Lãi suất vay trong giao dịch dân sự là một vấn đề pháp lý quan trọng, thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày khi các bên tham gia thỏa thuận vay mượn tiền hoặc tài sản có giá trị. Tuy nhiên, việc cho vay mức lãi suất cao hơn nhiều lần mức lãi suất quy định theo của pháp luật rất phổ biến. Trong đó, người cho vay có nhiều biện pháp để luồn lách quy định của pháp luật để hợp thức các khoản cho vay lãi suất cao này.
1. Lý do quy định trần lãi suất
Không người vay nào muốn vay với một lãi suất cao, thường khi phải vay với một mức lãi suất quá cao là họ đã gặp khó khăn về tài chính. Việc quy định trần lãi suất sẽ tránh lạm dụng trong hoạt động cho vay và gây ra các hệ quả tiêu cực như sau:
Đối với người vay: Lãi suất vay quá cao gây tạo ra gánh nặng tài chính lớn và nguy cơ vỡ nợ cao. Người vay phải trả lãi cao, khiến số tiền trả hàng tháng tăng, khó duy trì khả năng thanh toán, đặc biệt với những người có thu nhập thấp hoặc bất ổn. Từ đó làm tăng rủi ro không thể trả được nợ, dẫn đến vỡ nợ, gây ra thiệt hại tài chính lâu dài.
Đối với doanh nghiệp: Lãi suất vay quá cao làm chi phí vay vốn tăng cao. Doanh nghiệp phải chịu chi phí vay vốn lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Điều này có thể hạn chế khả năng mở rộng hoặc đầu tư phát triển. Trường hợp xấu hơn, nó làm cho doanh nghiệp khó duy trì dòng tiền, dễ dẫn đến phá sản hoặc thanh lý tài sản.
Đối với xã hội: Lãi suất vay quá cao làm gia tăng bất bình đẳng. Những người có thu nhập thấp hoặc dễ bị tổn thương thường chịu tác động nặng nề nhất từ lãi suất vay quá cao, làm gia tăng khoảng cách thu nhập và bất bình đẳng trong xã hội. Nợ nần gia tăng có thể dẫn đến căng thẳng, áp lực tâm lý, và thậm chí là các vấn đề xã hội như tội phạm, tự tử.
2. Quy định trần lãi suất trong pháp luật Việt Nam hiện hành
Theo quy định Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực…2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Theo quy định Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”
Theo quy định Điều 46t Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 giới hạn mức trần lãi suất do các bên thỏa thuận là 20%/1 năm và nếu quá mức trần này thì phần lãi quá giới hạn không có hiệu lực và theo Bộ luật Hình sự nếu người nào cho vay mức lãi suất quá 100%/1 năm có thể cấu thành tội phạm hình sự.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP thì “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.”.
Như vậy, phần lãi vay vượt quá quy định sẽ được cấn trừ vào nợ gốc tại thời điểm trả lãi và nếu trừ hết nợ gốc thì được trả lại bên cho vay. Quy định này trong nghị quyết của Hội đồng thẩm phán buộc các bên cho vay phải tuân thủ quy định về trần lãi suất, nếu không với cách giải quyết tại quy định này sẽ theo hướng có lợi hơn cho bên vay. Cụ thể, khi phần lãi vượt quá được trừ vào gốc sẽ làm giảm cả gốc và lãi của giai đoạn tiếp theo, điều này gần như một chế tài đối với bên cho vay khi không tuân thủ quy định về trần lãi suất.
3. Giao dịch cho vay trên thực tế
Với quy định tại Điều 9, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, nhiều bên cho vay đã phải trả lại thêm tiền cho bên vay. Vì lẽ đó, bên cho vay thay vì tuân thủ mức trần lãi suất thì họ sử dụng nhiều cách thức để hợp thức các khoản lãi suất cao của mình như sau:
- Lãi suất vay thực tế luôn thấp hơn mức lãi suất trần của Bộ luật Hình sự để không bị xem xét xử lý hình sự. Nhưng lãi suất vẫn cao hơn nhiều lãi suất trần của Bộ luật Dân sự có thể là 3-4 lần. Thực tiễn, khi giao dịch vay vi phạm mức trần của Bộ luật Hình sự, dù không có giấy tờ thì cơ quan công an hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, làm rõ bản chất giao dịch. Trong khi, dù giao dịch vay tiền cao hơn mức trần Bộ luật Dân sự thì Toà án cũng chỉ dựa trên tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp để xem xét đánh giá mà không thực hiện hoạt động điều tra làm rõ bản chất giao dịch.
- Các hợp đồng/giấy vay tiền ghi lãi suất thường bằng hoặc thấp hơn mức trần lãi suất của Bộ luật Dân sự. Nhưng thực tế các bên thỏa thuận miệng lãi suất cao hơn nhiều lần. Khoản tiền lãi sẽ được trả định kỳ và bằng tiền mặt. Trong trường hợp người vay không trả được lãi, họ sẽ phải ký lại hợp đồng/giấy vay tiền với khoản gốc mới bằng gốc cũ cộng với lãi vay chưa được trả. Hợp đồng/giấy vay tiền cũ sẽ bị huỷ bỏ. Không có một bằng trứng nào thể hiện rằng giao dịch vay tiền trên thực tế với lãi suất cao hơn nhiều lần.
Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng vay, một trong các vấn đề tiên quyết Toà án luôn cần làm rõ đó là có hay không việc giao nhận tiền cho vay. Bởi với hình thức ký lại hợp đồng/giấy vay tiền thì không tồn tại việc giao nhận tiền trên thực tế. Bởi vậy, người cho vay buộc người vay ghi “đã nhận đủ số tiền…” mà không thực sự nhận tiền. Do vậy, Toà án khó tìm ra bản chất thật sự đằng giao lại hợp đồng/giấy vay tiền này nếu bên vay không có chứng cứ khác để chứng minh. Với cách thức này, dù quy định tại Điều 9, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP rất phù hợp nhưng lại không xử lý được giao dịch che dấu như trên.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.