Mickey Mouse là nhân vật hoạt hình quen thuộc với khán giả ở mọi lứa tuổi, được công bố đến công chúng lần đầu tiên vào năm 1928 và dần trở thành một nhân vật tiêu biểu và đại diện cho hình ảnh của Công ty Walt Disney (sau đây gọi là “Disney”). Chính thức vào ngày 01/01/2024, chú chuột Mickey đã hết thời hạn bảo hộ tại Hoa Kỳ và trở thành tài sản công cộng.
1. Quy định pháp luật của Mỹ về quyền tác giả
Quyền tác giả là một quyền pháp lý nhằm bảo vệ các sản phẩm sáng tạo của tác giả hoặc chủ sở hữu khỏi các hành vi xâm phạm quyền. Thời hạn bảo hộ tác phẩm sẽ chỉ trong một khoản thời gian nhất định, không vĩnh viễn. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ((Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works) gọi tắt là “Công ước Berne”) quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết[1]. Các Quốc gia thành viên, bao gồm Hoa Kỳ và Việt Nam, phải tuân thủ theo khung thời gian bảo hộ tối thiểu được quy định tại Công ước Bern, và có thể kéo dài thời gian bảo hộ, tùy thuộc vào quy định pháp luật quốc gia.
Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của truyền thông, truyền hình và các lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan khác. Tại thời điểm bộ phim Steamboat Willie lần đầu được phát sóng, Đạo luật Bản quyền 1909 quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 28 năm và được gia hạn thêm 28 năm[2]. Về những giai đoạn sau, các công ty giải trí đã có những tác động mạnh mẽ và tạo ra nhiều cuộc vận động hành lang đến Quốc Hội nhằm thực hiện sửa đổi Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả Disney – chủ sở hữu quyền tác giả đối với nhân vật Mickey Mouse. Sau nhiều giai đoạn sửa đổi khác nhau, chính thức vào năm 1998, Quốc Hội đã thông qua Đạo luật gia hạn bản quyền 1998 hay còn được gọi là Đạo luật gia hạn bản quyền Sonny Boo[3].
Theo đó, căn cứ theo Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ, các tác phẩm được sáng tạo sau ngày 01/01/1978, thời hạn bảo hộ sẽ bắt đầu từ thời điểm tác phẩm được hình thành và 70 năm sau khi tác giả chết. Đối với các tác phẩm khuyết danh hoặc tác phẩm bút danh (trường hợp tên của tác giả không được công bố) hoặc các tác phẩm được làm thuê, thời hạn bảo hộ sẽ là 95 năm kể từ ngày công bố đầu tiên, hoặc 120 năm kể từ ngày sáng tạo, tùy thuộc vào thời hạn nào hết hạn trước. Tác phẩm có đồng tác giả sẽ có thời hạn kéo dài sau 70 năm, kể từ ngày tác giả cuối cùng chết. Cơ sở phát sinh quyền đối với tác phẩm Steamboat Willie là tác phẩm được thuê (work for hire)[4], chính vì thế, tác phẩm chính thức hết thời hạn bảo hộ vào ngày 01/01/2024, bao gồm cả cốt truyện, lời thoại, bối cảnh, sự kiện, nhân vật của bộ phim.
Nhân vật hoạt hình nổi tiếng trở thành tài sản công cộng là một cơ hội pháp lý cho các bên tận dụng hình ảnh vào trong các tác phẩm của mình cho mục đích thương mại. Cùng như hoàn cảnh Winnie the Pooh[5], Mickey Mouse cũng như Steamboat Willie bị biến tấu thành một bộ phim kinh dị “The Return of Steamboat Willie[6]. Pháp luật Hoa Kỳ quy định rằng, khi tác phẩm trở thành tác phẩm công cộng, công chúng được tự do sử dụng mà không bị bất kỳ giới hạn nào.
2. Những điểm cần lưu ý khi thời hạn bảo hộ nhân vật Mickey Mouse đã kết thúc
2.1 Chỉ nhân vật Mickey Mouse – phiên bản nguyên thủy trong bộ phim Steamboat Willie hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, không bao gồm các phiên bản phái sinh về sau
Hình ảnh nhân vật Mickey Mouse phiên bản mới được xem là một tác phẩm phái sinh của nhân vật Mickey Mouse gốc trong bộ phim Steamboat Willie. Tác phẩm phái sinh được hiểu là tác phẩm dựa trên một hoặc một số yếu tố của tác phẩm gốc và phát triển thành một tác phẩm mới, bao gồm các tác phẩm dịch, bản phối nhạc,…. Có thể hiểu rằng, tác phẩm phái sinh về bản chất vẫn được xác định là một tác phẩm, vì thế, thời hạn bảo hộ không phụ thuộc vào tác phẩm gốc. Như vậy, thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm phái sinh tương tự với tác phẩm thông thường và bắt đầu từ thời điểm tác phẩm phái sinh được hình thành. Từ những căn cứ trên, các phiên bản Mickey Mouse hiện đại vẫn được bảo hộ quyền tác giả, công chúng chỉ được phép tự do sử dụng tác phẩm Steamboat Willie, không bao gồm các tác phẩm phái sinh về sau.
2.2 Nhân vật Mickey Mouse đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Với tinh thần Mickey Mouse là một linh vật của Disney, Disney đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho nhân vật Mickey Mouse và tên nhân vật trong nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn đồ chơi, dịch vụ khách sạn, công viên và các hàng hóa, dịch vụ khác. Có thể nói, dù rằng Disney đã mất quyền bảo hộ tác giả đối với phiên bản nguyên thủy của Mickey Mouse nhưng họ vẫn có thể xử lý xâm phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu. Lưu ý rằng, quyền nhãn hiệu và quyền tác giả là hai quyền sở hữu trí tuệ độc lập. Dưới tư cách là một chủ sở hữu nhãn hiệu, Disney có quyền xử lý xâm phạm đối với các hành gắn nhãn hiệu lên các sản phẩm, phương tiện dịch vụ,… trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Mickey Mouse.
Thế nhưng, ranh giới giữa xử lý xâm phạm quyền tác giả và quyền nhãn hiệu vẫn còn là một điều vấn đề pháp lý mới. Theo một số giáo sư cho rằng, việc phân biệt giữa hai quyền này phụ thuộc vào “góc nhìn của người tiêu dùng”[7]. Theo đó, việc gắn nhãn hiệu có dấu hiệu xâm phạm lên các sản phẩm dẫn đến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng được xác định là một hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Hiện nay, Quốc hội Hoa Kỳ không đưa ra những hướng dẫn liên quan đến vấn đề pháp lý xử lý xâm phạm giữa quyền tác giả và nhãn hiệu khi tác phẩm trở thành tác phẩm công cộng, vì tác phẩm được công bố trước năm 1928 mới bắt đầu hết thời hạn trong những năm gần đây, đây là vẫn còn là một vấn đề mới[8].
2.3 Thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ phụ thuộc vào quy định pháp luật quốc gia
Công ước Bern quy định rằng, tác phẩm sẽ được bảo hộ tự động mà không bị lệ thuộc vào hình thức thủ tục liên quan. Các quốc gia thành viên của Công ước Bern phải tuân thủ theo nguyên tắc đối xử quốc gia, cụ thể hơn, là nguyên tắc đặt ra cho các quốc gia thành viên thực hiện bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác, tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình[9]. Như vậy, quyền tác giả sẽ được bảo hộ dựa trên pháp luật của từng quốc gia. Thời gian bảo hộ của nhân vật Mickey Mouse sẽ hết thời hạn tại Hoa Kỳ, thế nhưng, chúng vẫn còn được bảo hộ ở một số quốc gia khác.
3. Quy định pháp luật Việt Nam về việc tác phẩm trở thành tác phẩm công cộng
Pháp luật Việt Nam không đưa ra một định nghĩa về “miền công cộng” hoặc “tác phẩm công cộng” cụ thể như quy định của Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ. Tương tự như cách hiểu theo quy định pháp luật Hoa Kỳ, tài sản trở thành tài sản công cộng khi tác phẩm hết thời gian bảo hộ quyền tác giả.
Căn cứ theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể như sau:
“1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.”
Căn cứ theo quy định trên, các quyền nhân thân sẽ được bảo hộ vô thời hạn bao gồm (i) Đặt tên cho tác phẩm, (ii) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và (iii) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Theo quan điểm một số luật sư, việc xác định như thế nào là “xuyên tạc” hoặc “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” sẽ rất phức tạp và khó khăn vì dựa vào quan điểm chủ quan của từng chuyên viên[10]. Đặt trường hợp nhân vật Winnie the Pooh bị sử dụng làm hình ảnh nhân vật trong bộ phim kinh dị, tác giả có quyền sử dụng quyền nhân thân để yêu cầu chủ thể sử dụng chấm dứt hành vi sử dụng tác phẩm mang tính xuyên tạc.
Theo quy định pháp luật Việt Nam về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, nhân vật Mickey Mouse đã trở thành tài sản công cộng tại Việt Nam vào năm 2003. Mọi chủ thể trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam đều có thể tự do sử dụng tác phẩm mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm. Thế nhưng, trong thời đại Internet làm thế nào để xác định hành vi sử dụng tác phẩm phù hợp với quy định pháp luật? Trong những năm 2003 đến năm 2024, khi người dùng tại Việt Nam sử dụng hình ảnh Mickey Mouse và đăng tải lên website có tên miền “.vn”, hành vi này là phù hợp với pháp luật. Ngược lại, tác phẩm phái sinh được đăng tải lên tên miền “.us” được xác định là xâm phạm quyền tác giả, vì đây là tên miền của Hoa Kỳ và trong khoảng thời gian ấy, Disney có quyền bảo hộ quyền tác giả đối với nhân vật Mickey Mouse.
[1] Khoản 1 Điều 7 Công ước Bern
[2] Copyright Timeline: A History of Copyright in the United States, Association of Research Libraries
[3] Sonny Bono là một ca sĩ, diễn viên và chính trị gia người Mỹ nổi tiếng. Các nghị sĩ và những người nổi tiếng đã hỗ trợ ông gia hạn bảo vệ bản quyền trước khi ông qua đời vào đầu năm 1998. Đạo luật này được đặt tên để vinh danh ông. Trong khi đó, những người phản đối đạo luật này gọi nó là “Đạo luật bảo vệ chuột Mickey”.
[4] Cyrus Moulton, Mickey Mouse raises question: What is the difference between copyright and trademark? It’s a ‘gray’ area, expert says, 05/01/2024, https://news.northeastern.edu/2024/01/05/mickey-mouse-public-domain-copyright-.
[5] Vào ngày 01/01/2022, nhân vật Winnie the Pooh được sáng tác bởi tác giả A.A.Milne, thuộc sở hữu của Công ty Walt Disney chính thức trở thành tài sản công cộng. Theo đó, nhân vật này được đã được đưa vào bộ phim kinh dị Winnie-the-Pooh: Blood and Honey được trình chiếu vào ngày 13/2/2022. Bộ phim được đánh giá là làm mất đi hình ảnh nhân vật tươi vốn, dành cho thiếu nhi vốn có.
[6] Hayleigh Bosher, Is Mickey Mouse in the Public Domain?, The IP KAT https://ipkitten.blogspot.com/2024/01/is-mickey-mouse-in-public-domain.html
[7] Cyrus Moulton, Mickey Mouse raises question: What is the difference between copyright and trademark? It’s a ‘gray’ area, expert says, 05/01/2024, https://news.northeastern.edu/2024/01/05/mickey-mouse-public-domain-copyright-
[8] Rachel Reed, No Mickey Mouse operation, Harvard Law Today, 06/10/2023, https://hls.harvard.edu/today/harvard-law-i-p-expert-explains-how-disney-has-influenced-u-s-copyright-law-to-protect-mickey-mouse-and-winnie-the-pooh/
[9] WIPO, Summary of the Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works (1886)
[10] Chi Lan Dang, Vietnam’s public domain: digging the gold mine with care, Managing IP, 23/01/2024.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.