Kinh Tế Số: Hiểu về cơ chế bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn tại Việt Nam

Hiện nay, “chip” đang là một chủ đề nóng trong cả các thảo luận từ kinh tế đến chính trị và pháp lý. Dưới khía cạnh luật sở hữu trí tuệ, chip được xem là một dạng mạch tích hợp bán dẫn. Hiểu đơn giản thì mạch tích hợp bán dẫn là các mạch điện tử trong đó tất cả các phần tử bao gồm bóng bán dẫn, điốt và điện trở được phát triển theo một trật tự đặt biệt trên bề mặt của một chất bán dẫn mỏng. Trong cuộc sống công nghệ hiện đại, mạch tích hợp là thành phần ngày càng quan trọng của nhiều loại thiết bị điện tử, từ đồng hồ, máy giặt và đến những thiết bị phức tạp hơn như ô tô tự lái hay nhà thông minh và siêu máy tính AI. 

Bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn tại Việt Nam

Lĩnh vực bán dẫn luôn đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ và bao gồm nhiều tài sản có thể được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng này có thể bao gồm vật liệu, kỹ thuật chế tạo, bộ xử lý, bộ nhớ, tính năng bảo mật, cảm biến, hệ thống tương tự (analog), tích hợp hệ thống, đóng gói, công nghệ truyền thông, phần mềm, thử nghiệm và xác nhận. Để ngăn chặn việc sao chép trái phép các thiết kế và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, doanh nghiệp bắt buộc phải bảo vệ thiết kế bố trí (địa hình) của mạch tích hợp thông qua nhiều biện pháp nhất có thể. Trước đây, công nghệ này thường được bảo hộ như bí mật kinh doanh và cơ chế bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp theo pháp luật từng quốc gia. Ngày nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế bố trí bán dẫn phải xem xét và tìm kiếm các cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tối ưu hơn nhằm đảm bảo việc sử dụng công nghệ của họ hiệu quả theo từng trường hợp cụ thể. 

1. Các quy định pháp luật quốc tế điều chỉnh việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp 

Một trong những văn kiện pháp lý quốc tế sớm nhất nhất trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp là Hiệp Ước Washington Về Sở Hữu Trí Tuệ Đối Với Mạch Tích Hợp được thông qua năm 1989 (“Hiệp ước IPCT 1989”). Hiệp ước IPIC 1989 quy định mỗi Bên ký kết có nghĩa vụ bảo đảm quyền độc quyền về thiết kế bố trí của mạch tích hợp trên toàn lãnh thổ của mình, cho dù mạch tích hợp đó có được đưa vào một sản phẩm hay không. Nghĩa vụ được quy định tại khoản (1)(a) được áp dụng đối với các thiết kế bố trí (topograph) có tính nguyên gốc với nghĩa các thiết kế bố trí đó là thành quả nỗ lực trí tuệ của những người tạo ra chúng và không phải là thiết kế thông thường đối với các nhà tạo ra thiết kế bố trí (topograph) và các nhà sản xuất mạch tích hợp tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó. Hiệp ước IPCT 1989 đã được dẫn chiếu vào Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) với một số sửa đổi. Do đó, các quốc gia thành viên WTO có nghĩa vụ đáp ứng các quy định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được áp dụng bởi TRIPS. 

2. Khả năng bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo các quyền sở hữu trí tuệ hiện có 

Đặc thù của đối tượng Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn khiến chúng khó tương thích với các loại quyền sở hữu trí tuệ khác. Thiết kế bố trí mang đặc thù về chức năng, do đó không phù hợp với bản chất của quyền tác giả. Trong khi đó, dù điều kiện bảo hộ của thiết kế bố trí cũng yêu cầu tính mới như sáng chế, tuy nhiên, chúng ta cần nhận thấy rằng trong khi tính mới với sáng chế là tính mới nghiêm ngặt thì tính mới của thiết kế bố trí là “tính mới thương mại”, vốn có mức độ ít nghiêm ngặt hơn nhiều. Ngoài ra, thiết kế bố trí cũng không thể đạt được yêu cầu về sự sáng tạo như điều kiện đối với sáng chế. Đối với kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp không được coi là kiểu dáng công nghiệp vì chúng không phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm mà tập trung vào vị trí vật lý, bên trong mạch tích hợp, của từng phần tử có chức năng điện tử.  

Vì những lý do trên, Hiệp định TRIPS trao cho các quốc gia thành viên lựa chọn mở để quy định cách bảo hộ với thiết kế bố trí phù hợp với cách tiếp cận của từng nước. Hiệp định này đề cập cụ thể rằng các quốc gia thành viên có quyền đưa ra các cơ chế bảo hộ thiết kế bố trí dưới dạng quyền tác giả, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Các quốc gia có thể bảo hộ thiết kế bố trí dưới danh nghĩa các quyền sở hữu trí tuệ đang có hoặc cũng có thể thiết kế một luật riêng cho đối tượng này (mà thực tế như Nhật Bản và Ấn Độ đã ban hành). 

Một loại quyền sở hữu trí tuệ khác mà các doanh nghiệp thường xuyên chú ý khi muốn bảo vệ thiết kế bố trí của mình, đó là bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, thiết kế bố trí là loại tài sản rất dễ nghiên cứu đảo ngược để chao chép, do đó, bí mật kinh doanh dường như là loại quyền sở hữu trí tuệ ít hiệu quả trong lĩnh vực này.  

Do đó, để bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp, các yếu tố khác nhau của thiết kế bố trí mạch tích hợp có thể được bảo hộ bằng các loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau.   

3. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn 

Việt Nam là một thành viên của Hiệp định TRIPS. Do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã nội luật hóa một số quy định của Hiệp định TRIPS. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. 

Việt Nam không có luật riêng biệt về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn như một số quốc gia khác. Thay vào đó, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được quy định thành một phần của luật sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này khác với một số nước như Singapore và Newzealand khi các quốc gia này không yêu cầu thiết kế bố trí phải được đăng ký và bảo hộ trên cơ sở giấy chứng nhận được cấp mà sẽ được bảo hộ tự đồng từ thời điểm được đưa vào khai thác thương mại.   

Tại Việt Nam, thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện về tính nguyên gốctính mới thương mại. Trong đó: 

  • Về tính nguyên gốc:  Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả và chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó. 
  • Về  tính mới thương mại: Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký. Trong đó, khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó. 

Việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là có thời hạn. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây: 

  • Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn; 
  • Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; 
  • Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

4. Kết luận 

Vấn đề bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các quy định trong lĩnh vực này cần được đánh giá lại để phản ánh đúng tầm quan trọng của loại tài sản này. Tại Việt Nam, các quy định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn hiện nay nhìn chung vẫn còn khá đơn sơ, chưa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường chip theo như kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần cân nhắc và tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia để xác định chính xác đối tượng và phương thức bảo hộ mà mình cần thực hiện để bảo vệ tối ưu một tài sản vốn có giá trị đầu tư không hề nhỏ.  

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.