Một Số Bất Cập Và Lưu Ý Trong Vấn Đề Thừa Kế Tại Việt Nam Hiện Nay

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Không giới hạn đối tượng hưởng quyền thừa kế, người thừa kế không phải là cá nhân vẫn có quyền thừa kế, tuy nhiên quyền này là không đương nhiên và phải thực hiện theo di chúc hợp pháp của người để lại di sản thừa kế. Do đó, pháp nhân có quyền nhận di sản thừa kế và các quyền liên quan khác như một cá nhân khi có di chúc để lại di sản đó cho pháp nhân.

Sau khi mở thừa kế, những người có liên quan phải xác định có di sản để lại hay không, có di chúc hay không, những người thuộc các hàng thừa kế là ai. Khi có di chúc hợp pháp, di sản chỉ được phân chia cho những người được đề cập tại di chúc. Tuy nhiên, một số trường hợp tuy di chúc không cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó thì có quyền yêu cầu đồng thừa kế hoặc khởi kiện phân chia di sản thừa kế để nhận quyền được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật khi là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc. Ngoài ra, khi di chúc có nhắc đến những người thừa kế, tuy nhiên không nêu rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp các thừa kế chỉ định này có thỏa thuận khác.

Trường hợp không có di chúc để lại, di sản sẽ được phân chia theo quy định pháp luật về thừa kế. Những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và không theo di chúc đều phải thực hiện thủ tục kê khai nhận di sản tại bất kỳ văn phòng công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố hoặc ủy ban nhân dân phường đối với di sản phải đăng ký quyền sở hữu, thông thường là bất động sản.

Trong trường hợp là người thừa kế duy nhất thì khai nhận di sảnTrường hợp có nhiều đồng thừa kế khác thì thành lập thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Để tiến hành các thủ tục này, người có quyền được nhận di sản phải làm tường trình quan hệ nhân thân tại một trong các cơ quan như văn phòng công chứng và ủy ban nhân dân phường nơi mình cư trú.

Trường hợp một trong các đồng thừa kế từ chối nhận di sản thì phải lập văn bản từ chối nhận di sản để nộp kèm hồ sơ. Sau đó văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân sẽ mở thủ tục niêm yết đối với tài sản. Sau 15 ngày, nếu không có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo nào phát sinh đối với di sản thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Tất cả những hành động trên phải được thực hiện trong một thời gian nhất định gọi là thời hiệu thừa kế, quá thời hiệu này người được quyền thừa kế xem như là không có quyền thực hiện các hành động pháp lý để yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Bộ luật dân sự quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản, thời điểm bắt đầu tính từ thời điểm mở thừa kế. Trường hợp tài sản có người quản lý, không phân biệt thuộc hay không thuộc các hàng thừa kế, khi quá thời hiệu nêu trên người quản lý di sản có quyền sở hữu đối với di sản. Nếu di sản không có người quản lý, chiếm hữu sẽ thuộc về Nhà nước.

Tuy nhiên, đáp số cho câu hỏi nếu người chiếm hữu di sản thừa kế đã quá  thời hạn 30 năm đối bất động sản và 10 năm đối với động sản nhưng thời hiệu thừa kế vẫn còn hiệu lực thì giải quyết thế nào? Sở dĩ có trường hợp này như một ví dụ trong trường hợp một người quản lý, chiếm hữu tài sản từ lâu, nhưng sau đó Tòa án mới có quyết định tuyên bố một người mất tích, do vậy thời gian quản lý, chiếm hữu có thể vượt quá các thời gian của thời hiệu nói trên mà thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế vẫn còn. Khi đó, việc chiếm hữu di sản bao nhiêu năm không còn là điều kiện tiên quyết để quyết định quyền sở hữu tài sản vì người thừa kế vẫn còn quyền thừa kế.

Bên cạnh đó, người được hưởng thừa kế là người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Điều này được hiểu rằng trường hợp di sản để lại lớn hơn nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản thì những người được hưởng thừa kế  có trách nhiệm thanh toán các nghĩa vụ này, trường hợp di sản để lại nhỏ hơn nghĩa vụ của người để lại di sản thì xem như di sản đó để thực hiện nghĩa vụ và không có di sản thừa kế.

Ngoài ra, một vấn đề phát sinh liên quan đến thừa kế mà pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng là khi phát sinh hoa lợi, lợi tức từ di sản thừa kế mà người thừa kế đã nhận. Vấn đề đặt ra là nghĩa vụ tài sản do người để lại di sản có được dùng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ di sản để thanh toán hay không? Theo chúng tôi, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ di sản thừa kế là một phần tài sản hình thành trong tương lai thuộc về di sản thừa kế, do đó vẫn có quyền sử dụng hoa lợi, lợi tức này để thực hiện thanh toán nghĩa vụ của người để lại di sản.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.