Trong thời gian qua, hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng đang là vấn đề nan giải vì mặc dù các cơ quan thi hành án dân sự đã rất nỗ lực, cố gắng để giải quyết nhưng kết quả thi hành án đạt được chưa như mong đợi khi tỷ lệ thi hành án còn thấp, số việc, số tiền phải thi hành án còn lớn, tiến độ thi hành án còn kéo dài. Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (“THADS”) thì trong 6 tháng đầu năm 2019, kết quả thi hành án thu hồi nợ xấu trong hoạt động thi hành án tín dụng, ngân hàng trên toàn quốc như sau: Tổng thụ lý là 25.093 việc, tăng 3.585 việc (tăng 16,67%) so với cùng kỳ năm 2018; với số tiền là 105.201 tỷ 29 triệu 644 nghìn đồng, tăng 20.981 tỷ 11 triệu 646 nghìn đồng (tăng 24,91%) so với cùng kỳ năm 2018. Về việc chiếm 3,84% và 60,68% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống. Qua báo cáo của Tổng cục THADS có thể thấy tuy án tín dụng ngân hàng về việc chỉ chiếm 3,84% nhưng lại chiếm đến 60,68% về tiền, đây là một con số quá lớn.
Để đẩy mạnh công tác thu hồi nợ xấu, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 (“Nghị Quyết 42”) như một công cụ pháp lý hỗ trợ cơ quan THADS và các Tổ Chức Tín Dụng trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng Nghị Quyết 42 đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện trên thực tế. Trong đó vướng mắc nổi cộm nhất có thể kể đến là quy định liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu.
Theo khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 42/2017/QH14, việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, khi chuyển nhượng tài sản là bất động sản thì người có tài sản chuyển nhượng (bao gồm cả người phải THA) đều thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân[1]. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 và điểm 2.4 Mục 2 Công văn 3022/TCTHADS-NV1 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 thì số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho Tổ chức tín dụng (“TCTD”) sau khi trừ chi phí cưỡng chế và nghĩa vụ thuế chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế. Tuy nhiên, trên thực tế đa phần số tiền thu được sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm đều không đủ để thanh toán cho các TCTD chứ nói gì đến việc còn đủ tiền để thanh toán cho nghĩa vụ thuế.
Trong khi đó, tại Công văn số 4606/BTC-TCT ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quán triệt thực hiện Nghị quyết số 42 cũng không hướng dẫn cụ thể về trường hợp này nên các cơ quan thuế đều khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá đã tạo tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, thậm chí dẫn đến người mua trúng đấu giá khởi kiện yêu cầu cơ quan THADS phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản[2].
Một tình huống thực tế liên quan đến bất cập này có thể kể đến là tranh chấp giữa ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ với công ty TNHH Thanh Ngọc. Cụ thể, theo Quyết định số 06/2017/QĐST-KDTM ngày 17/03/2017 của Toà án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ về việc công nhận sự thoả thuận của các đương sự là nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ (đại diện uỷ quyền ông Lê Thái Ngọc), địa chỉ: 03 Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; bị đơn là: công ty TNHH Thanh Ngọc (đại diện hợp pháp bà Trần Ngọc Nhanh), địa chỉ: 11/7 Cách mạng Tháng Tám, phường An Hoà, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ “ Buộc bị đơn có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số nợ vốn và lãi tính đến ngày 09/03/2017 là 313.826.388.272 đồng (Ba trăm mười ba tỷ tám trăm hai mươi sáu triệu ba trăm tám mươi tám ngàn hai trăm bảy mươi hai đồng). Trong đó nợ gốc là 163.183.999.384 đồng (Một trăm sáu mươi ba tỷ một trăm tám mươi ba triệu chín trăm chín mươi chín ngàn ba trăm tám mươi bốn đồng) và nợ lãi 150.642.388.888 đồng (Một trăm năm mươi tỷ sáu trăm bốn mươi hai triệu ba trăm tám mươi tám ngàn tám trăm tám mươi tám đồng)”.
Trong trường hợp bị đơn thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ như đã nêu trên thì nguyên đơn được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án phát mãi tài sản thế chấp được liệt kê sau theo các hợp đồng tín dụng số 02/HĐTD ngày 09/3/2010; Hợp đồng tín dụng số 01-/HD9TD-2011 ngày 06/9/2010 và Hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD.2011-12 ngày 22/9/2011 để thu hồi nợ.
Quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đã tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Do công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Ngọc (đại diện hợp pháp bà Trần Ngọc Nhanh) có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án nên Cục Thi hành án đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản của bà Trần Ngọc Nhanh là nhà, đất toạ lạc số 21 Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (thửa đất số 17, tờ bản đồ số 2). Ông Lê Văn Quân, địa chỉ: 7/10 ấp Bình, xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã mua trúng đấu giá với số tiền là 5.437.100.000 đồng (Năm tỷ bốn trăm ba mươi bảy triệu một trăm ngàn đồng). Căn cứ theo Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.”. Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ có văn bản đề nghị xem xét không thu thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản vụ công ty TNHH Thanh Ngọc bởi tài sản này được Ngân hàng xác nhận là nợ xấu và tài sản này hiện nay không đủ để thanh toán nợ đảm bảo cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, Chi cục Thuế có văn bản trả lời trường hợp trên không thuộc vào trường hợp miễn nộp thuế thu nhập cá nhân. Chính vì vậy, hiện nay khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng cho ông Lê Văn Quân.
Kiến nghị:
Để có thể giải quyết được vướng mắc trên, theo tác giả cần:
Một là, trước khi thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, cơ quan THADS cần có trách nhiệm làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xác định rõ các nghĩa vụ của chủ tài sản liên quan đến tài sản đó, tình trạng tài sản (như: ghi rõ vào hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản, thông báo bán đấu giá tài sản về các khoản nợ thuế, phí có liên quan…) để có thể thông báo công khai đến người đăng ký mua tài sản. Thêm vào đó, cơ quan THADS cũng cần phải thông báo rõ về trình trạng người phải thi hành án có đủ điều kiện để nộp các khoản thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hay không để người có nhu cầu mua tài sản được biết mà cân nhắc tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo và xảy ra tình huống ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua.
Hai là, Bộ Tư pháp cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý nợ xấu. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần quán triệt, hướng dẫn các cơ quan thuế những chính sách liên quan về thuế được quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14.
[1] khoản 5 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
[2] Thái Trung, “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD trong THADS”, Báo Nhân dân điện tử http://nhandan.com.vn/phapluat/item/38195702-ve-thi-diem-xu-ly-no-xau-cua-cac-to-chuc-tin-dung-trong-thi-hanh-an-dan-su.html, truy cập ngày 14/4/2019