Hoạt động Hóa Chất và ngành công nghiệp Hóa Chất và các hoạt động có liên quan đến Hóa Chất là một ngành công nghiệp lớn, có ảnh hưởng sâu và rộng đến nên kinh tế Việt Nam, hiểu được vấn đề này Chúng tôi mong muốn cung cấp đến khách hàng của Apolat Legal, những công ty khác đang và có dự định đầu tư để tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh Hóa Chất hoặc có liên quan đến Hóa Chất tại Việt Nam tổng quan về quy định pháp luật liên quan đến hoạt động Hóa chất, hoạt động sản xuất và kinh doanh Hóa Chất và các vấn đề có liên quan đến sản xuất và sử dụng Hóa Chất tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Hóa Chất thì:
“Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo”.
“Hoạt động hóa chất là hoạt động đầu tư, sản xuất, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất”
với 02 quy định trên, thì phạm quy định rất rộng và có thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh và có sử dụng Hóa Chất trong động kinh doanh. Theo đó trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam chúng tôi cũng đã tư vấn cho nhiều khách hàng các các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có thực hiện các hoạt động liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất vào trong hoạt động kinh doanh của họ. Theo đó chúng tôi nhận thấy một số điểm khó khăn và vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này, vì vậy chúng tôi mong muốn chia sẻ đến độc giả những nội dung giải đáp và lưu ý quan trong liên quan đến hoạt động sản suất, kinh doanh và sử dụng Hóa Chất tại Việt Nam. Nội dung sẽ được chúng tôi sẽ trình bày thành 03 phần:
Phần 1: Những vấn đề chung về hoạt động Hóa Chất tại Việt Nam.
Phần 2: Những lưu ý quan trọng về hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.
Phần 3: Những lưu ý quan trọng về hoạt động hóa chất trong các lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp.
Phần 1: Những vấn đề chung về hoạt động Hóa Chất tại Việt Nam
1. Hoạt động Hóa Chất ở Việt Nam quy định như thế nào
Như đã trình bày ở phần mở đầu hoạt động Hóa Chất theo Luật Hóa Chất được quy định rất rộng, cụ thể“Hoạt động hóa chất là hoạt động đầu tư, sản xuất, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất”.
Theo đó căn cứ vào quy định này thì Hoạt động Hóa Chất được quy định trong Luật Hóa Chất bao trùm rất nhiều hoạt động có liên quan và có thể anh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng Hóa Chất vào quá trình kinh doanh. Nhưng hiện tại không chỉ có Luật Hóa Chất và các văn bản hướng dẫn của Luật Hóa Chất có thể ảnh hưởng đến hoạt động Hóa Chất và các hoạt động liên quan đến Hóa Chất tại Việt Nam mà các văn bản pháp luật chuyên ngành khác về các lĩnh vực liên quan đến Y tế, Dược Phẩm, Nông Nghiệp cũng có thể có quy định liên quan đến hoạt động Hóa Chất trong các lĩnh vực đó, có thể kể đến như sau:
- Hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp thì văn bản quy định sẽ là Nghị 113/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có thành phần là Hóa Chất sẽ được quản lý bởi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn theo các văn bản pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực này.
- Xăng, dầu; condensate, naphta được sử dụng trong chế biến xăng dầu được quản lý chuyên ngành Bởi Bộ Công Thương và được quy định bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực này.
- Dược phẩm, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng, thực phẩm, mỹ phẩm được quy định tại luật dược và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến đối tượng Hàng Hóa có thành phần là Hóa Chất hoặc có sử dụng Hóa Chất nhưng thuộc Bộ Y Tế Quản Lý.
2. Nghị định 113/2017/NĐ-CP áp dụng cho các loại Hóa Chất nào
Khi hoạt động Hóa Chất Việt Nam thì Nghị định 113/2017/NĐ-CP (Nghị định 113) là một trong những văn bản pháp lý quan trọng để điều chỉnh hoạt động Hóa Chất nhưng phạm vi điều chỉnh của Nghị định 113 chỉ liên quan đến nhóm Hóa Chất trong lĩnh vực Công Nghiệp và thuộc sự quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, theo đó Nghị Định 113 không điều chỉnh hoạt động Hóa Chất liên quan đến các nhóm sản phẩm sau:
- Dược phẩm, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng, thực phẩm, mỹ phẩm;
- Thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, phân bón hóa học là phân bón hỗn hợp, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón khoáng sinh học; sản phẩm bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm;
- Chất phóng xạ; vật liệu xây dựng; sơn, mực in; keo dán và sản phẩm tẩy rửa sử dụng trong lĩnh vực gia dụng,
- Xăng, dầu; condensate, naphta được sử dụng trong chế biến xăng dầu.
Theo đó các hoạt động Hóa Chất liên quan đến các sản phẩm trên sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành khác và có thể thuộc quản lý chuyên ngành bởi các Bộ và cơ quan chuyên môn khác nhau theo quy định của pháp luật và phân công nhiệm vụ và chức năng quản lý được quy định cụ thể mà không áp dụng quy định của Nghị định 113.
3. Quản lý nhà nước về hoạt động Hóa Chất
a. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước.
b. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm với Chính Phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động Hóa Chất. Cụ thể:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục hóa chất quốc gia; Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Danh mục hóa chất cấm; Danh mục hóa chất phải khai báo; Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;
- Quản lý hóa chất sử dụng trong công nghiệp, hóa chất là tiền chất sử dụng trong công nghiệp và hóa chất thuộc Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; quản lý hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; ban hành Danh mục các hóa chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, sản phẩm tiêu dùng, trừ các sản phẩm do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;
- Xây dựng Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia;
- Thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất;
- Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện an toàn hóa chất trong phạm vi cả nước;
- Hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất;
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất và an toàn hóa chất;
- Quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương;
- Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hóa chất;
- Thanh tra về hoạt động hóa chất; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất;
- Các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động hóa chất được Chính phủ phân công.
c. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ. Cụ thể:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất; xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư, hóa chất độc tồn dư của chiến tranh, hóa chất độc không rõ nguồn gốc và hóa chất độc bị tịch thu.
- Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất theo thẩm quyền; trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ phù hợp với việc sử dụng hóa chất ít nguy hiểm.
- Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải; xây dựng, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
- Bộ Y tế quản lý các hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế; phối hợp với các bộ, ngành quy định về vệ sinh an toàn lao động trong hoạt động hóa chất; phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Danh mục hóa chất cấm, Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y tế trình Chính phủ ban hành; ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực y tế, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế, dược phẩm và phụ gia thực phẩm.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm; phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Danh mục hóa chất cấm, Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn phân loại, ghi nhãn và xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý việc sử dụng hóa chất trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
d. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ.
- Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động hóa chất tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ, quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có cơ quan chuyên môn làm cơ quan đầu mối giúp Ủy ban thực hiện quản lý hoạt động hóa chất tại địa phương theo quy định của Chính phủ.
e. Quản lý các hoạt động liên quan đến thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực Hóa Chất.
- Bộ Công thương, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ thanh tra về hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý được phân công, phân cấp.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về hoạt động hóa chất thì tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Giải quyết tranh chấp trong hoạt động hóa chất được quy định tại Điều 68 Luật Hóa Chất (Gồm các phương thức là Thương Lượng, Hòa Giải, Tòa Án và Trọng Tài).
4. Những điểm lưu ý quan trọng khi sử dụng Hóa Chất không phải là hoạt động sản xuất và kinh doanh Hóa Chất
a. Tổ chức, cá nhân sử dụng Hóa Chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác:
- Có quyền yêu cầu bên cung cấp hóa chất cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến đặc điểm, tính chất, thông tin phân loại, ghi nhãn và phiếu an toàn hóa chất đối với hóa chất nguy hiểm;
- Có người chuyên trách về an toàn hóa chất; đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực chuyên môn về an toàn hóa chất, phù hợp với khối lượng, đặc tính của hóa chất;
- Định kỳ đào tạo, huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động;
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, hướng dẫn thực hiện an toàn hóa chất cho người lao động, người quản lý trực tiếp;
- Cập nhập, lưu trữ thông tin về các hóa chất sử dụng theo quy định tại Điều 53 của Luật Hóa Chất;
- Thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân cung cấp hóa chất, cơ quan quản lý hóa chất khi phát hiện các biểu hiện về đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất sử dụng;
- Chấp hành các yêu cầu kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các quy định về an toàn hóa chất.
- Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hóa chất;
b. Tổ chức, cá nhân sử dụng Hóa Chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác:
- Bảo đảm các điều kiện an toàn cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm;
- Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng, tiêu chuẩn chất lượng của hóa chất nguy hiểm trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác;
- Không được sử dụng các hóa chất độc có đặc tính (Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, Gây biến đổi gen, Độc đối với sinh sản, Tích luỹ sinh học) trong các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm;
- Bố trí hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sử dụng, cất giữ hóa chất nguy hiểm; trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó;
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, hướng dẫn thực hiện an toàn hóa chất cho người trực tiếp sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất, người quản lý sản xuất hóa chất;
- Thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý, thải bỏ hóa chất nguy hiểm và dụng cụ chứa hóa chất đó.
c. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng:
- Có quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất và các yêu cầu bảo đảm an toàn; được nhà cung cấp bồi thường thiệt hại trong quá trình sử dụng hóa chất do các thông tin sai lệch của nhà cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng có nghĩa vụ thực hiện đúng chỉ dẫn kỹ thuật đi kèm với hóa chất hoặc thể hiện trên nhãn hóa chất; bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải tuân thủ các quy định về cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm tại Điều 21 của Luật Hóa Chất.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm cho mục đích tiêu dùng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất thể hiện trên nhãn, bao bì hoặc trong hướng dẫn sử dụng kèm theo sản phẩm hóa chất.
d. Một số quy định chung khi sử dụng Hóa Chất:
- Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa, sử dụng hóa chất trong thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, tiêu dùng phải xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Hoá chất bị thải bỏ phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
- Hóa chất được sử dụng cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình, cá nhân phải được thải bỏ theo khuyến nghị của nhà sản xuất, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người và môi trường.
PHẦN 2: Những lưu ý quan trọng về hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp
1. Các văn bản pháp luật về hoạt động Hóa Chất trong lĩnh vực công nghiệp
Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp công nghiệp sẽ thuộc sự quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Theo đó những văn bản sau là những văn bản pháp luật đang được áp dụng liên quan đến những chủ thể có hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp cần lưu ý:
- Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Hóa Chất (“Nghị định 113”);
- Thông tư 32/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết Nghị Định 113/2017/NĐ-CP (“Thông tư 32”);
- Thông tư 17/2022/TT-BCT sửa đổi bổ sung Thông Tư 32/2017/TT-BCT (“Thông tư 17”);
2. Cách thức phân loại và quản lý hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp
Việc phân loại hóa chất theo Nghị định 113 và Thông tư 32 phân loại dựa trên quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi và được quy định cụ thể tại Phụ lục 7 của Thông tư 32. Nhưng tại phần này chúng tôi muốn đưa ra cách phân loại dựa trên mức độ quản lý và điều kiện pháp lý cần tuân thủ với từng nhóm Hóa Chất như sau:
- Nhóm 1: Hóa chất sản xuất và kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp:
-
- Chất hoặc hỗn hợp chất chứa các chất được quy định tại Phụ Lục I và Phụ lục II nhưng không thuộc trường hợp là hóa chất hạn chế sản xuất và kinh doanh phải xin giấy phép sản xuất.
-
- Theo đó để hoạt động sản xuất và kinh doanh các hóa chất này thì các chủ thể phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trừ các trường hợp được loại trừ theo quy định tại điều 10a Nghị định 113 như:
-
-
- Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân;
-
-
-
- Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.
-
-
- Các Điều kiện mà chủ thể cần phải đáp ứng bao gồm các nhóm điều kiện về: tư cách chủ thể, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn về nhân sự;
-
- Cơ quan chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
-
- Nhóm này cũng bao gồm Hóa Chất là các tiền chất công nghiệp.
-
-
- Đối với Hóa Chất là tiền chất công nghiệp thì khi doanh nhiệp thực hiện xuất khẩu và nhập khẩu tiền chất công nghiệp còn phải có giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu tiền chất công nghiệp và chịu các quy định về quản lý và kiểm soát liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh tiền chất công nghiệp quy định tại Mục 3 Nghị định 113.
-
-
-
- Tiền chất công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.
-
- Nhóm 2: Hóa Chất hạn chế sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp:
-
- Là chất hoặc hỗn hợp chất có chứa các chất thuộc danh mục theo quy định tại Phụ lục II Nghị Định 113 và có các tính chất nguy hiểm theo Khoản 2 Điều 14 Nghị Định 113.
-
- Tổ chức chỉ được phép sản xuất và kinh doanh nhóm Hóa Chất hạn chế kinh doanh nếu đã được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
-
- Về điều kiện cấp phép quy định tương tự như cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp.
-
- Cơ quan cấp phép là Cục Hóa Chất.
- Nhóm 3: Hóa Chất Cấm:
-
- Hóa chất cấm là hóa chất đặc biệt nguy hiểm được quy định trại Phụ lục III Nghị định 113;
-
- Các tổ chức, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm trừ các trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh và được chính phủ cho phép.
- Nhóm 4: Hóa Chất Độc:
-
- là hóa chất nguy hiểm có ít nhất một trong những đặc tính nguy hiểm quy định từ điểm đ đến điểm n của Khoản 4 Điều 4 Luật Hóa Chất;
-
- Việc mua, bán hóa chất độc phải có Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo quy định tại Điều 23 của Luật hóa chất;
- Nhóm 5: Hóa Chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất:
-
- Danh mục Hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được ban hành tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định 113;
- Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất đạt ngưỡng tồn trữ trong quá trình kinh doanh ớn hơn mức quy định tại Phụ lục IV phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi dự án chính thức đưa vào hoạt động.
- Nhóm 6: Hóa Chất Phải Khai Báo:
-
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo hóa chất. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo hóa chất với cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hóa chất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
-
- Danh mục hóa chất phải khai báo được ban hành tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này. Trong đó nhóm Hóa chất cần đặc biệt lưu ý là nhóm Hóa chất thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt gồm: dinitơ monoxit, các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân yêu cầu một thủ tục đặc biệt đươc quy định tại Điêm b khoản 4a Nghị định 82/2022/NĐ-CP.
-
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo có trách nhiệm thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
-
- Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo có trách nhiệm khai báo hóa chất sản xuất trong năm thông qua chế độ báo cáo hàng năm quy định tại Điều 36 của Nghị định 113.
- Nhóm 7: Hóa chất mới
-
- Hoá chất mới là hóa chất chưa có trong danh mục hóa chất quốc gia, danh mục hóa chất nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận.
-
- Hoá chất mới chỉ được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường sau khi được đăng ký Hóa Chất mới tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới có nghĩa vụ đăng ký Hóa Chất Mới với Cục Hóa Chất.
Xin lưu ý đến rằng khi kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp thì một hóa chất có thể thuộc vào nhiều hơn một nhóm hóa chất và điều kiện cần tuân thủ được phân chia ở trên do đó khi sản xuất và tổ chức cá nhân cần phải tìm hiểu kỹ về các vấn đề cần phải được tuân thủ, các loại giấy phép và điều kiện cần phải đáp ứng khi sản xuất và kinh doanh Hóa Chất.
Ví dụ: Một loại Hóa chất vừa có thể phải thực hiện khai báo khi nhập khẩu vừa có yêu cầu phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh Hóa chất vừa phải xin giấy phép về nhập khẩu tiền chất công nghiệp.
3. Các trường hợp không phải áp dụng các điều kiện khi thực hiện hoạt động liên quan đến Hóa Chất trong lĩnh vực công nghiệp
Một số hoạt động Hóa Chất sẽ không phải áp dụng quy định đặc thù về quản lý Hóa Chất trong lĩnh vực công nghiệp cụ thể:
(i) Trường hợp 1: Các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh
- Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.
- Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.
(ii) Trường hợp 2: Các trường hợp có hoạt động Hóa Chất được miễn trừ thủ tục khai báo Hóa Chất
- Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp.
- Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu.
- Hóa chất nhập khẩu dưới 10 kg/một lần nhập khẩu. Trường hợp miễn trừ nêu tại điểm này không áp dụng đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất thuốc là dược chất để sản xuất theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.
- Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
- Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo có hàm lượng trong hỗn hợp nhỏ hơn 0,1%
(iii) Trường Hợp 3: Trường hợp chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất không phải lập kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố Hóa Chất
Nếu khối lượng tồn trữ Hóa Chất lớn nhất tại một thời điểm nhỏ hơn ngưỡng khối lượng quy định tại Phụ lục IV Nghị định 113.
4. Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia
Danh mục hóa chất quốc gia và Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia nhằm mục đích quản lý an toàn hóa chất và cung cấp thông tin cho hệ thống giải đáp, cung cấp thông tin hóa chất nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp.
Link truy cập cơ sở dự liệu về Hóa chất quốc gia: https://chemicaldata.gov.vn/
5. Phân Loại Hóa Chất và ghi Nhãn Hóa Chất
- Tổ chức, cá nhân sản xuất nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại, ghi nhãn hóa chất trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường.
- Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của Hệ thống hài hoà toàn cầu (GHS).
- Việc ghi nhãn đối với các hóa chất được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
- Việc ghi nhãn đối với hoá chất nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
6. Phiếu an toàn hóa chất, Huấn luyện an toàn hóa chất, Nghĩa vụ báo cáo
- Hoá chất nguy hiểm bao gồm chất nguy hiểm, hỗn hợp chất có hàm lượng chất nguy hiểm trên mức quy định (theo quy định tại Điều 24 Nghị định 113). Hoá chất nguy hiểm phải được lập phiếu an toàn hóa chất.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải lập phiếu an toàn hóa chất (Material Safety Data Sheet “MDSS” or “DSS”).
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm phải cung cấp Phiếu an toàn hóa chất cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động hóa chất.
- Phiếu an toàn hóa chất phải được xây dựng bằng tiếng Việt.
- Tổ chức cá nhân có hoạt động Hóa chất phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Nghị Định 113 để tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Mục VI Nghị Đinh 113.
- Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động hóa chất của năm trước trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất, chấm dứt hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Phần 3: Những lưu ý quan trọng về hoạt động hóa chất trong các lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp
Nhóm: Dược phẩm; chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng; thực phẩm; mỹ phẩm:
a. Hoạt động Hóa chất trong lĩnh vực Dược phẩm:
Theo định nghĩa Dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Theo đó văn bản quan trong để điều chỉnh hoạt động kinh doanh và có liên quan đến dược phẩm tại Việt Nam là Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Dược quy định như sau:
- Luật Dược quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.
- Luật Dược áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.
- Bộ Y Tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý về hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác liên quan đến dược phẩm.
Lưu ý:
- Về điều kiện liên quan đến chủ thể thì để có thể kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm (gồm thành phẩm và nguyên liệu) trong tất cả các khâu của quá kinh kinh doanh dược phẩm cần phải đáp ứng các điều kiện (cơ sở vật chất, nhân sự, kỹ thuật) theo Luật định của các cơ sở kinh doanh dược phẩm để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các hoạt động kinh doanh được phẩm (Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, phân phối, bán lẻ, bảo quản dược phẩm).
- Một trong các điều kiện quan trọng khi tham gia kinh doanh dược là các cở sở phải có được chứng thực hành tốt trong lĩnh vực dược cụ để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc như đã nêu trên, cụ thể hoạt động sản xuất cần có được GMP, hoạt động phân phối cần có GDP, bán lẻ cần có GPP và bảo quản thuốc cần có GSP.
- Sản phẩm dược phẩm bao gồm sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước được kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Y Tế và cụ thể là Cục Quản Lý Dược theo đó các sản phẩm dược phẩm thành phẩm, nguyên liệu ngành dược phẩm phải được đăng ký lưu hành mới được phép nhập, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
b. Hoạt động hóa chất liên quan đến sản phẩm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế:
- Nghị định 91/2016/NĐ-CP là văn bản điều chỉnh các hoạt động về sản xuất, sang chai đóng gói (sau đây gọi tắt là sản xuất), kiểm nghiệm, khảo nghiệm, lưu hành, mua bán, vận chuyển và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
- Thông tư Số: 09/2018/TT-BYT ban hành danh mục hóa chất, chế phẩm diệt công trùng, diệt khuẩn dùng trong y tế và gia dụng thuộc quản lý của Bộ Y Tế.
- Các hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn thực phẩm (được điều chỉnh bởi các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm) và các hóa chất, chế phẩm sử dụng cho mục đích duy nhất là diệt khuẩn trang thiết bị y tế (đươc điều chỉnh bởi các quy định về trang thiết bị y tế) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
- Bộ Y Tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý về hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác liên quan đến Hóa chất trong hoạt động này.
Lưu ý:
Ngoài các điều kiện chung được quy định tại Luật Hóa Chất thì việc sản xuất, kinh doanh Hóa Chất, chế phẩm thuộc trường hợp này cần lưu ý quan trọng:
- Khi sản xuất các hóa chất, chế chẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế thì cần phải đáp ứng điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại nghị định 91/2026/ND-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và thực hiện công bố đủ điều kiện sản xuất.
- Để được lưu hành tại Việt Nam các Hóa chất, chế phẩm thuộc trường hợp này phải được công bố lưu hành tại Việt Nam.
c. Hoạt động Hóa chất dùng trong kinh doanh thực phẩm:
- Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi thành quy định về các vấn sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm;
- Thông tư 27/2012/TT-BYT quy định về các quản lý phụ gia thực phẩm có phụ lục quy định về phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm và giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm;
- Bộ Y Tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý về hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác liên quan đến Hóa chất trong hoạt động này.
Lưu ý:
Như đã trình bày ở phần trên thì các hóa chất, phụ gia thực phẩm dùng để sử dụng trong thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể:
- Cơ sản xuất, kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự … để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Các trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 12 Nghị Định 15/2019/ND-CP , một trong số các trường hợp này có trường hợp quy định về các loại chứng nhận nếu đã được cấp thì không cần xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là: Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
- Các sản phẩm hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm này tùy từng trường hợp trước khi được lưu hành trên thị trường sẽ phải thực hiện một trong 02 hoạt động tùy theo loại sản phẩm mà áp dụng: (1) Tự công bố sản phẩm; (2) Đăng ký bản công bố sản phẩm.
d. Hoạt động Hóa chất dùng trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm:
- Nghị định Số: 93/2016/NĐ-CP và Thông tư số Số: 06/2011/TT-BYT là hai văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam.
- Bộ Y Tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý về hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác liên quan đến sử dụng Hóa chất đối với kinh doanh Mỹ Phẩm tại Việt Nam.
Lưu ý:
- Để hoạt động sản xuất mỹ phẩm thì cơ sở cần đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật .., và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
- Sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện về thành phần theo quy định được quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYTvà thực hiện thủ tục Công Bố Sản Phẩm Mỹ Phẩm trước khi được lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
Nhóm: Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực về thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, phân bón hóa học là phân bón hỗn hợp, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón khoáng sinh học; sản phẩm bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm
a. Hệ thống các văn bản pháp luật cần tham chiếu và cơ quan quản lý chuyên ngành khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này:
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi:
-
- Theo định nghĩa tại Luật Chăn Nuôi thì Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.
-
- Các văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động hóa chất trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi bao gồm Luật Chăn Nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn Nuôi.
-
- Cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi sẽ là Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, trong đó cơ quan trực thuộc bộ là Cục Căn Nuôi sẽ là đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động liên quan đến Thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước.
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực Thuốc Thú Y:
-
- Theo định nghĩa tại Luật Thú Y thì Thuốc Thú Y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật.
-
- Các văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động hóa chất trong lĩnh vực Thuốc thú y bao gồm: Luật Thú Y và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Thú Y.
-
- Cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực Thuốc thú y sẽ là Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, trong đó cơ quan trực thuộc bộ là Cục Thú Y sẽ là đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động liên quan đến Thuốc Thú Y trong phạm vi cả nước.
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật:
-
- Theo định nghĩa tại Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật thì Thuốc Bảo Vệ Thực Vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
-
- Các văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động hóa chất trong lĩnh vực Thuốc bảo vệ thực vật bao gồm: Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật.
-
- Cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực Thuốc bảo vệ thực vật sẽ là Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, trong đó cơ quan trực thuộc bộ là Cục Bảo Vệ Thực Vật sẽ là đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động liên quan đến Thuốc Bảo Vệ Thực Vật trong phạm vi cả nước.
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực phân bón:
-
- Theo định nghĩa tại Luật Trồng Trọt thì Phân Bón được định nghĩa là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
-
- Các văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động hóa chất trong lĩnh vực Phân bón bao gồm: Luật Trồng Trọt và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Trồng Trọt.
-
- Cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực phân bón sẽ là Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, trong đó cơ quan trực thuộc bộ là Cục Bảo Vệ Thực Vật sẽ là đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động liên quan đến phân bón trong phạm vi cả nước.
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực sản phẩm bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm
-
- Hoạt động hóa chất trong lĩnh vực này phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật An Toàn Thực Phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị Định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An Toàn Thực Phẩm.
-
- Cơ quan quản lý trong lĩnh vực này sẽ có sự tham gia của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Y Tế và Bộ Công Thương. Việc phân công phạm vi quản lý của 03 cơ quan này sẽ phụ thuộc vào quy định của Luật An Toàn Thực Phẩm và Nghị Định 15/2018/NĐ-CP về danh mục các sản phẩm được quy định và phân công quản lý của từng Bộ.
-
- Về nguyên tắc cơ bản viêc phân công quản lý liên quan đến các sản phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Y Tế và Bộ Công Thương cụ thể các cấp ở địa phương (tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường) sẽ tổ chức tương ứng với từng Bộ từ trên xuống dưới. Nhưng trong một số trường hợp có quy định của pháp luật chung hoặc đặc thù thì địa phương đó có thể được thành lập một cơ quan chuyên môn trực thuộc địa phương để quản lý chuyển trách toàn bộ các vấn đề về An toàn vệ sinh thực phẩm mà không phải phân tách theo loại sản phẩm/nhóm sản phẩm.
Cụ thể hiện tại đến năm 2024 thì Thành Phố Hồ Chí Minh với cơ chế được quy định tại Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh thì đã cho phép Thành Phố Hồ Chí Minh thành lập Sở An Toàn Thực Phẩm để quản lý các vấn đề tại thành phố liên quan đến An toàn và vệ sinh thực phẩm.
b. Các lưu ý quan trọng khi các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất trong các lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn được nêu trên:
Những hoạt động liên quan Hóa chất được quản lý bởi Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn sẽ chủ yếu liên quan đến các hóa chất được sử dụng đến các hoạt động kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực về nuôi trồng các loại động vật, cây trồng, chế biến bảo quản các sản phẩm nông sản. Theo đó những hoạt động này có một số lưu ý sau:
- Những lưu ý cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi:
-
- Thức ăn chăn nuôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
-
- Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, vi trí, nhân sự …có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;
-
- Công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
-
- Nhãn hoặc tài liệu kèm theo thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật Chăn Nuôi.
- Những lưu ý cho lĩnh vực Thuốc Thú Y:
-
- Thuốc thú y phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật được cấp Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam;
-
- Thuốc thu y phải được đăng ký lưu hành mới được sử dụng tại Việt Nam trừ trường hợp nhập khẩu theo quy định về Giấy phép nhập;
-
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Thú Y phải có giấy phép nhập khẩu và sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu của Cục Thú Y;
-
- Cơ sở sản xuất, bán buôn, nhập khẩu thuốc thú y phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, địa điểm, máy móc thiết bị theo quy định của Luật Thú Y và phải được cấp các loại giấy tương ứng:
-
-
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y;
-
-
-
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y;
-
-
-
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán buôn thuốc thú y.
-
- Những lưu ý cho trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật:
-
- Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.
-
- Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
-
- Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Thuốc bảo vệ thực vật phải được cấp giấy chứng nhận đang ký thuốc bảo vệ thực vật mới được phép lưu hành tại Việt Nam trừ trường hợp nhập theo giấy phép nhập khẩu.
-
- Cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đủ điêu kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
-
- Việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chỉ được sau khi có sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đó được cấp giấy chứng nhận đang ký thuốc bảo vệ thực vật trừ trường hợp nhập khẩu theo Giấy phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật.
-
- Việc vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói, ghi nhãn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định theo Mục 3 Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Những lưu ý cho trong lĩnh vực phân bón
-
- Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu theo quy định Về Giấy Phép Nhập Khẩu phần bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Trồng Trọt.
-
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.
-
- Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
-
- Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là tổ chức, cá nhân đó phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị, phòng thử nghiệm, hệ thống quản lý chất lượng …theo quy định của Luật Trồng Trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành.
-
- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
-
- Việc ghi nhãn hàng hóa và quảng cáo phân bón tuân theo quy định của Luật Trồng Trọt và các văn bản pháp luật liên quan đến Nhãn Hàng Hóa và Quảng Cáo.
- Những lưu ý cho lĩnh vực sản phẩm bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm:
-
- Việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm để bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm tùy theo từng loại sản phẩm, đặc tính của sản phẩm, mục đích sử dụng của từng sản phẩm được sử dụng sẽ được áp dụng các quy định tương ứng như:
-
-
- Để bảo vệ nông sản ở giai đoạn hạt giống, giai đoạn trồng trọt, bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cũng như trong bảo quản nông sản nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật (nấm bệnh, côn trùng, cỏ dại, tuyến trùng, vi khuẩn, virus…), bảo quản nông sản, lâm sản sau thu hoạch (nhưng chưa đến giai đoạn sơ chế thực phẩm) thì thuộc trường hợp là thuốc bảo vệ thực vật thuộc quản lý của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo Vệ Và Kiểm Dịch Thực Vật;
-
-
- Các loại hóa chất dùng để rửa rau quả, nông sản, hải sản, thực phẩm, hải sản trong quá trình sơ chế thì thuộc trường hợp là phụ gia thực phẩm thuộc được quy định tại Luật An Toàn Thực Phẩm và theo tôi thuộc sự quản lý của Bộ Y Tế;
- Khi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này cần xác định được sản phẩm của mình được phân loại vào loại sản phẩm nào và thuộc cơ quan chuyển ngành quản lý nào để đảm bảo được việc tuân thủ và thực hiện đúng theo quy định. Việc xác định này đôi lúc các cá nhân, tổ chức sẽ có thể khó xác định theo đó có thể cần có sự tư vấn của các đơn vị chuyên môn và có kinh nghiệm hoặc tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.