Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ công việc, học tập, và cuộc sống cá nhân, nhiều người tìm đến phim ảnh như là cách để giảm căng thẳng và stress hàng ngày. Tuy nhiên, việc sản xuất một bộ phim cần nhiều công đoạn và cần “sự góp sức” của nhiều bên liên quan nên việc phân định quyền của từng bên đối với phim rất khó xác định. Vì vậy, bài viết này nhằm mục đích xác định rõ quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc sản xuất phim ảnh.
1. Khái niệm về tác phẩm điện ảnh
Phim ảnh là một dạng tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Nghị định 17/2023/NĐ-CP nêu định nghĩa tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
2. Phân định quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm điện ảnh
Như đã đề cập tại phần giới thiệu bài viết, một bộ phim có nhiều công đoạn sản xuất và tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ có những phần quyền tương ứng, bao gồm các quyền sau:
2.1. Quyền tác giả:
Về quy định chung của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên đối với tác phẩm điện ảnh, Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hướng dẫn phân quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh như sau:
- Biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh có quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân này còn có thể thỏa thuận về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm đối với nhóm chủ thể có quyền nêu trên.
2.2. Quyền liên quan đến quyền tác giả:
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Đối với tác phẩm điện ảnh, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng là các đối tượng được hưởng quyền liên quan, cụ thể như sau:
a) Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình:
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền:
- Sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022;
- Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 của Luật này;
- Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình, kể cả sau khi được phân phối bởi nhà sản xuất hoặc với sự cho phép của nhà sản xuất;
- Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình của mình, bao gồm cả cung cấp tới công chúng bản ghi âm, ghi hình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.
b) Quyền của tổ chức phát sóng:
- Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản định hình chương trình phát sóng của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 31 Luật này;
- Định hình chương trình phát sóng của mình;
- Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản định hình chương trình phát sóng của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 31 Luật này.
3. Một số lưu ý khi thực hiện quyền đối với tác phẩm điện ảnh
Tác phẩm điện ảnh thường là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều cá nhân và tổ chức, dẫn đến việc xác định vai trò và đóng góp của từng người trong việc sáng tạo tác phẩm trở nên phức tạp. Trong quá trình khai thác và sử dụng quyền, vẫn tồn tại một số trường hợp các tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền của các bên khác đối với tác phẩm. Dưới đây là một số vấn đề mà các tổ chức, cá nhân cần lưu ý khi thực hiện quyền của mình:
- Đối với việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm điện ảnh, biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh.
- Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.
- Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền đối với bản ghi âm, ghi hình, quyền đối với chương trình phát sóng không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền theo quy định của Luật, phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.