Trong nền kinh tế hiện đại, thương mại điện tử đã trở thành động lực thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng, làm thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành và người tiêu dùng tương tác với thị trường. Sự tiện lợi, dễ tiếp cận và hiệu quả của các nền tảng trực tuyến đã khiến chúng trở thành yếu tố không thể thiếu trong thương mại toàn cầu và các nền kinh tế địa phương.
Một trong những đặc điểm nổi bật của các sàn thương mại điện tử là sự phổ biến của các chương trình khuyến mại, từ giảm giá, phiếu mua hàng, đến các đợt giảm giá chớp nhoáng và ưu đãi độc quyền cho thành viên. Những chương trình này không chỉ thu hút người tiêu dùng mà còn là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cường sự hiện diện, xây dựng lòng trung thành và thúc đẩy doanh số trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Vì vậy, việc quan tâm đến các vấn đề pháp lý không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững trong thị trường đầy biến động hiện nay.
Xem thêm: Quy định về khuyến mại hiện nay và một số lưu ý đối với thương nhân thực hiện khuyến mại
1. Các hình thức khuyến mại được pháp luật cho phép
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hình thức khuyến mại được phép thực hiện bao gồm:1
- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền
- Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương)
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi)
- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác
2. Khuyến mại trên sàn thương mại điện tử có phải xin phép hay không?
Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến thì không phải thực hiện thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại.2
Các chương trình không phải thực hiện thông báo hoạt động khuyến mại nếu thuộc các hình thức khuyến mại sau:
- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
- Tặng hàng hóa, dịch vụ không thu tiền;
- Khuyến mại bằng hình thức giảm giá;
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ;
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương);
- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác;
- Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
- Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thương nhân cần đăng ký hoạt động khuyến mại đối với các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, cụ thể là hoạt động cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình may tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố3.
3. Giới hạn về mức giá khuyến mại4
- Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
- Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:
-
- Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;
-
- Hàng thực phẩm tươi sống;
-
- Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
- Trong các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc thực hiện đúng các quy định pháp luật trong chương trình khuyến mại không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.
1 Mục II Nghị định 81/2018/NĐ-CP
2 Điều 17.2 Nghị định 81/2018/NĐ-CP
3 Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP
4 Điều 6,7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.