Các Nhà Đầu Tư thường hợp tác thành lập công ty để cùng kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, mỗi bên có những thế mạnh riêng giúp cho Công Ty Liên Doanh phát huy được các tiềm năng phát triển. Với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và đội ngũ chuyên gia của Nhà Đầu Tư Nước ngoài, kết hợp với sự am hiểu sâu sắc thị trường nội địa, mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp của Nhà Đầu Tư Việt Nam đã giúp cho nhiều liên doanh thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài mong muốn được đầu tư trong ngành nghề có điều kiện tiếp cận thị trường về tỷ lệ sở hữu, yêu cầu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài phải liên doanh với Nhà Đầu Tư Việt Nam với một tỷ lệ sở hữu giới hạn. Ví dụ ngành nghề vận tải hàng hoá bằng đường bộ, theo biểu cam kết gia nhập WTO, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài phải liên doanh với Nhà Đầu Tư Việt Nam, tỷ lệ sở hữu của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không được vượt quá 49%.
Nhằm thống nhất các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công Ty Liên Doanh, các Nhà Đầu Tư được khuyến khích thương lượng ký kết Hợp Đồng Liên Doanh trước khi tiến hành các thủ tục cần thiết để thành lập công ty. Những nội dung chính, quan trọng trong Hợp Đồng Liên Doanh gồm có:
1. Thành lập doanh nghiệp
Đây là nội dung quan trọng đầu tiên mà các bên phải thoả thuận, thành lập một Công Ty Liên Doanh có tư cách pháp nhân độc lập với Nhà Đầu Tư để kinh doanh trong thời gian tới. Các Bên phải thống nhất tên công ty và địa chỉ trụ sở để hoạt động và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạm vi hoạt động kinh doanh
Các Bên xác định rõ phạm vi hoạt động hay còn gọi là ngành nghề kinh doanh của Công Ty Liên Doanh, từ đó lập kế hoạch kinh doanh phù hợp và tập trung phát triển. Sau khi thành lập, Các Bên được quyền thay đổi tăng hoặc giảm phạm vi hoạt động phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Do có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài tham gia liên doanh nên Các Bên cần phải kiểm tra điều kiện tiếp cận thị trường đối với mỗi Nhà Đầu Tư Nước Ngoài, từ đó xác định ngành nghề kinh doanh mà Các Bên lựa chọn có thể đăng ký cho Công Ty Liên Doanh được hay không.
3. Vốn góp và tỷ lệ sở hữu
Đây là tổng số vốn Các Bên cam kết góp vào Công Ty Liên Doanh sau khi được thành lập, thời hạn góp là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Trong đó, Các Bên phải thương lượng loại tài sản dùng để góp vốn và tỷ lệ sở hữu của mỗi Nhà Đầu Tư. Tỷ lệ sở hữu này không chỉ là là nghĩa vụ, mà còn tương ứng với các quyền phân chia lợi nhuận, biểu quyết hay quyết định các nội dung quan trọng của Công Ty Liên Doanh.
Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài về tỷ lệ sở hữu để Công Ty Liên Doanh được hoạt động trong ngành nghề nhất định, Các Bên xem xét lựa chọn tỷ lệ góp vốn cho phù hợp với điều kiện này.
4. Chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp
Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần cho người không phải là cổ đông sáng lập trong thời gian 03 năm đầu thành lập công ty cổ phần, hoặc thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu cũng bị hạn chế chuyển nhượng cho người ngoài mà không có giới hạn về thời gian. Ngoài ra, Các Bên có thể thoả thuận thêm các hạn chế khác đối với việc chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp, bao gồm quyền từ chối đầu tiên (Right of first refusal), quyền kéo theo (Drag-along right), quyền bán theo (Tag-along right), quyền chọn mua (Call option), quyền chọn bán (Put option).
5. Cơ cấu tổ chức
Tuỳ theo loại hình doanh nghiệp mà Các Bên đã lựa chọn, Công Ty Liên Doanh sẽ có cơ cấu tổ chức như sau:
- Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Khi đó, những người quản lý công ty gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Đối với Công ty Cổ phần, Các Bên có quyền lựa chọn một trong các cơ cấu tổ chức như sau:
(i) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
(ii) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.
Khi đó, những người quản lý công ty bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Mặc dù, những người quản lý trên được bầu, bổ nhiệm bởi Hội Đồng Thành Viên hoặc Hội Đồng Quản Trị theo quy định của Luật Doanh Nghiệp và Điều Lệ Công Ty, Các Bên có thể thương lượng về quyền chỉ định những người quản lý này, bao gồm cả những người quản lý khác như Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng.
Ví dụ: Các Bên thương lượng rằng Nhà Đầu Tư Việt Nam được quyền chỉ định Tổng giám đốc để quản lý hoạt động kinh doanh hằng ngày, và Nhà Đầu Tư Nước Ngoài được quyền chỉ định Kế toán trưởng để kiểm soát chi phí và quản lý tài khoản ngân hàng của Công Ty Liên Doanh. Theo đó, để tuân thủ theo thoả thuận này, Các Bên sẽ phải sắp xếp bầu, bổ nhiệm Tổng giám đốc và Kế toán trưởng theo nội dung đã thoả thuận trong Hợp Đồng Liên Doanh và đồng thời tuân thủ đúng Luật Doanh Nghiệp và Điều Lệ Công Ty.
6. Phân chia lợi nhuận
Lợi nhuận sẽ chỉ được phân chia cho các Nhà Đầu Tư sau khi Công Ty Liên Doanh đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ tài chính đối với Chính phủ và trích lập lợi nhuận vào các quỹ của Công Ty Liên Doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như trích lập nguồn đầy đủ cho mục đích vốn lưu động theo quyết định của Hội Đồng Thành Viên/Hội Đồng Quản Trị, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận.
Theo quy định của pháp luật, lợi nhuận sẽ được phân chia cho Các Bên vào thời điểm và với giá trị theo quyết định của Hội Đồng Thành Viên/Hội Đồng Quản Trị và theo tỷ lệ sở hữu tương ứng của Các Bên.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.