Kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt mang lại doanh thu chủ yếu cho một số doanh nghiệp khi kiểu dáng tạo sức hấp dẫn về mặt thị giác và thẩm mỹ của sản phẩm khiến khách hàng quyết định lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp tập trung vào các khía cạnh trang trí của sản phẩm, chẳng hạn như hình dạng, cấu hình, hoa văn và màu sắc, giúp phân biệt sản phẩm này với các sản phẩm khác trên thị trường. Tại Việt Nam, quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp không quá phức tạp; tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại một số trường hợp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sau khi cấp có thể bị chấm dứt hiệu lực do không đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trong bài viết này, Apolat Legal sẽ giới thiệu về các điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và cung cấp thông tin vụ việc mà kiểu dáng công nghiệp đã bị chấm dứt trên thực tế.
1. Giới thiệu về kiểu dáng công nghiệp và điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại khoản 13 Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022 (“Luật SHTT”), kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) có tính mới; (ii) có tính sáng tạo và (iii) có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trong các điều kiện nêu trên, “tính mới” được xem là một điều kiện khá khó để đáp ứng vì kiểu dáng công nghiệp đó phải khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Ngoài ra, tính mới của kiểu dáng chỉ được thỏa mãn khi phải đáp ứng các điều kiện theo khoản 2, 3 Điều 65 Luật SHTT.
Để kết luận tính mới của kiểu dáng công nghiệp, nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc được sử dụng để đánh giá tiêu chuẩn “Tính mới” của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn bao gồm các tài liệu đối chứng sau:
- Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và có ngày công bố đơn sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên);
- Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp do các tổ chức, quốc gia khác công bố trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên), được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu kiểu dáng công nghiệp hiện có tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Các thông tin khác liên quan đến kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ thu thập và lưu giữ;
- Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, các đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam và có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (dùng để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 9 của Điều này).
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã giới hạn phạm vi nguồn thông tin được sử dụng để đánh giá tiêu chuẩn “Tính mới” chỉ bao gồm những thông tin đã bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên) của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn và kiểu dáng bị coi là không đáp ứng tiêu chuẩn “Tính mới” nếu ít nhất một kiểu dáng công nghiệp đối chứng có trong Báo cáo tra cứu là kiểu dáng công nghiệp trùng lặp như được xác định tại khoản 1 Điều 39 Quy chế hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn như được xác định tại khoản 2 Điều 39 Quy chế, đồng thời kiểu dáng công nghiệp đối chứng không phải là kiểu dáng công nghiệp được công bố/bộc lộ theo các trường hợp nêu tại khoản 4 Điều này.
2. Thực tiễn về chấm dứt hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp vì kiểu dáng không có tính mới
Trong một phán quyết gần đây vào ngày 6 tháng 3 năm 2024, Tòa án Chung của Liên minh Châu Âu (EU General Court) đã giải quyết một tranh chấp về kiểu dáng liên quan đến thương hiệu nổi tiếng Puma và việc tiết lộ trước đó về mẫu giày của thương hiệu này bởi nghệ sĩ Rihanna. Tranh chấp xảy ra vào năm 2019 khi một công ty bán buôn giày dép Hà Lan đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố hủy bỏ văn bằng đã cấp cho kiểu dáng công nghiệp số 003320555-0002 của Puma. Công ty trên dựa trên lập luận rằng, vào thời điểm Puma nộp đơn xin đăng ký vào tháng 7 năm 2016, kiểu dáng của đôi giày đã bị mất tính mới. Bằng chứng hỗ trợ lập luận của họ là một loạt bức ảnh được ca sĩ Rihanna chia sẻ trên Instagram của cô vào năm 2014, cho thấy cô đang đi đôi giày trắng của Puma với đế dày màu đen, rất giống với kiểu dáng đã được bảo hộ. Những bài đăng này được chia sẻ để đánh dấu sự ra mắt công chúng của Rihanna với tư cách là Giám đốc sáng tạo của Puma.
Trong hệ thống quy định về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của châu Âu, “tính mới” cũng là một điều kiện tiên quyết để xác định liệu một kiểu dáng có được bảo hộ hay không. Cụ thể tại Điều 5 Quy định của Hội đồng (EC) số 6/2002 ngày 12 tháng 12 năm 2001 về kiểu dáng cộng đồng quy định, một thiết kế được coi là mới nếu chưa có thiết kế nào giống hệt được công bố cho công chúng:
- Trong trường hợp thiết kế Cộng đồng chưa đăng ký, trước ngày thiết kế được yêu cầu bảo hộ lần đầu tiên được công bố cho công chúng;
- Trong trường hợp thiết kế Cộng đồng đã đăng ký, trước ngày nộp đơn đăng ký thiết kế được yêu cầu bảo hộ hoặc nếu có yêu cầu ưu tiên, ngày ưu tiên.
Theo quy định trên, việc Rihanna đăng tải ảnh chụp cùng đôi giày Puma có kiểu dáng giống với kiểu dáng được bảo hộ trước khi hãng này đăng ký đã làm mất đi “tính mới” của kiểu dáng. Vì vậy, Tòa án có đủ cơ sở để tuyên bố hủy bỏ văn bằng đã cấp cho kiểu dáng công nghiệp số 003320555-0002.
Trong tình huống trên, khi áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam, điểm b khoản 1 Điều 96 Luật SHTT cũng có quy định văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực nếu đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, giả sử tình huống của Puma xảy ra tại Việt Nam và áp dụng Luật SHTT Việt Nam để giải quyết, vẫn có thể tồn tại khả năng văn bằng bảo hộ cho kiểu dáng giày Puma không bị hủy bỏ. Cụ thể, kiểu dáng sẽ không bị mất đi tính mới nếu được công bố trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật SHTT với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố. Theo đó, cần xác định rõ Rihanna có là đối tượng được người có quyền đăng ký kiểu dáng cho phép công bố hay không vì mặc dù tại thời điểm đó Rihanna ra mắt với vai trò là Giám đốc sáng tạo của Puma nhưng chưa thể xác định được liệu nữ ca sĩ có được phép công bố kiểu dáng dự định đăng ký. Nếu có căn cứ chứng minh Rihanna chưa được cấp quyền công bố kiểu dáng từ người có quyền đăng ký, kiểu dáng vẫn sẽ không bị mất đi tính mới và văn bằng bảo hộ cũng sẽ không bị hủy bỏ.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.