Cơ sở pháp lý
1. Văn bản hợp nhất Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 (“Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014”);
2. Văn bản hợp nhất Luật thuế thu nhập cá nhân 2014 (“Luật thuế thu nhập cá nhân 2014”);
3. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore (“Hiệp định tránh đánh thuế hai lần”);
4. Luật Đầu tư 2014.
Hoạt động đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra sôi nổi, tuy nhiên ở chiều ngược lại khi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng đang trong chiều hướng tăng mạnh. Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là lợi nhuận và nghĩa vụ thuế đối với phần lợi nhuận thu được sau khi đầu tư đó. Tại bài viết này sẽ trình bày về các vấn đề pháp lý liên quan đến phần lợi nhuận từ việc cá nhân, tổ chức (gọi chung là nhà đầu tư) đầu tư ra nước ngoài vào Singapore sẽ được xử lý như thế nào và xác định nghĩa vụ thuế đối với phần lợi nhuận nói trên.
1. Quy định về xử lý lợi nhuận
Về việc lợi nhuận từ đầu tư vào Singapore sẽ có hai cách thức để xử lý. Thứ nhất, nếu nhà đầu tư muốn chuyển lợi nhuận từ Singapore về Việt Nam thì căn cứ vào Khoản 1 Điều 65 Luật đầu tư năm 2014, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư – ở đây là Singapore thì nhà đầu tư buộc phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở Singapore về Việt Nam. Khi hết thời hạn quy định 06 tháng nêu trên mà chưa chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác thu được từ đầu tư tại Singapore về Việt Nam, nhà đầu tư phải có văn bản để báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xin gia hạn. Và việc xin gia hạn này không quá hai lần, mỗi lần không quá 06 tháng, đồng thời phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ hai, trường hợp nhà đầu tư không chuyển lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư, từ dự án đầu tư ở Singapore về Việt Nam, mà sử dụng lợi nhuận đó để đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 Luật đầu tư 2014. Đối với trường hợp sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư như tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở Singapore thì lúc này nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra Singapore và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp, nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu từ dự án đầu tư ở Singapore để thực hiện dự án đầu tư khác ở Singapore hoặc ở một nước ngoài khác Singapore, nhà đầu tư tiến hành thực hiện thủ tục về điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư mới đó, phải đăng ký tài khoản vốn, tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Xác định nghĩa vụ thuế đối với phần lợi nhuận thu được sau khi đầu tư ở Singapore
2.1 Cách để tính thuế
Nhà đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp, căn cứ Đoạn 2 Khoản 2 Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định.” Và vì giữa Singapore với Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nên để xác định mức thuế phải nộp của nhà đầu tư doanh nghiệp sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định này.
Đối với nhà đầu tư là cá nhân, quy định tại Điều 9 Luật thuế thu nhập cá nhân 2014 đã nêu rõ, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore cũng được ưu tiên áp dụng để tính thuế thu nhập đối với nhà đầu tư trong trường hợp Hiệp định này có quy định khác so với Luật.
Như vậy, đối với trường hợp đầu tư vào Singapore, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore được đưa vào áp dụng điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu những quy định tại các Luật có hiệu lực tại Singapore và Việt Nam về điều chỉnh thuế đối với thu nhập tại các nước này không trái với những quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì các Luật này vẫn được áp dụng để điều chỉnh. Do đó, trong các trường hợp chẳng hạn như, xác định thời điểm tính thuế, cách tính số thuế phải nộp tại Việt Nam sẽ được xác định theo các quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014, Luật thuế thu nhập cá nhân 2014 và các văn bản pháp luật khác có liên quan[1].
Với thu nhập bị đánh thuế tại cả Singapore và Việt Nam, việc loại bỏ đánh thuế hai lần sẽ được thực hiện theo Điểm a Khoản 2 Điều 24 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Quy định được hiểu rằng số thuế phải nộp khi một “đối tượng cư trú của Việt Nam”[2] có thu nhập mà theo những quy định tại Hiệp định này có thể phải chịu thuế tại Singapore, Việt Nam sẽ cho phép đối tượng đó được khấu trừ vào thuế tại Việt Nam tính trên thu nhập của đối tượng cư trú đó một khoản tiền tương đương với số tiền thuế nộp tại Singapore. Trường hợp thu nhập đó là tiền lãi cổ phần do một công ty là đối tượng cư trú của Singapore trả cho một đối tượng cư trú của Việt Nam mà đối tượng đó là một công ty trực tiếp hay gián tiếp sở hữu không thấp hơn 10% vốn cổ phần của công ty là đối tượng cư trú của Singapore, thì số thuế được khấu trừ sẽ tính đến số thuế Singapore của công ty đó đã nộp trên phần lợi tức dùng để chia tiền lãi cổ phần. Tuy nhiên, số tiền thuế được khấu trừ sẽ không vượt quá phần thuế Việt Nam được tính trước khi cho phép khấu trừ, phân bổ trên phần thu nhập đó.
Nội dung của phương pháp khấu trừ thuế này có nghĩa là: khi một đối tượng cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế tại Singapore do thu nhập phát sinh tại Singapore và có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam do đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam. Để tránh tình trạng đánh thuế hai lần thì thuế được thu tại Singapore, nhà đầu tư tiến hành nộp như bình thường theo quy định. Khoản thuế mà nhà đầu tư phải nộp tại Việt Nam sẽ khấu trừ số tiền thuế đã nộp tại Singapore. Nhưng phải tuân theo nguyên tắc số tiền thuế được khấu trừ này sẽ không vượt quá phần thuế thu tại Việt Nam được tính trước khi cho phép khấu trừ, phân bổ trên toàn phần thu nhập đó.
Ví dụ: Bà A là đối tượng cư trú của Việt Nam tham gia góp vốn đầu tư thành lập công ty tại Singapore, bà A phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam đối với thu nhập từ đầu tư vốn với thuế suất 5%. Trường hợp bà A đã nộp thuế đối với tiền lãi cổ phần tại Singapore thì bà A sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp ở Việt Nam. Nhưng số thuế được khấu trừ không vượt quá phần thuế thu nhập cá nhân phải nộp tại Việt Nam. Nếu bà A không nộp thuế đối với lãi cổ phần tại Singapore (không thuộc trường hợp thu nhập đó được miễn, giảm thuế tại Singapore), bà A sẽ không được khấu trừ vào số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tại Việt Nam.
Ngoài ra, tại Công văn 1664/TCT-HTQT hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã giải thích cho trường hợp nếu một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở Singapore và theo quy định khoản thu nhập đó phải nộp thuế ở cả hai nước. Nhưng theo Luật của Singapore khoản thuế đó được miễn, giảm thì Việt Nam vẫn cho nhà đầu tư trừ số thuế phải nộp tại Việt Nam số thuế mà đáng lẽ phải nộp ở Singapore nhưng lại không phải nộp do được miễn, giảm thuế. Và nguyên tắc số thuế đáng lẽ phải nộp ở Singapore đó không được lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.
2.2 Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là cần xác định rõ thu nhập tính thuế tại Việt Nam là thu nhập trước hay sau khi trừ thuế tại Singapore. Theo cách hiểu quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014, cũng như hướng dẫn tại gạch đầu dòng số một của Khoản 1 Điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thu nhập mà doanh nghiệp dùng để kê khai, làm cơ sở tính thuế là phần lợi nhuận được chuyển về Việt Nam sau khi đã trừ thuế tại Singapore và mức thuế suất áp dụng tại Việt Nam là 20%. Theo đó, thu nhập tính thuế được xác định theo quy định tại Điều 7 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014. Với quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng bị đánh thuế hai lần.
Đối với cá nhân, khi thực hiện đầu tư vào Singapore thì sẽ tính thuế theo thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn. Và thời điểm để xác định thu nhập chịu thuế này là thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được theo như quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật thuế thu nhập cá nhân 2014. Để tính thu nhập tính thuế sẽ dựa trên thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn được xác định theo Khoản 3 Điều 3 Luật này và biểu thuế toàn phần với mức thuế suất hiện hành là 5%.
[1] Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP và hướng dẫn thi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2014; Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân 2014.
[2] Điều 4 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, theo đó thuật ngữ “đối tượng cư trú” được dùng để nói chung cho cả cá nhân và tổ chức.