“Từ đầu cơ tên miền đến đầu cơ nhãn hiệu” – https://thesaigontimes.vn/tu-dau-co-ten-mien-den-dau-co-nhan-hieu/ đã có quy định pháp luật khắc chế. Có thể nói hiện tượng đầu cơ nhãn hiệu thời gian vừa qua đã gây ra nhiều tranh chấp, xung đột và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, mà ở đó các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài dự định đầu tư vào Việt Nam phải trùng bước hoặc đối diện với các tranh chấp nhãn hiệu tiềm tàng. Điều này buộc pháp luật Việt Nam phải có cơ chế điều chỉnh.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 hiệu lực ngày 01/01/2023 (“Luật SHTT sửa đổi 2022”) đã có quy định mới về “huỷ bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vì dụng ý xấu” để nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài ra cũng thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như CPTPP, EVFTA… Cụ thể như sau:
1. Về sự thay đổi của quy định pháp luật
Trước thời điểm luật Luật SHTT sửa đổi 2022, Luật SHTT 2005 quy định chỉ có 2 trường hợp huỷ bỏ văn bằng bảo hộ tại Khoản 1 Điều 96 là: “a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.”. Theo đó, để huỷ bỏ một văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được đăng ký bởi hành vi đầu cơ, Cục Sở hữu trí tuệ căn cứ vào Khoản 2, Khoản 7 Điều 87 Luật SHTT 2005 và Khoản 1 Điều 96 làm cơ sở huỷ bỏ văn bằng bảo hộ. Lý giải:
- Khoản 2 Điều 87 Luật SHTT1: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu (ở đây là tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại sản phẩm mình đưa ra thị trường) không có quyền đăng ký bởi nhà sản xuất là người trực tiếp sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm và phản đối việc đăng ký đó.
- Khoản 7 Điều 87 Luật SHTT2: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu (ở đây là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên) không có quyền đăng ký nhãn hiệu bởi không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Quy định này giới hạn rất nhiều những trường hợp đầu cơ nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, không trung thực như: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nhưng không phải là người thương mại sản phẩm đó mà chỉ mục đích bán lại, Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn để gắn lên sản phẩm nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…
Theo đó, Luật SHTT sửa đổi 2022 đưa ra trường hợp huỷ bỏ văn bằng bảo hộ tại Điểm a Khoản 1 Điều 96 cụ thể như sau: “1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;”.
Ngoài việc huỷ văn bằng đã được cấp vì người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, ở giai đoạn nộp đơn, chủ nhãn hiệu đích thực có thể phản đối cấp văn bằng bảo hộ cũng với chính lý do này theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 117 Luật SHTT sửa đổi 2022 như sau: “1. Đơn đăng ký … nhãn hiệu…bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong …trường hợp sau đây: b) Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;”.
2. “Dụng ý xấu” là gì và mục đích bổ sung thuật ngữ này
Việc bổ sung thuật ngữ pháp lý “Dụng ý xấu” nhằm mục đích khắc phục các hạn chế từ nguyên tắc “first to file” và ngăn chặn hành vi đầu cơ nhãn hiệu. Như đã trình bày trong bài viết “Từ đầu cơ tên miền đến đầu cơ nhãn hiệu”, “First-to-file” là nguyên tắc cho phép cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn sớm nhất mà không quan tâm họ có sản xuất, thương mại, kinh doanh sản phẩm dịch vụ hay không. Dẫn đến việc có nhiều người đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng quyền đăng ký thực sự không phải của họ mà do hành vi không trung thực, dụng ý xấu của người nộp đơn.
Cho đến hiện nay, chưa có quy định pháp luật chi tiết nào định nghĩa, lý giải “Dụng ý xấu” là gì. Mặc dù vậy, có thể hiểu quy định này đã bao quát các trường hợp của Luật SHTT 2005 và mở rộng thêm các trường hợp khác. Chắc chắn trong thời gian tới phải có các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư đưa ra định nghĩa và tiêu chí để xác định thế nào là “dụng ý xấu” làm cơ sở giải quyết các hành vi đầu cơ nhãn hiệu và các vụ việc tranh chấp đang xảy ra.
Do đó, “dụng ý xấu” sẽ trở thành một công cụ quan trọng để chủ sở hữu nhãn hiệu đích thực ngăn chặn việc lạm dụng nguyên tắc “first-to-file” và bảo vệ nhãn hiệu khỏi việc bị chiếm đoạt.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở Hữu Trí Tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.