Khi công nghệ ngày càng phát triển, các phát minh, sản phẩm nghiên cứu khoa học dần được ra mắt và công bố với nhiều mục đích khác nhau, có thể kể đến là phát triển nhân loại. Những sản phẩm được tạo ra là một trong những tài sản sở hữu trí tuệ, việc tiến hành đăng ký bảo hộ là một điều thiết yếu để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của họ. Thế nhưng, không phải tất cả các sản phẩm/quy trình kỹ thuật điều có thể được đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế. Một sản phẩm /quy trình kỹ thuật phải đáp ứng được các điều kiện theo luật định cũng như phải tuân theo một quy trình thẩm định nhất định để được đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế. Bài viết này sẽ làm rõ hơn những tiến trình nhất định mà một cá nhân/doanh nghiệp cần phải tuân theo khi tiến hành đăng ký sáng chế.
1. Những điều kiện cơ bản của sáng chế
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.1
Một sản phẩm/quy trình có thể được đăng ký bảo hộ sáng chế khi đáp ứng được các điều kiện bao gồm:
- Điều kiện 1: Không xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, không trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh2
- Điều kiện 2: Sáng chế không thuộc vào một trong các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế3
- Điều kiện 3: Sáng chế phải đáp ứng được tính mới4;
- Điều kiện 4: Sáng chế phải có trình độ sáng tạo5;
- Điều kiện 5: Sáng chế phải có khả năng áp dụng công nghiệp6 .
2. Quy trình thẩm định sáng chế
Quy trình thẩm định sáng chế gần như tương tự với những quyền sở hữu công nghiệp khác như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp với hai bước chính là (i) thẩm định hình thức và (ii) thẩm định nội dung. Thế nhưng, quy trình cũng sẽ có những điểm khác biệt nhất định mà chủ đơn cần phải chú ý để thực hiện theo đúng quy trình luật định.
2.1 Thẩm định hình thức
Quy trình thẩm định hình thức là bước đầu tiên để Cục Sở hữu trí tuệ có những kiểm tra sơ bộ đối với đơn đăng ký sáng chế nhằm kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đơn7. Một đơn đăng ký sáng chế cần phải tuân thủ theo các yêu cầu được quy định tại Điều 14 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN. Cùng với đó là nộp đầy đủ các thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Tờ khai đăng ký sáng chế
- Bản mô tả (bao gồm phần mô tả, yêu cầu bảo hộ và bản vẽ (nếu có));
- Bản tóm tắt;
- Giấy ủy quyền (trong trường hợp nộp đơn đăng ký thông qua đại diện);
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
- Các chứng từ nộp phí, lệ phí.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành kiểm tra lần lượt đơn đăng ký sáng chế dựa trên các nội dung như:
- Kiểm tra danh mục các tài liệu có trong đơn đăng ký sáng chế;
- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định về thời hạn của các tài liệu có trong đơn đăng ký sáng chế;
- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức của các tài liệu có trong đơn đăng ký sáng chế.
Thời gian tiến hành quy trình thẩm định hình thức sẽ là 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn. Sau thời hạn được quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dựa trên kết quả thẩm định:
- Trường hợp đơn đáp ứng các yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phát hành Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và công bố đơn;
- Trường hợp đơn không đáp ứng các yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định từ chối và yêu cầu chủ đơn/ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành sửa đổi/bổ sung theo yêu cầu trong thời hạn ấn định là 02 tháng, kể từ ngày phát hành thông báo. Trường hợp người nộp đơn không có bất kỳ phản hồi nào trong thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định từ chối chấp nhận đơn.
2.2 Công bố đơn đăng ký sáng chế
Đơn đăng ký sáng chế sẽ được công bố nhằm mục đích cho bên thứ ba có thể thưc hiện phản đối đơn cũng như để người nộp đơn có thể tiến hành theo dõi tiến trình xử lý đơn đăng ký. Thời gian công bố đơn đăng ký sáng chế như sau8:
- Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên;
- Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
2.3 Thẩm định nội dung
Thủ tục cuối cùng cũng là thủ tục quan trọng nhất trong quá trình đăng ký sáng chế là bước thẩm định nội dung. Khác với những quy trình đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không chủ động thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế sau khi đã hoàn tất thủ tục thẩm định hình thức. Thay vào đó, chủ đơn hoặc đại diện sở hữu công nghiệp phải nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung đến Cục Sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian qu định. Cụ thể, trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể yêu cầu Cuc Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn với điều kiện phải nộp phí thẩm định nội dung đơn.9
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định nội dung đơn đăng ký theo trình tự bao gồm:
- Đánh giá sự phù hợp của đối tượng nêu trong đơn với loại văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp;
- Đánh giá đối tượng theo từng điều kiện bảo hộ;
- Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Các nội dung giải pháp kỹ thuật được đánh giá bao gồm:
- Xác định đối tượng nêu trong đơn có phải là giải pháp kỹ thuật hay không bằng cách xem xét tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật của đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong từng điểm yêu cầu bảo hộ có đưa ra được cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật để giải quyết nhiệm vụ xác định nhằm đạt được mục đích mà sáng chế đặt ra hay không.
- Xác định đối tượng nêu trong đơn thuộc dạng sản phẩm hay quy trình theo các dấu hiệu kỹ thuật nêu trong từng điểm yêu cầu bảo hộ
- Xác định đối tượng nêu trong đơn có trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh, tức là thuộc đối tượng không được Nhà nước bảo hộ hoặc có thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế trong trường hợp vì lý do nào đó mà vấn đề này chưa thể kết luận được trong quá trình thẩm định hình thức.
Sau khi các nội dung nêu trên đã được thẩm định và đáp ứng các điều kiện theo quy định, đơn đăng ký sẽ được chấp thuận và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ. Sáng chế sẽ được chính thức bảo hộ kể từ thời điểm sáng chế được cấp Văn bằng bảo hộ.
(1) Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(2) Điều 7 và Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(3) Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(4) Điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(5) Điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(6) Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2020 và 2022.
(7) Khoản 1 Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN
(8) Điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN
Một số bài viết liên quan:
-
Yêu cầu khi thực hiện mô tả chi tiết sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam
-
Quy định của pháp luật Việt Nam về cách thức nộp đơn đăng ký sáng chế
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.