giải pháp đó theo cách thức nhẹ nhàng và linh động hơn. Các quy định về trách nhiệm của các ISP trong việc bảo vệ quyền tác giả cần được điều chỉnh để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội cũng như đề cao vai trò “gác cổng” của các ISP. Trong bối cảnh chuẩn bị sửa đổi luật sở hữu trí tuệ và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, các nhà lập pháp nên cân nhắc các vấn đề trên. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo được sự đa dạng và bền vững của nền kinh tế số.