Khởi nghiệp là một quá trình gian nan và đầy cam go. Một trong những yếu tố được lưu tâm và quyết định sự thành bại của một start-up là đội ngũ những người sáng lập. Thực tế cho thấy nhiều start-up thất bại xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến sự ra đi của những người sáng lập. Do đó, để hạn chế việc xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa những thành viên đồng sáng lập cũng như để đảm bảo quyền lợi của công ty thì việc giao kết thỏa thuận đồng sáng lập (founder agreement) là rất cần thiết đối với mỗi start-up.
Thỏa thuận sáng lập là thỏa thuận pháp lý được giao kết bởi những người sáng lập công ty và có giá trị điều chỉnh mối quan hệ kinh doanh của họ. Nội dung chính của thỏa thuận sáng lập quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các người đồng sáng lập.
Khi tiến hành đàm phán thỏa thuận sáng lập, các start-up cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi nhà sáng lập
Khi thực hiện đàm phán thỏa thuận sáng lập, các start-up cần thảo luận, thống nhất và có một bản mô tả công việc. Bản mô tả này cần ghi nhận đầy đủ và chi tiết vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi nhà sáng lập để tạo sự minh bạch, rõ ràng và tránh những mâu thuẫn không đáng có về sau.
2. Về phân chia quyền sở hữu
Thỏa thuận sáng lập cần quy định cụ thể và rõ ràng các tiêu chí phân chia quyền sở hữu như:
- Sự đóng góp tài chính;
- Cơ hội kinh doanh;
- Công sức đóng góp của mỗi nhà sáng lập (theo hiệu quả công việc hoặc theo thời gian làm việc).
Tỷ lệ sở hữu của mỗi nhà sáng lập cũng cần được ghi nhận chính xác trong thỏa thuận sáng lập và vấn đề về việc tăng hoặc giảm tỷ lệ sở hữu cũng cần được thỏa thuận và thống nhất.
3. Về hạn chế cạnh tranh và bảo mật
Vấn đề được lưu tâm nhất đối với những start-up, đặc biệt là các start-up công nghệ là việc bảo vệ bí mật công nghệ và bí mật kinh doanh. Việc ghi nhận điều khoản về bảo mật và hạn chế cạnh tranh trong thỏa thuận sáng lập là cần thiết và giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của những nhà sáng lập khi ứng xử với các thiết bị, thông tin mật của công ty. Quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm cũng cần được nêu rõ trong quy định này để buộc các nhà sáng lập cần cư xử thận trong trước khi quyết định thực hiện các hành vi bất lợi cho công ty.
4. Về việc rút khỏi dự án trước thời hạn
Đối với start-up, việc rút lui của các nhà sáng lập trước thời hạn xảy ra khá bổ biến. Vì vậy, thỏa thuận sáng lập cần tiên liệu và đưa ra phương án giải quyết thích hợp đối với vấn đề này.
Phương hướng giải quyết và hậu quả pháp lý mà các nhà sáng lập phải đối mặt khi rời khỏi dự án được xem xét dựa trên vai trò của nhà sáng lập, thời điểm rút lui và cách thức rút khỏi dự án của họ. Cần chú ý quy định về trường hợp bồi thường trong trường hợp nhà sáng lập rút lui nhưng không báo trước một khoảng thời gian hợp lý gây thiệt hại đến dự án.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.