1. Điều kiện đối với Bên chuyển nhượng
Để thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu, Bên chuyển nhượng phải là chủ sở hữu nhãn hiệu được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc chủ đơn của đơn đăng ký nhãn hiệu đang được thẩm định (trường hợp chuyển nhượng đơn đăng ký). Tên của chủ sở hữu nhãn hiệu trên văn bằng phải trùng khớp với tên của Bên chuyển nhượng trong hồ sơ đăng ký chuyển nhượng. Vấn đề thường phát sinh là Bên chuyển nhượng đã đổi tên nhưng không làm thủ tục đăng ký thay đổi thông tin chủ sở hữu trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, dẫn đến đơn chuyển nhượng nhãn hiệu không được chấp nhận. Trong trường hợp này, Bên chuyển nhượng phải cập nhật lại tên mới trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu.
2. Điều kiện đối với Bên nhận chuyển nhượng
Bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện là chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy định của Luật nhãn hiệu Trung Quốc.
3. Yêu cầu đối với các nhãn hiệu được chuyển nhượng
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu cần thỏa mãn một số yêu cầu sau:
- Việc chuyển nhượng nhãn hiệu không được tạo ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Theo đó, tất cả các nhãn hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu đang chuyển nhượng với hàng hóa trùng hoặc tương tự cũng phải được chuyển nhượng cùng lúc.
- Với nhãn hiệu có nhiều nhóm thì khi chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ phải chuyển nhượng tất cả các nhóm của nhãn hiệu, không thể chỉ thực hiện chuyển nhượng một nhóm của nhãn hiệu.
4. Các hồ sơ cần chuẩn bị
- Văn bản ủy quyền ký bởi Bên chuyển nhượng và Bên nhận chuyển nhượng;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Bên chuyển nhượng và Bên nhận chuyển nhượng (căn cước công dân/hộ chiếu đối với chủ đơn là cá nhân);
- Văn bản chuyển nhượng (Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc không yêu cầu văn bản chuyển nhượng theo mẫu nhất định mà chấp nhận văn bản chuyển nhượng do các bên thỏa thuận);
Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu đã chấm dứt tồn tại của mình (do hợp nhất, sáp nhập, hoặc tái cơ cấu, quyết định của tòa án, …), các bên không cần thiết phải cung cấp tài liệu định danh và giấy ủy quyền của bên chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng cũng không cần ký, đóng dấu vào đơn đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu. Tuy nhiên, các bên phải nộp các các tài liệu pháp lý phù hợp hợp pháp để chứng minh quyền đối với nhãn hiệu tương ứng.
5. Các bước tiến hành và thời gian
B1: chuẩn bị các hồ sơ cần nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc;
B2: nộp các tài liệu cần thiết cho Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc;
B3: hồ sơ được thẩm định hình thức bởi Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc
B4: Thông báo nộp lệ phí bởi Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc.
Tổng thời gian thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu tại Trung Quốc (trong trường hợp hồ sơ không bị yêu cầu điều chỉnh, bổ sung) là 02 – 04 tháng kể từ ngày nộp đơn.
6. Các vấn đề rủi ro thường gặp
Với nhiều bên, việc chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ là một thủ tục hành chính thông thường. Trong hầu hết trường hợp, điều này là đúng. Tuy nhiên thủ tục này không phải không có bất kì rủi ro hoặc vấn đề pháp lý trọng yếu. Trên thực tế, nhiều vấn đề pháp lý thực sự cần các bên cân nhắc nếu muốn việc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Trung Quốc diễn ra suông sẻ và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.
- Nhãn hiệu chuyển nhượng có thể thuộc trường hợp bị chấm dứt hiệu lực.
- Nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy nếu thuộc trường hợp không được sử dụng liên tục trong 03 năm mà không có lý do chính đáng.
- Nhãn hiệu chuyển nhượng tương tự với tên thương mại của bên chuyển nhượng, dẫn đến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
- nhãn hiệu chuyển nhượng nộp đơn trên cơ sở không trung thực, không có quyền đăng ký, khiến nhãn hiệu có thể bị yêu cầu hủy hoặc chấm dứt hiệu lực.
7. Các câu hỏi thường gặp khi chuyển nhượng nhãn hiệu tại Trung Quốc
(1) Khi nào cần tiến hành chuyển nhượng nhãn hiệu?
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu có thể được thục hiện trong một số trường hợp như tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh hdoanh, thay đổi chủ sở hữu vốn tại chủ đơn là doanh nghiệp, chủ đơn giải thể, qua đời hoặc chấm dứt sự tồn tại, tối ưu danh mục quản lý tài sản sở hữu trí tuệ.
(2) Tài liệu chuyển nhượng có cần công chứng tại Việt Nam không?
Việc công chứng tài liệu chuyển nhượng là không bắt buộc, tuy nhiên điều này được khuyến nghị nên thực hiện để tránh các tranh chấp về sau.
(3) Có thể thực hiện chuyển nhượng nếu nhãn hiệu đang trong giai đoạn thẩm định hay không?
Bạn có thể thực hiện điều này. Khi đó, thủ tục cần thực hiện là thủ tục chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đơn đăng ký nhãn hiệu sau đó có thể bị từ chối bảo hộ mà không liên quan đến việc chuyển nhượng đơn.
(4) Thời gian Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc thẩm định hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu là bao lâu?
Thông thường từ khoảng 4 – 6 tháng. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện một số vụ việc mà thời gian xử lý chỉ khoảng 2 tháng. Lưu ý rằng mọi khoản thời gian đưa ra chỉ nhằm mục đích tham khảo và dựa trên kinh nghiệm của các vụ việc trong quá khứ, không thể đảm bảo cho tiến độ xử lý các vụ việc trong tương lai.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.