Phần 1: NHẬN DIỆN TÀI SẢN TRÍ TUỆ DƯỚI GÓC ĐỘ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang dần hình thành và lan tỏa khắp toàn cầu, khi mà công nghệ đang là một trong những yếu tố tiên phong, chiếm ưu thế trong nền kinh tế, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng và giá trị của các tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế hiện đại nói chung.
Tuy vậy, tại Việt Nam, trừ các start-up công nghệ, không nhiều doanh nghiệp thật sự chú trọng đến việc quản trị các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình một cách bài bản, một phần xuất phát từ việc các tài sản trí tuệ chưa phát sinh lợi ích ngay cho doanh nghiệp, phần khác cũng xuất phát từ việc các chủ doanh nghiệp, các nhà điều hành chưa nhận diện được các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình để tiến hành các biện pháp quản lý phù hợp.
Để kiếm được tiền từ các tài sản trí tuệ, các nhà kinh doanh trước hết phải nhận diện được nó là gì, nó tồn tại ở đâu trong doanh nghiệp mình, sau đó mới xem xét đến cách thức quản trị các tài sản trí tuệ này như thế nào, và cuối cùng mới là làm gia tăng giá trị của các tài sản này và kiếm tiền từ đó. Trong bài viết này, Apolat Legal làm rõ các hình thức thể hiện cơ bản của tài sản trí tuệ để người đọc có thể nhận diện được tài sản trí tuệ hiện hữu trong doanh nghiệp mình, từ đó mới có cơ sở thực hiện các bước quản trị tài sản trí tuệ tiếp theo.
Tài sản trí tuệ, đầu tiên và trên hết, phải là một sản phẩm được tạo ra từ hoạt động trí tuệ của con người. Những suy nghĩ, ý tưởng; hay thậm chí cả những cảm nhận, cảm xúc… về mọi sự vật, hiện tượng, vấn đề trong cuộc sống đều là những sản phẩm sơ khai của hoạt động trí tuệ của con người. Những ý tưởng, cảm nhận này không đòi hỏi người tạo ra nó phải tốn nhiều thời gian, công sức, và kéo theo đó là không sinh ra lợi nhuận nên rất dễ được chia sẻ với người khác. Nhưng khi được đầu tư công sức nhiều hơn, các suy nghĩ, ý tưởng dần trở thành các sản phẩm trí tuệ, thậm chí là các tài sản theo quy định của pháp luật.
Biểu đồ trên đây mô tả sơ bộ quá trình phát triển và các hình thức thể hiện của một sản phẩm trí tuệ. Nguồn tri thức tiềm ẩn của một cá nhân là rất lớn, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở kinh nghiệm, bí quyết, kỹ thuật, sự sáng tạo, đây cũng chính là thứ tạo ra các suy nghĩ, ý nghĩ, cảm tưởng – những hình thức thể hiện sơ khai của hoạt động trí tuệ tại Bảng 1. Từ những sản phẩm trí tuệ sơ khai này, thông qua trình làm việc, sáng tạo, con người mới thể hiện các tri thức tiềm ẩn đó ra bên ngoài thông qua các sản phẩm là tài liệu, bản vẽ, chương trình, dữ liệu, quy trình… và nếu khai thác tốt, các sản phẩm trí tuệ này có thể trở thành các tài sản trí tuệ và thậm chí là một loại tài sản được pháp luật công nhận (quyền sở hữu trí tuệ).
Quá trình tạo lập một sản phẩm trí tuệ phải trải qua khá nhiều bước, trong đó, không phải hình thái nào của loại sản phẩm trí tuệ này cũng được pháp luật bảo hộ, dù rằng nó vẫn có thể đem đến những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Và ngay cả khi các sản phẩm trí tuệ này đã đủ điều kiện để có thể trở thành một tài sản hợp pháp theo quy định của pháp luật, không phải thương nhân nào cũng biết hoặc để ý đến việc đăng ký bảo hộ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm phát sinh các quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, việc nhận diện và quản trị các sản phẩm trí tuệ phát sinh trong quá trình hoạt động doanh nghiệp để biến nó thành tài sản trí tuệ, thậm chí là quyền tài sản là rất quan trọng, thậm chí có thể tạo thành lợi thế thương mại và tạo nên các giá trị thị trường của doanh nghiệp.
Như đã đề cập ở trên, các tri thức tiềm ẩn của cá nhân người lao động rất nhiều, nhưng khi nó được thể hiện ra bên ngoài thông qua quá trình làm việc, được định hình trong một hình thức nhất định mà doanh nghiệp có thể khai thác được như các sản phẩm, quy chế, quy trình, biểu mẫu, báo cáo, tài liệu về kiến thức, bí quyết, sáng chế, sáng kiến,… thì doanh nghiệp phải xác định được các vấn đề sau:
- được các sản phẩm đó có thể đem lại các lợi ích gì cho mình không?
- có thể được bộc lộ ra bên ngoài không hay phải giữ bí mật?
- sản phẩm này có phải thực hiện thủ tục gì để trở thành tài sản không?
Từ việc trả lời những câu hỏi đó, người quản lý doanh nghiệp mới nhận diện được các tài sản trí tuệ đang phát sinh trong doanh nghiệp mình và tiến hành phân loại sơ bộ, từ đó tiếp tục có những biện pháp quản trị phù hợp tiếp theo.
Việc nhận diện tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp là quá trình dài hạn và phải được thực hiện một cách thường xuyên, vì hoạt động sáng tạo và các sản phẩm trí tuệ thì luôn phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chỉ là những người quản lý, chủ sở hữu có đủ tinh tế, tỉ mỉ để nhận ra nó, và phát triển nó lên một tầm cao mới hay không.